5 giờ:53 phút Thứ ba, ngày 3 tháng 10 , 2017

Làm thất bại Chiến lược “Diễn biến hòa bình”:

Xuyên tạc thông tin, thủ đoạn cũ nhưng nguy hại

Xuyên tạc thông tin nhằm làm sai lệch bản chất của sự việc, hiện tượng là việc làm thường xuyên của một nhóm người thuộc diện trục lợi hoặc thù địch với cách mạng Việt Nam. Họ thường dựa vào một số sự việc xảy ra trong đời sống xã hội để tìm cách thêm thắt, dắt dây, thổi phồng sự việc, làm sai lạc hoàn toàn bản chất của sự việc. Thủ đoạn này vốn không mới nhưng thực sự nguy hại, bởi nó làm cho môi trường thông tin trở nên lẫn lộn trắng-đen, thật-giả khó phân biệt.

 Những ngày gần đây trên một số trang báo mạng và mạng xã hội rộ lên những thông tin như: “Chính phủ Đức dừng cấp thị thực (visa) cho công dân Việt Nam”; “người dân Hải Dương phản đối công ty gây ô nhiễm môi trường, xảy ra xô xát với cảnh sát”; “lãnh đạo Đà Nẵng bị kỷ luật”... Trước hết, cần phải xác định rằng những thông tin nêu trên có một phần sự thật và đã được các cơ quan chức năng giải đáp rõ ràng. Chẳng hạn, ngay sau khi trên mạng tán phát thông tin “Chính phủ Đức tạm dừng cấp thị thực cho công dân Việt Nam” một ngày, Đại sứ quán Đức đã ra thông báo chính thức cải chính thông tin và giải thích là do hệ thống làm thủ tục cấp thị thực bị quá tải nên thời gian chờ đợi có thể sẽ kéo dài hàng tuần. Vì thế, Đại sứ quán Đức khuyên những công dân Việt Nam có kế hoạch sang Đức cần chủ động liên hệ, đặt kế hoạch với Đại sứ quán, hoặc Tổng lãnh sự Đức tại TP Hồ Chí Minh để được đáp ứng yêu cầu về thị thực. Những người Việt Nam đang sống trên đất Đức cũng khẳng định đó là “tin vịt”, bởi họ không hề nhận được một thông báo nào về việc Chính phủ Đức dừng cấp thị thực cho công dân Việt Nam. Hoặc thông tin về việc kỷ luật hai cán bộ chủ chốt của TP Đà Nẵng cũng đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo rất rõ ràng về tính chất, mức độ vi phạm của từng cán bộ. Ấy thế nhưng sự việc trên lại được một số người tự nhận là “đấu tranh cho dân chủ” thêu dệt trong các cuộc bàn luận kiểu “tọa đàm”, sau đó dựng thành clip tán phát trên một số trang báo mạng vốn thiếu thiện cảm với Việt Nam. Nghe các cuộc “tọa đàm” này mới thấy sự nham hiểm và trắng trợn của những người có nghề bịa đặt và xuyên tạc thông tin. Họ cứ kẻ tung người hứng, dẫn dắt người nghe từ những sự việc bình thường, có thật (như việc kỷ luật cán bộ tại Đà Nẵng) đến những suy luận mà họ cho là logic theo ý chí chủ quan của họ. Trong thông tin về kỷ luật cán bộ tại Đà Nẵng, sau một hồi suy luận, đưa đẩy thì họ cho rằng “đây là sự đấu đá nội bộ trước Hội nghị Trung ương 6”. Trên thực tế, việc kiểm tra (đối với các đảng viên, tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm) và thi hành kỷ luật Đảng (đối với các đảng viên vi phạm) là một việc làm thường xuyên của Đảng Cộng sản Việt Nam và đã được tiến hành liên tục, rộng rãi từ Ban Chấp hành Trung ương tới chi bộ suốt từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay. Việc kỷ luật một đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng là việc làm tất yếu để làm trong sạch nội bộ Đảng. Thế cho nên chỉ những kẻ mang mưu đồ trục lợi (về kinh tế, hoặc chính trị) lại chuyên nghề “thọc gậy bánh xe” mới có thể suy luận thiếu căn cứ, rồi quy kết một cách bừa bãi hòng đánh lừa dư luận.

