Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng, Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự (Bộ Quốc phòng).
Phóng viên (PV): Đề nghị Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng khái quát những những nét cơ bản của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng: Thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp và từng bước làm thay đổi bộ mặt của thế giới, mỗi cuộc cách mạng đều đặc trưng bằng sự thay đổi về bản chất của sản xuất và sự thay đổi này được tạo ra bởi các đột phá của khoa học và công nghệ (KH-CN). Như chúng ta đã biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra từ nửa cuối thế kỷ 18 với thay đổi từ sản xuất chân tay đến sản xuất cơ khí do phát minh ra động cơ hơi nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra từ nửa cuối thế kỷ 19 với thay đổi từ sản xuất đơn lẻ sang sản xuất hàng loạt bằng máy móc chạy bằng năng lượng điện. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba diễn ra từ những năm 70 của thế kỷ trước với sự ra đời của sản xuất tự động dựa vào máy tính, thiết bị điện tử và internet. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được cho là đã bắt đầu từ vài năm gần đây, là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano… với nền tảng là các đột phá của công nghệ số.
Về cơ bản, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ dựa trên 3 lĩnh vực chính: Thứ nhất là Kỹ thuật số: Bao gồm dữ liệu lớn, vạn vật kết nối internet, trí tuệ nhân tạo; Thứ hai là Công nghệ sinh học: bao gồm những ứng dụng trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo; Thứ ba là Lĩnh vực vật lý, như: rô-bốt thế hệ mới, in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới, công nghệ nano… Cuộc cách mạng công nghiệp này, dù mới bắt đầu, đang phá vỡ cấu trúc của hầu hết các ngành công nghiệp ở mọi quốc gia, báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Và dĩ nhiên lĩnh vực quân sự, quốc phòng sẽ chịu những tác động rất sâu rộng.
PV: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động như thế nào đối với hoạt động quân sự, quốc phòng, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặt ra cả những cơ hội và thách thức. Việt Nam chúng ta là nước đang phát triển, trong xu thế hợp tác mở rộng, chúng ta có thể đi tắt, đón đầu KH-CN hiện đại để đáp ứng cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó cũng xuất hiện rất nhiều thách thức, Việt Nam là quốc gia có lợi thế địa kinh tế và nguồn lao động trẻ, dồi dào, nhưng cách mạng 4.0 sẽ làm thay đổi và tác động đến lợi thế này.
Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng kiểm tra công tác nghiên cứu, ứng dụng KH-CN
ở Tổng công ty Ba Son (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), tháng 7-2016. Ảnh: THÚY HÀ
Quân sự và quốc phòng là lĩnh vực đặc thù, với cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta cũng sẽ phải nhìn nhận một cách thấu đáo những yếu tố tác động. Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân đội đang trong quá trình xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có các lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội được đầu tư trang bị nhiều loại vũ khí trang bị, phương tiện hiện đại, công nghệ cao để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Với những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta có thể nâng cao năng lực làm chủ trong nghiên cứu, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật, hiện đại hóa, khai thác làm chủ vũ khí công nghệ cao. Với khả năng của công nghệ số, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, việc chỉ huy, quản lý, điều hành sẽ có những thay đổi rất lớn, người chỉ huy sẽ được hỗ trợ tối đa trong việc ra quyết định, nhanh chóng hơn, chính xác hơn.
Có thể nói tất cả các hoạt động quân sự, quốc phòng đều hưởng lợi từ những thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, những thách thức đặt ra không hề nhỏ, đó là việc thay đổi tư duy, nhận thức, về cách thức triển khai các hoạt động thực tiễn, đặc biệt là tổ chức lực lượng, quản lý chỉ huy điều hành và hoạt động huấn luyện, SSCĐ; những yêu cầu về đầu tư hạ tầng, đáp ứng về nhân lực, những nguy cơ về bảo mật, an toàn thông tin. Cũng xin nói thêm một điều, KH-CN quân sự có những yếu tố đặc thù, nhiều lĩnh vực công nghệ cao, khó khăn trong hợp tác chuyển giao, đó là rào cản khi tiếp cận những thành tựu KH-CN trong lĩnh vực quân sự.
PV: Thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã cụ thể hóa giải pháp, nhiệm vụ tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong quân đội như thế nào? Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng: Có thể nói đây là vấn đề rất mới, cần phải tiếp tục nghiên cứu để xác định hướng đi phù hợp, hiệu quả. Trước mắt cần tập trung thực hiện đồng bộ một số nội dung sau: Thứ nhất là, nâng cao nhận thức trong toàn quân về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng việc tuyên truyền phổ biến kiến thức về cuộc cách mạng này để nâng cao nhận thức và hiểu biết của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ. Thứ hai là, nghiên cứu điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và phương hướng nhiệm vụ phù hợp với tình hình mới, tạo điều kiện cho đi tắt đón đầu trong các lĩnh vực KH-CN cũng như sẵn sàng trước sự biến đổi của tình hình. Thứ ba là, tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông, truyền dẫn, đồng bộ… tạo tiền đề cho việc tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thứ tư là, đẩy mạnh phát triển các công nghệ trọng điểm, đặc biệt các công nghệ như rô-bốt, vật liệu tiên tiến, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn… ứng dụng trong quản lý chỉ huy, điều hành, sản xuất chế tạo, khai thác, sử dụng, hiện đại hóa các hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự. Thứ năm là, phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó chú trọng điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo, hợp tác quốc tế trong đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ KH-CN trẻ, các nhóm nghiên cứu thông qua thực hiện các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ KH-CN. Thứ sáu là, mở rộng hợp tác KH-CN song phương, đa phương và các đối tác truyền thống tập trung vào chuyển giao công nghệ, tìm kiếm giải mã công nghệ.
