5 giờ:58 phút Thứ năm, ngày 19 tháng 10 , 2017

Kỷ niệm 54 năm ngày truyền thống Quân chủng PK-KQ (22-10-1963 / 22-10-2017):

Quân chủng PK-KQ ra đời nâng cao sức mạnh chiến đấu của bộ đội chủ lực

Tháng 6 năm 1963, Quân ủy Trung ương họp đánh giá kết quả xây dựng Quân đội trong những năm 1961-1963 và bàn kế hoạch tăng cường phòng thủ miền Bắc. Quân ủy Trung ương nhận định, trong 3 năm 1961-1963, công cuộc xây dựng Quân đội chính quy, củng cố dân quân tự vệ và phát triển lực lượng hậu bị trên miền Bắc đã có những thành công và tiến bộ lớn. Sức mạnh chiến đấu của bộ đội chủ lực cơ động được nâng lên một bước rõ rệt. Bộ đội Phòng không được chú ý xây dựng vào hàng thứ 2 sau lục quân. Từ những phân đội cao xạ trang bị cũ nay đã có một hệ thống pháo cao xạ trong toàn quân gồm 11 trung đoàn và 17 tiểu đoàn pháo cao xạ, trong đó có nhiều trung đoàn được trang bị loại vũ khí điều khiển tự động, đồng thời đã bước đầu bố trí được mạng lưới ra đa trinh sát trên không. Bộ đội Phòng không có khả năng phát hiện một phần máy bay địch xâm phạm không phận và có thể bảo vệ một số mục tiêu chống máy bay địch ở độ cao dưới 10km trong phạm vi hỏa lực của mình.

Quân chủng PK-KQ ra đời nâng cao sức mạnh chiến đấu của bộ đội chủ lực
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và động viên Bộ đội Phòng không-Không quân
trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội, tháng 12 năm 1972.
Ảnh tư liệu

Để chủ động đối phó với hành động khiêu khích, phá hoại miền Bắc ngày càng gia tăng của đế quốc Mỹ, từ đầu năm 1962, Bộ Tổng Tham mưu đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Phòng không giúp Bộ chỉ đạo nhiệm vụ phòng không ở nơi trú quân và tham gia chỉ đạo công tác phòng không nhân dân trên miền Bắc. Ngày 20-5-1963, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra chỉ thị cụ thể về công tác phòng không nhân dân, theo tinh thần chỉ đạo công tác phòng không nhân dân trên miền Bắc. Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã thảo luận một số vấn đề trong kế hoạch phòng thủ miền Bắc như phương án tác chiến, kế hoạch động viên và mở rộng lực lượng vũ trang trong thời kỳ đầu chiến tranh và chuyển nền kinh tế miền Bắc từ sản xuất thời bình sang sản xuất thời chiến.

Cùng với nhiều binh chủng khác của các lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng không quân đã có quá trình xây dựng từ sớm. Năm 1949, cơ quan nghiên cứu Không quân đầu tiên được thành lập. Ngày 3-3-1955, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Ban nghiên cứu sân bay, đến ngày 24-1-1959 Cục Không quân được thành lập tiếp tục thực hiện chức năng của Ban nghiên cứu sân bay. Trực thuộc Cục có Trung đoàn không quân vận tải 919 và Trường Hàng không 910. Ngoài các nhiệm vụ thường xuyên như vận chuyển hành khách, hàng hóa trên các tuyến bay trong nước, đưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm và công tác tại nước ngoài, Trung đoàn còn tham gia vận chuyển hàng cho Đoàn 559 để đưa vào chiến trường miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Lào. Theo chủ trương của Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, Cục Không quân đã cử nhiều cán bộ, nhân viên kỹ thuật và tổ chức một khung cán bộ Trung đoàn ra nước ngoài học tập xây dựng Trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên của Quân đội ta.

Ngày 22-10-1963, trên cơ sở binh chủng Phòng không và Cục Không quân đã được xây dựng, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định  hợp nhất hai lực lượng, thành lập Quân chủng PK-KQ. Đại tá Phùng Thế Tài được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân chủng và Đại tá Đặng Tính được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng.

Khi mới thành lập, Quân chủng PK- KQ có 3 binh chủng. Binh chủng Pháo cao xạ có 11 trung đoàn và 2 tiểu đoàn. Binh chủng Ra đa có 3 trung đoàn với 18 đại đội và 3 đại đội quan sát mắt. Các trung đoàn ra đa điều chỉnh thế bố trí, hình thành trường ra đa bảo vệ từng khu vực yếu địa. Binh chủng Không quân có Trung đoàn Không quân vận tải 919.

Sự ra đời của Quân chủng PK-KQ đánh dấu bước phát triển của Quân đội ta. Từ một quân đội đơn thuần bộ binh tổ chức phân tán, trang bị hạn chế trong kháng chiến chống Pháp, năm 1960 hình thành lực lượng lục quân và những cơ sở đầu tiên của Phòng không - Không quân, Hải quân; đến đây Quân đội ta đã có 3 quân chủng: Lục quân, Phòng không - Không quân và Hải Quân. Trình độ chính quy, hiện đại của cả 3 quân chủng đã có những bước tiến bộ rõ rệt. Lực lượng Phòng không từ một Trung đoàn pháo cao xạ 37mm thời kỳ đánh Pháp ở Điện Biên Phủ, năm 1960 hình thành lực lượng phòng không gồm hai binh chủng pháo cao xạ và ra đa; đến đây đã phát triển thành một Quân chủng gồm có 3 binh chủng: Pháo cao xạ, ra đa, không quân và các lực lượng bảo đảm như thông tin, công binh, vận tải, kỹ thuật… Từ chỗ chỉ có một trung đoàn pháo cao xạ 367, lực lượng Phòng không quốc gia đã có 11 trung đoàn pháo cao xạ các loại, phần lớn được điều khiển tự động, có lực lượng quan sát bằng khí tài và lực lượng Không quân. Thế trận và lực lượng phòng thủ miền Bắc được tăng cường lên một bước mới tạo điều kiện cho quân và dân ta đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy.

Trải qua 54 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Quân chủng đã làm nên nhiều chiến công huyền thoại trong sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

BÍCH PHƯỢNG

(Theo Lịch sử Quân chủng Phòng không-Không quân)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website