Xem xét các thông tin mà một nhóm người chuyên tạo dựng và được hỗ trợ bởi một số trang báo mạng thì thấy: Thứ nhất, hầu hết các thông tin đều ở dạng “mập mờ”, thiếu căn cứ, nên người đọc có muốn kiểm chứng cũng khó. Chẳng hạn như trong thông tin “người dân xã Lai Vu (huyện Kim Thành) xô xát với công an Hải Dương” ngày 25-9, một trang báo mạng đưa ra một số nhân vật kiểu như “một người tên là S. cho biết”, hoặc “một người tên là Y. nói rằng...” tức là tất cả nhân vật đều ở dạng phiếm chỉ, không rõ ràng tên họ, địa chỉ, nói bao giờ. Những người thường xuyên đọc báo, tiếp nhận thông tin thì đều nhận thấy không thể tin tưởng vào người đã viết ra bài báo như trên và cũng không thể tin tưởng vào những thông tin do các nhân vật có tên trong bài báo cung cấp. Trên thực tế, đúng sáng ngày 25-9, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái có cuộc đối thoại thẳng thắn với người dân xã Lai Vu. Tại buổi đối thoại này, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã đưa ra những giải pháp phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương giải quyết triệt để các vấn đề tồn đọng, giám sát chặt chẽ 24/24 giờ đối với việc xả thải của các công ty (trong Khu công nghiệp Lai Vu) thông qua hệ thống quan trắc. Ông Thái cũng đề nghị nhân dân cùng tham gia với chính quyền và cơ quan chức năng giám sát việc xả thải của các công ty. Đó là cách giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng của chính quyền địa phương. Còn việc giải tỏa các lều bạt mà người dân tự ý dựng lên trái phép gần cổng ra vào Khu công nghiệp Lai Vu, gây cản trở giao thông là việc làm cần thiết của chính quyền địa phương. Ở bất cứ đất nước nào có pháp luật cũng vậy, việc người dân tự ý giải quyết các vướng mắc, tranh chấp theo kiểu chủ quan, tiêu cực là điều không thể chấp nhận. Tất cả sai phạm, vi phạm của các bên đều phải được phân xử theo quy định của pháp luật. Đó chính là cách giải quyết thượng tôn pháp luật, hành xử tiến bộ.

 

Xuyên tạc thông tin, thủ đoạn cũ nhưng nguy hại
Ảnh minh họa.
Thứ hai, thông tin trong các bài viết, video clip đều được thực hiện kiểu dẫn dắt vòng vo, thông tin nọ dính vào thông tin kia, sự việc nọ gắn vào sự việc kia, nhắm tới mục tiêu cuối cùng là nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam, xuyên tạc vai trò của Nhà nước, phủ nhận chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Có nhiều clip chỉ là một đoạn video hoặc là một vài hình ảnh tĩnh nhặt nhạnh trên mạng, sau đó được đối tượng cắt ghép, lặp qua, lặp lại tạo cớ minh họa cho lời bình. Đây là cách làm phổ biến của những người chuyên lắp ghép thông tin và lại được hỗ trợ đắc lực bởi các trang mạng xã hội, nhất là các trang như Youtube, Facebook... hoặc các trang báo mạng như BBC, VOA... và các trang blog cá nhân. Có nhiều đoạn clip chứa đựng những thông tin xuyên tạc sự thật một cách trắng trợn, kèm những hình ảnh cắt ghép lộ liễu, thế nhưng người đọc lời bình trong các clip ấy vẫn vô tư “lải nhải”, hệt như não bộ của họ đã được lập trình giống con robot. Cách đây chưa lâu, có hai vị tiến sĩ ngồi bình luận trên BBC về mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với một số nước. Sau mấy câu mào đầu, mọi người cứ nghĩ họ bình luận thẳng thắn, vô tư, ích nước, lợi dân, nhưng chỉ vài câu sau họ đã "lòi cái đuôi" cá nhân, với những suy luận hoàn toàn chủ quan, chụp mũ về quan hệ ngoại giao của Việt Nam với một số nước, trong đó có Liên bang Đức. Rồi từ những lập luận của mình, họ suy đoán là sắp tới Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ làm như thế này, như thế kia và đối tác sẽ hành động như thế này, như thế kia v.v.. tựa hồ trên thế giới chỉ có họ mới là người nắm được thông tin và hiểu biết tất cả. Sự ngộ nhận chủ quan, kết hợp với sự tha hóa đến mức thậm tệ về đạo đức của một số người đã tạo ra những thông tin méo mó, hoàn toàn sai sự thật, khiến người nghe/đọc mất thời gian để nghi ngờ, tìm hiểu. Điều tệ hại hơn, nó làm ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân (như trong trường hợp blog Người buôn giótán phát thông tin sai sự thật về việc Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam bị bắt hồi tháng 8-2017 làm ảnh hưởng tới hoạt động của nhiều ngân hàng), gây bất ổn trong xã hội.

 

Thứ ba, điều cốt yếu của thông tin là tính trung thực và đặc trưng của nó là giải quyết đầy đủ các câu hỏi thông thường, như: Ai? Cái gì? Bao giờ? Ở đâu và như thế nào? Những người cung cấp thông tin nghiêm túc đều lấy việc giải quyết các câu hỏi trên làm trọng, nên mới tạo được sự tin tưởng đối với người tiếp nhận thông tin. Thế nhưng đối với những người chuyên xuyên tạc, lắp ghép thông tin, họ lại không tôn trọng những yếu tố đặc trưng cơ bản đó mà thường lấp liếm, tránh né các câu hỏi nhằm vào hai mục đích là tạo ra sự có vẻ như “bí mật” của thông tin và khơi gợi trí tò mò của người đọc/nghe. Từ đó, họ hướng người đọc/nghe đến mục tiêu cuối cùng là xuyên tạc một lĩnh vực nào đó, hoặc là đường lối lãnh đạo của Đảng, hoặc là việc xây dựng, duy trì hệ thống pháp luật của Nhà nước... Thế nên thông tin của họ thường không có đầu, không có cuối, không có chỉ dẫn, xác định về không gian, thời gian. 

Chống lại và loại bỏ những dạng thông tin như đã nêu trên ra khỏi đời sống xã hội, tạo môi trường trong sạch về thông tin là việc làm rất cần thiết và cần làm mấy việc chủ yếu như sau: Trước hết, mỗi người đọc/nghe phải có sự “tĩnh tâm” để nhận biết thật-giả khi tiếp nhận thông tin. Qua xem xét, chúng tôi thấy tất cả thông tin (bài viết/nói, đoạn video clip...) mập mờ về địa chỉ, nhân vật, không gian, thời gian, cung cấp thông tin dạng một chiều v.v.. đều có dấu hiệu của sự giả tạo, lừa bịp. Thứ hai, trước những thông tin có dấu hiệu xuyên tạc, trái chiều, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng công bố thông tin chính thống để phản bác lại thông tin bịa đặt, góp phần định hướng dư luận. Về vấn đề này phải tích cực phát huy vai trò của người phát ngôn, cơ quan phát ngôn đã được quy định trong Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 9-2-2017 của Chính phủ Quy định chi tiết về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước. Thứ ba, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, điều tra, xử lý các đối tượng tung tin bịa đặt và cả các đối tượng tiếp tay cho sự bịa đặt ấy lan truyền trong xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thứ tư, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi tầng lớp nhân dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của những người chuyên xuyên tạc thông tin, từ đó mà cảnh giác, đề phòng.

Ai cũng biết pháp luật của Việt Nam cho phép mọi công dân có quyền tự do ngôn luận, nhưng cần phải hiểu rằng như thế không có nghĩa là cung cấp thông tin bừa bãi, bịa đặt, vu khống, xâm phạm lợi ích của người khác. Vì vậy, các hành vi xuyên tạc thông tin đáng phải lên án, đồng thời phải bị dẹp bỏ trong đời sống của nhân dân ta.

Theo qdnd.vn
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website