PV: Thưa Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng, Quân đội ta sẽ tận dụng, thu nhận kết quả gì khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư?
Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng: Ở tất cả các nước trên thế giới, những thành tựu KH-CN tốt nhất trước tiên được ứng dụng trong lĩnh vực quân sự, ở Việt Nam cũng như vậy. Với việc tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta sẽ tiếp cận được những thành tựu KH-CN của thế giới. Hoạt động quân sự, quốc phòng rất đa dạng, trên nhiều lĩnh vực, tất cả những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đều có thể ứng dụng và làm thay đổi một cách căn bản về quan điểm và triển khai các hoạt động thực tiễn. Các công nghệ trọng điểm như: trí tuệ nhận tạo, rô-bốt, vật liệu tiên tiến, internet vạn vật, năng lượng tái tạo, in 3D, công nghệ sinh học… đều có thể được ứng dụng trong các hoạt động của quân đội, từ đó vũ khí trang bị của quân đội sẽ được hiện đại hóa, tối ưu hóa…
Khẳng định rằng, với cách mạng công nghiệp 4.0, Quân đội ta có nhiều điều kiện để hiện đại hóa vũ khí trang bị. Với những công nghệ trọng điểm của cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta có thể đổi mới tư duy về thiết kế, các thiết bị công cụ thông minh cho phép chúng ta gia công chế tạo các chi tiết, cấu kiện phức tạp, các mạch điện tử tích hợp cực kỳ phức tạp. Công nghệ rô-bốt, công nghệ tự lái cho phép chúng ta có thể chế tạo các phương tiện bay, phương tiện thủy không người lái đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ quân sự. Hệ thống hạ tầng internet, cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo cho phép chúng ta chế tạo, tích hợp các hệ thống cảnh giới vùng trời, vùng biển, biên giới quốc gia... Trí tuệ nhân tạo được áp dụng trong vũ khí, các trang thiết bị quân sự sẽ làm chúng thông minh hơn, hỗ trợ nhiều hơn, chính xác hơn.
PV: Thưa Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng! cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong Quân đội ta có những đặc thù gì và để có một sản phẩm, công trình, chương trình đạt chuẩn của cuộc cách mạng công nghiệp mới này, yêu cầu đặt ra như thế nào?
Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng: Tôi xin nêu một số đặc thù cơ bản sau: Thứ nhất, đây là lĩnh vực rất đa dạng, định hướng tiếp cận ưu tiên với các lĩnh vực của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với từng quân, binh chủng, ngành cần xác định phù hợp. Thứ hai, chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tiếp thu và ứng dụng các công nghệ, vì hầu hết là các hệ thống công nghệ cao đều đòi hỏi điều kiện hoạt động đặc thù, khó khăn trong việc tiếp thu, chuyển giao công nghệ quân sự. Thứ ba, đòi hỏi tính đồng bộ cao, có tính hệ thống. Để có một sản phẩm, công trình, chương trình đạt chuẩn Quân đội ta phải ưu tiên ứng dụng các công nghệ trọng điểm của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trình độ KH-CN phải ngang tầm khu vực, một số lĩnh vực tiếp cận trình độ các nước công nghiệp tiên tiến.
PV: Có ý kiến cho rằng, hiện nay Việt Nam đang ở giữa cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và thứ tư, vậy quân đội cần phải làm gì để đi tắt, đón đầu nhanh chóng, đúng hướng, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng: Xin nói rõ thêm, nếu nói là Việt Nam ở giữa cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và thứ tư là chưa thật sự chính xác, vì hiện nay nền công nghiệp nước ta còn thua kém về trình độ hàng chục năm so với các nước tiên tiến: về hạ tầng giao thông, nông nghiệp chúng ta chỉ tương đương 1.0; về động cơ điện tương đương 2.0, một số lĩnh vực như công nghệ thông tin, truyền thông chúng ta ở trình độ 3.0 và tiếp cận ban đầu với 4.0. Để đi tắt đón đầu, Quân đội cần một chiến lược, quy hoạch tổng thể trong điều kiện đầu tư có hạn, ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực chịu nhiều tác động của cuộc cách mạng này, tạo tiền đề cho các lĩnh vực khác phát triển, mở rộng hợp tác trong nước, quốc tế song phương và đa phương, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, huy động, thu hút nhân tài vào phục vụ quân đội, tạo tiềm lực KH-CN vững chắc để nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất, khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.
PV: Xin cám ơn Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng!
Theo Bqp.vn