10 giờ:24 phút Thứ hai, ngày 27 tháng 2 , 2023

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1-3-1923 / 1-3-2023)

Vị tướng của đường Trường Sơn huyền thoại

Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên - Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn tên thật là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh là Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 1-3-1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình. Ông mất ngày 4-4-2019 tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ở tuổi 96.

Vị tướng của đường Trường Sơn huyền thoại
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên (đội mũ vải) nghe báo cáo kế hoạchtriển khai tuyến xăng dầu khu vực 471. Ảnh Tư liệu

Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng. Đặc biệt, trên cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967-1976), đồng chí đã có những quyết định sáng tạo trong chỉ đạo tổ chức lực lượng, xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả đường Trường Sơn và lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, kịp thời chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bộ đội Trường Sơn có lịch sử xây dựng, chiến đấu kéo dài 16 năm, thì Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã có gần 10 năm trên cương vị là Tư lệnh. Trong khoảng thời gian đó, Bộ đội Trường Sơn phải đối mặt với sự đánh phá ác liệt nhất của máy bay và bom đạn Mỹ; đối mặt với những thủ đoạn tinh vi, tàn bạo nhất với các loại vũ khí tối tân, hiện đại mà Mỹ, ngụy sử dụng trên chiến trường Trường Sơn.

Gần 10 năm làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn, là quãng thời gian đồng chí cùng Bộ đội Trường Sơn nhận nhiệm vụ chi viện cho chiến trường với quy mô to lớn nhất. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã cùng với Bộ Tư lệnh lãnh đạo, chỉ huy một lực lượng hùng hậu với quy mô 9 sư đoàn và 21 trung đoàn trực thuộc, vượt lên mọi hy sinh, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho các hướng chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của cả 3 nước Đông Dương.

Từ năm 1967-1976 là giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ cùng với những sáng kiến táo bạo, kịp thời, sát với thực tiễn chiến đấu của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn không còn là những con đường đơn lẻ mà phát triển thành một hệ thống giao thông vận tải lớn với hàng chục, hàng trăm ngả như “Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã cùng Bộ Tư lệnh triển khai tạo mạng lưới đường nhiều trục dọc trên hướng Bắc - Nam; Đông - Tây Trường Sơn xuyên cả 3 nước Đông Dương; nhiều trục ngang nối 2 sườn Đông - Tây các chiến trường, tạo nên một hệ thống giao thông liên hoàn và đồng bộ với độ dài 17.000km. Đặc biệt là, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400km. Đồng bộ với đó là hệ thống kho tàng phục vụ cấp phát suốt dọc tuyến với gần 50 kho lớn, nhỏ có trữ lượng 27.000m3, 114 trạm bơm đẩy có sức bơm 600-800m3/ ngày đêm ở 1 hướng, cung ứng xăng dầu cho tất cả các lực lượng vận tải của Bộ đội Trường Sơn và lực lượng vận tải của 2 nước bạn Lào, Campuchia cùng lực lượng hành quân của Bộ trên đường Trường Sơn.  Trong Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh, tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn đã đáp ứng mọi yêu cầu về xăng dầu cho tất cả các lực lượng tham gia một cách kịp thời và nhanh chóng.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã góp phần quan trọng vào thành tích, chiến công, vị trí và tầm vóc vĩ đại của Bộ đội Trường Sơn trong 16 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành. Bộ đội Trường Sơn đã đối mặt với 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay của giặc Mỹ; chúng trút xuống Trường Sơn 4 triệu tấn bom đạn bằng nhiều thủ đoạn, nhiều hình thức tàn bạo; Mỹ thả xuống Trường Sơn hàng chục vạn lít chất độc hoá học da cam, dioxin. Song, Bộ đội Trường Sơn đã mở hệ thống đường giao thông cho xe cơ giới vận chuyển gần 2 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện cho các hướng chiến trường. Riêng từ năm 1973 đến 1975 đã chuyên chở bằng cơ giới 40 vạn quân và tổ chức hành quân cho 25 đoàn binh khí kỹ thuật vào chiến trường; cơ động bằng xe cơ giới 10 lượt sư đoàn của 3 quân đoàn chủ lực tham gia chiến dịch; tiêu diệt và bắt sống gần 18 nghìn tên địch, giải phóng vùng rộng lớn ở Nam Lào. Bắn rơi tại chỗ hàng nghìn máy bay các loại; mở 3.000km đường giao liên, tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào, ra chiến trường an toàn; xây dựng 1.350km thông tin tải ba và hàng vạn km dây thông tin các loại, bảo đảm thông tin thông suốt đến các hướng chiến trường, mở 1.400km đường ống xăng dầu, 600km đường sông… Bộ đội Trường Sơn đã huy động 6 sư đoàn phối thuộc tham gia góp phần vào thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Bên cạnh việc góp phần quan trọng vào chiến thắng của Bộ đội Trường Sơn, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên còn tích cực thúc đẩy việc giúp đỡ cách mạng Lào xây dựng, củng cố vùng giải phóng dọc theo tuyến hành lang, vừa mang ý nghĩa quốc tế, liên minh chiến đấu giữa 2 dân tộc, vừa có ý nghĩa trực tiếp với việc giữ vững và phát triển tuyến chi viện chiến lược.

Gắn bó với đường Trường Sơn trong giai đoạn cam go nhất, hơn ai hết đồng chí hiểu được tầm vóc, tiềm lực to lớn của tuyến đường trong cuộc đấu tranh giành độc lập và cả trong quá trình hiện đại hoá tuyến đường trong thời bình để trở thành con đường huyết mạch trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Dù tuổi cao và đã nghỉ hưu, nhưng khi đường Trường Sơn được Chính phủ phê duyệt triển khai, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ làm đặc phái viên của Chính phủ, theo dõi, đôn đốc quá trình thực hiện mở đường. Đồng chí cũng là người đầu tiên đề xuất đổi tên công trình Xa lộ Bắc - Nam thành đường Hồ Chí Minh hiện nay.

BÍCH PHƯỢNG (tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website