15 giờ:22 phút Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 , 2016

Những ngày đầu tiên trong trường học lớn:

Kỳ 1: Học ăn, học nói…

Tôi đã có cuộc trò chuyện cùng những binh nhì của Tiểu đoàn Huấn luyện, Sư đoàn 371 khi khóa huấn luyện chiến sĩ mới chuẩn bị kết thúc. Những điều mắt thấy, tai nghe đã giúp tôi hiểu rằng, họ đã thực sự “lột xác” từ những thanh niên thành những chiến sĩ chững chạc, dẻo dai…

 

Kỳ 2: Người “chèo đò trên khúc tân binh”
Kỳ cuối: Những người lính già và kí ức thuở binh nhì

Nếu ví Quân đội là một trường học lớn thì thời gian huấn luyện tân binh cũng giống như buổi đầu chập chững vào lớp 1. Đó là những ngày làm quen với nền nếp, kỷ luật Quân đội, những ngày “học ăn, học nói” để mỗi người lính tự làm đầy lên hành trang của mình trong quãng đời là Bộ đội Cụ Hồ. Từ trật tự nội vụ

Giữa những gương mặt tân binh còn rất trẻ, Binh nhất Nguyễn Thành Hưng nhà ở quận Ba Đình, Hà Nội dường như có vẻ già dặn hơn một chút. Anh chia sẻ, đã từng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Du lịch, ấn tượng lớn nhất của anh về môi trường quân ngũ, đó là sự thay đổi về thời gian và nền nếp. “ở nhà, thời gian biểu của tôi hoàn toàn khác. Tối thức khuya, sáng thì dậy muộn. Cậu em “lãnh” nhiệm vụ gấp chăn màn. Giờ thì tất cả đều như nhau, tối, 21 giờ 30 phút lên giường, sáng 5 giờ báo thức. Đó là chưa kể những khi có báo động thì bất kể giờ nào. Nội vụ vệ sinh, lúc nào cũng phải gọn gàng, sạch sẽ. Giày, dép để ngay ngắn, đúng chỗ quy định. Chăn, màn luôn phải gấp vuông vắn… Quả thực, nếu không biết sắp xếp thời gian cho hợp lí thì không thể hòa được vào cuộc sống tập thể, giờ nào, việc ấy”.

Kỳ 1: Học ăn, học nói…

Chiến sĩ mới Tiểu đoàn Huấn luyện, Sư đoàn 371 thực hiện động tác giá súng.

Cho tôi xem chiếc ba lô được sắp đặt gọn gàng, chiến sĩ Nguyễn Đức Trường, nhà ở Đống Đa, Hà Nội giãi bày: Tất cả tài sản của chúng tôi đây cô nhà báo ạ. Tôi hơi ngạc nhiên vì sức chứa kỳ lạ của cái ba lô. Không có mắc treo và tủ nên từ quần áo thu, đông, hè, từ áo khoác, quân phục rằn ri, đồ lót, đến mọi quân tư trang, tất tần tật đều nằm trong cái ba lô đó cả. Đồ ít dùng để dưới đáy, đồ dùng thường xuyên thì để lên trên. Cái ba lô vừa là cái tủ cố định đa năng của lính,  vừa thật thuận tiện khi cơ động. Khi cần, cả người, cả quân tư trang, chỉ trong vài phút là có thể lên đường…

Tăng gia

Không quá khi nói rằng, có thanh niên Hà Nội trước khi nhập ngũ, thậm chí còn không biết tên một số loại rau. Nguyễn Thành Hưng bật mí với tôi, giờ thì ngay cả rửa bát đến cuốc đất, trồng rau,  việc gì anh cũng làm được hết. Binh nhì Nguyễn Đức Trường nhà ở quận Đống Đa, Hà Nội kể: Chúng tôi được dạy cách từ cuốc đất, đào hố, trồng rau đến cách tưới và chăm sóc rau. Binh nhì Nguyễn Huy Hoàng quê ở Ba Vì, bố mẹ vốn làm nghề nông nhưng việc trồng cấy anh cũng còn chưa thạo. Giơ bàn tay đã bắt đầu có những vết chai, anh thật lòng chia sẻ: Hồi ở nhà, tôi được ưu tiên thời gian cho việc học hành nên ít khi tham gia việc đồng áng. Giờ vào bộ đội, làm những việc này, tôi hiểu hơn công việc của nhà nông và thêm thương bố mẹ. Hơn nữa, lại được ăn rau từ chính tay mình và các đồng đội trồng, ai cũng thấy bản thân mình, cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa hơn.

Đến kỹ, chiến thuật chiến đấu

Sau ít ngày làm quen với môi trường quân ngũ, trước mắt các tân binh là các khoa mục huấn luyện chiến sĩ mới. Từ giáo dục chính trị, điều lệnh, kỹ thuật chiến đấu bộ binh, chiến thuật chiến đấu bộ binh, hậu cần kỹ thuật đến huấn luyện thể lực. Mỗi khoa mục có cái khó và đặc thù riêng song khoa mục kỹ thuật chiến đấu bộ binh có lẽ là hấp dẫn các tân binh hơn cả. Bắn súng, ném lựu đạn và đánh thuốc nổ, nói gọn lại là thực hành 3 tiếng nổ, có lẽ là những nội dung để chứng tỏ bản lĩnh và sự trưởng thành nên dường như chiến sĩ nào cũng háo hức chờ đón. Thực ra, có người lúc đầu cũng bị tâm lí. Nhưng được sử dụng khẩu AK, được thực hành ném lựu đạn, những thứ mới chỉ được nhìn mà chưa một lần sờ tận tay, sự hào hứng đã nhanh chóng lấn át cảm giác sợ sệt để các chàng trai chứng tỏ chất lính trong mình. Tuy nhiên, mỗi chiến sĩ đều ý thức rất rõ, khó hơn cả các động tác cầm cuốc, trồng rau, gấp chăn màn, buộc dây giày hay bất kỳ động tác thể dục nào, các yếu lĩnh trong thực hành 3 tiếng nổ đòi hỏi phải được thực hiện chính xác, an toàn nên trong huấn luyện, phải thực sự nghiêm túc khổ luyện. Binh nhì Hà Văn Tuấn, quê Yên Lập, Phú Thọ hứng khởi: Ném lựu đạn xong, tôi muốn ném thêm lần nữa. Chiến sĩ Vũ Hoàng Hiệp thì tự tin: Tôi vào bộ đội, biết tôi tự làm được nhiều việc thế này, chắc bố mẹ tôi vui lắm. Tôi gọi điện về kể chuyện cuộc sống tân binh, bạn gái tôi đang là sinh viên Đại học Đại Nam càng thêm tin tưởng ở tôi…

Qua ba tháng huấn luyện tân binh, từ lời ăn, tiếng nói đến lễ tiết, tác phong, tình đoàn kết, sự yêu thương, sẻ chia, cao hơn nữa là lý tưởng của anh Bộ đội Cụ Hồ bắt đầu hình thành. Các binh nhì dường như đã được “lột xác”, vươn mình từ những thanh niên thành những chiến sĩ thực thụ. Ba tháng, trong quãng đời quân ngũ là khoảng thời gian không dài nhưng đã trở thành dấu ấn thật thiêng liêng. Để rồi, mỗi khi nhớ về những tháng ngày đầy xúc cảm ấy, mỗi chiến sĩ đều không thể quên những người cán bộ đã mở đường cho họ, những người chèo đò bình dị ở khúc “tân binh” trên dòng sông quân ngũ.

HỒNG LINH

>>> Kỳ 2: Người “chèo đò trên khúc tân binh”

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website