(Từ phải qua trái) Ðại tá Ðào Ðoàn Thế Hùng (mặc quân phục) cùng các cựu trắc thủ
tên lửa trực tiếp tham gia trận đánh B-52 ngày 22-11-1972: Trần Bá Dương, Nguyễn Văn Ninh,
Vũ Hòe, Nguyễn Đức Khiêm bên đống xác B-52 tại Bảo tàng PK-KQ.Nhớ lại trận đánh thắng có ý nghĩa đặc biệt này, Ðại tá Ðào Ðoàn Thế Hùng - nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), khi đó là Trợ lý Ban Tham mưu của Trung đoàn, kể:
“Trung tuần tháng 10-1972, khi đó tôi là trợ lý kíp chiến đấu của Trung đoàn Tên lửa 263, cùng đồng chí Trung đoàn phó Lê Thành Lập và đồng chí Thôi Ba -Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 43 được Trung đoàn cử về Quân chủng dự Hội nghị tập huấn cách đánh B-52.
Chiến đấu ở chiến trường Quân khu 4 từ năm 1971, Trung đoàn Tên lửa 263 đã tiêu diệt nhiều loại máy bay của không quân Mỹ, nhưng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn vẫn còn món nợ với nhân dân Nghệ An vì đêm 10-4-1972, khi B-52 lần đầu liều lĩnh đánh sâu ra miền bắc - thành phố Vinh, Trung đoàn 263 chúng tôi chưa đánh được B-52.
Các đêm 9, 11 và 12-10-1972, các Tiểu đoàn 43 và 44 đã được trên công nhận tiêu diệt 3 máy bay B-52 khi chúng đánh phá khu vực ngã ba Vọt (Hà Tĩnh) và phà Bến Thủy. Các trận đánh này khá tốt, tuy nhiên B-52 chưa rơi tại chỗ. Vì vậy, được đi dự hội nghị bàn cách đánh B-52, chúng tôi vội khẩn trương lên đường ngay.
Thật tiếc, trên đường đi, do nhiều đoạn bị máy bay Mỹ đánh phá nên từ Ðô Lương (Nghệ An) ra Hà Nội chỉ có khoảng 300km mà chúng tôi phải đi hết 8 ngày. Ra tới Hà Nội, hội nghị vừa kết thúc. Các đồng chí cán bộ Phòng Quân huấn (Bộ Tham mưu Quân chủng) làm việc trực tiếp với chúng tôi để phổ biến các ý kiến hội nghị đã thảo luận và các kết luận của Bộ Tư lệnh Quân chủng về cách đánh B-52. Ðiều quý giá đặc biệt là chúng tôi được nhận quyển sách đỏ “Cách đánh B-52” mà Quân chủng vừa phát hành rồi lập tức quay về Nghệ An.
Ðầu tháng 11, Trung đoàn 263 tổ chức tập huấn cách đánh B-52 tại Sở chỉ huy ở xã Mỹ Sơn (huyện Ðô Lương). Cơ quan Tác huấn, Trinh sát... được giao nhiệm vụ nghiên cứu phân tích các thủ đoạn chiến thuật, kỹ thuật của không quân địch trước và trong trận đánh có B-52, tổng hợp kinh nghiệm từ các trận đánh B-52 (thắng và không thắng) của chính Trung đoàn mình để đề ra cách đánh cụ thể.
Cái khó nhất là làm sao phát hiện được dải nhiễu B-52 thật, theo dõi được liên tục đường bay của B-52; làm sao phát hiện được tín hiệu B-52 khi phát sóng và xác định được phương pháp bắn, cự ly bắn tối ưu.
Qua nghiên cứu, thảo luận, chúng tôi đã tìm được cách giải quyết các vấn đề trên. Sau tập huấn, các kíp chiến đấu tranh thủ ngày đêm luyện tập, rút kinh nghiệm, bổ sung phương án, cách tập... uốn nắn từng điểm yếu của các sĩ quan và trắc thủ điều khiển tên lửa.
Có kinh nghiệm tập huấn kíp chiến đấu, tôi được Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Quảng giao nhiệm vụ phụ trách tổ công tác của Ban Tham mưu đi lần lượt từng tiểu đoàn để hướng dẫn các kíp chiến đấu luyện tập các tình huống đánh B-52. Ðến ngày 20-11-1972, Ban Tham mưu đã báo cáo với thủ trưởng Trung đoàn: “Các kíp chiến đấu của Trung đoàn đều đã sẵn sàng và có khả năng đánh thắng B-52!”.
Tác giả (thứ hai từ trái sang) cùng một số đồng đội trong cuộc gặp mặt bạn chiến đấu
Bộ đội Tên lửa phòng không anh hùng kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
tại Quân chủng PK-KQ ngày 20-12-2017.
Ðêm 22-11-1972, B-52 lại đánh sâu ra miền bắc. Mục tiêu chúng chọn là thành phố Vinh và phà Bến Thủy. Cả ngày 22-11, buổi sáng chỉ có 2 tốp phản lực A6 đánh phá khu vực ngã ba Truông Bồn và ngã ba Vọt, buổi trưa có 1 tốp trinh sát hoạt động. Khu vực Nghệ An lặng hẳn tiếng bom và tiếng gào rít của máy bay Mỹ. Cái im lặng trước trận phong ba mới...
Ðúng vậy. Khoảng từ 20 giờ tối, cường độ đánh phá của máy bay tiêm kích và cường kích mạnh dần lên và kéo dài tới khoảng 21 giờ 15 phút. Mục tiêu chúng đánh phá chủ yếu là các vị trí mà chúng nghi là trận địa tên lửa, ra đa. Rất may vì các đơn vị này đều liên tục cơ động bí mật nên các trận địa đang triển khai của Trung đoàn đều an toàn. Máy bay chiến thuật Mỹ toàn đánh nhầm vào các trận địa giả hoặc trận địa cũ. Nhờ cơ động giỏi, chúng tôi đã lừa được bọn chúng để tự bảo vệ lực lượng của mình vẹn toàn.
Ðược Quân chủng thông báo từ buổi chiều: “Ðêm nay có khả năng B-52 đánh phá Nghệ An và Hà Tĩnh”, vì vậy khi toàn Trung đoàn vào báo động cấp 1, các tiểu đoàn đều bình tĩnh “nằm im”, mở máy thu nghiên cứu các thủ đoạn của địch. Tại Sở chỉ huy, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Quảng và Chính ủy Trần Huynh lần lượt gọi điện nhắc nhở các tiểu đoàn tