7 giờ:52 phút Thứ năm, ngày 26 tháng 7 , 2018

Ghi ở ngã ba Đồng Lộc

Tròn một năm trước, tôi được Ban Biên tập giao nhiệm vụ cùng Đoàn công tác của Quân chủng PK-KQ đến dâng hương, đặt vòng hoa, viếng mộ Đại tướng võ nguyên Giáp; dâng hương, đặt vòng hoa tại Khu di tích lịch sử thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh); nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9; Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và thả hoa tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống trên dòng sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị). cho đến giờ, những ký ức thiêng liêng bên cánh rừng Trường Sơn vẫn vẹn nguyên trong tôi những cung bậc khó nói thành lời.

Ghi ở ngã ba Đồng Lộc
Đoàn công tác của Quân chủng PK-KQ chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc.

NGÃ BA ĐỒNG LỘC 50 NĂM TRƯỚC

Một buổi sáng tháng 7-2017, khi Mặt trời lên ngang tầm mắt cũng là lúc chúng tôi đi trong bạt ngàn những cánh rừng Trường Sơn. Nắng tháng 7 dìu dịu, nhìn mỗi ngọn cỏ, nhành cây rung rinh vẫy gió, chúng tôi nghe như đâu đó văng vẳng những tiếng hô xung phong, tiếng tìm gọi nhau của cha anh một thời giành giữ từng thước đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ngã ba Đồng Lộc nằm nghiêng bên tả dãy Trường Sơn, nơi giao điểm giữa quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh. Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng của con đường mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân, dân ta chi viện cho chiến trường miền Nam. Và con đường độc đạo này đã được mệnh danh là “tọa độ chết”. Người ta đã thống kê rằng, mỗi mét vuông đất nơi đây đã gánh 3 quả bom tấn. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm (từ tháng 3 đến tháng 10-1968), không quân địch đã trút xuống đây hàng vạn quả bom các loại.

Cũng tại nơi này, Trung đoàn Pháo cao xạ 210 thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không, nay là Lữ đoàn 210, Quân khu 1 đã cùng với nhân dân Can Lộc, Hà Tĩnh và lực lượng thanh niên xung phong chia lửa, chiến đấu anh dũng để bảo vệ tuyến đường huyết mạch. Đã có 122 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 210 đã anh dũng hi sinh. Cũng tại nơi này, 16 giờ 30 phút, ngày 24-7-1968, trận bom thứ 15 trong ngày của địch dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm bên sườn Đông núi Thọ, nơi 10 cô gái thanh niên xung phong đang tránh bom. Tất cả đã hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

NGÃ BA ĐỒNG LỘC HÔM NAY

Được biết, để ghi lại chiến tích anh hùng của 10 cô gái tại Ngã ba Đồng Lộc, ngày 7- 6-1972, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 10 cô gái. Ngã ba Đồng Lộc cũng đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Trong chuyến công tác tri ân, tôi được gặp ông Phan Hưng - Chủ tịch UBND xã Đồng Lộc. Ông Hưng cho biết: Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, phần mộ của 10 nữ thanh niên xung phong đã được xây dựng khang trang và hầu như ngày nào cũng có người đến thắp hương.

Theo quan sát của chúng tôi, nằm cách 10 ngôi mộ khoảng 200m là tượng đài Chiến thắng Đồng Lộc. Tượng đài là biểu tượng người thanh niên xung phong giơ tay phất cờ báo hiệu mở đường cho xe hướng thẳng về phía Nam. Đó là biểu tượng bất hủ cho sức mạnh, tinh thần vươn lên mọi gian nan nguy hiểm của lực lượng thanh niên xung phong mà những cô gái nằm lại đây là minh chứng.

Giữa khói hương bảng lảng, những bước chân lần lượt đi ngang qua với ánh mắt kính phục những người đã ngã xuống. Tôi nhìn sâu vào những khuôn mặt các cô gái còn rất trẻ và khắp vạt rừng thấm đẫm xương máu cha anh và chợt nghĩ, đằng sau mỗi tấm bia mộ và sâu từng vụn đất sau 50 năm trằn mình trong nắng gió, là một cuộc đời hiển hiện. Họ đã từng sống, từng yêu thương, ước vọng mà nếu không có chiến tranh, họ đã có một số phận khác, đã hạnh phúc. Nhưng khi “giặc đến nhà”, họ đã gác lại tất cả, ngay cả thiên chức được làm vợ, làm mẹ để xung phong ra trận và đón nhận sự ngã xuống mà không hề mảy may suy tính. Với họ, ngoài khát vọng Tổ quốc thống nhất, đất nước sạch bóng quân thù để các thế hệ tương lai được sống tốt hơn trong hoà bình, hạnh phúc chẳng còn khát vọng nào lớn hơn nữa.

Tôi chợt nhớ đến 2 câu thơ của Nhà thơ Nga Y. Evtushenko: “Chẳng có ai tẻ nhạt trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”. Đọc 2 câu thơ này nơi “ngã ba lửa” giữa cánh rừng Trường Sơn tháng 7 trầm mặc, tôi thấy trước mắt mình trùng điệp những bia mộ trải trắng trời để thấu hiểu hơn những giá trị của hòa bình thành lẽ sống.

Bài, ảnh: NGÔ TIẾN MẠNH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website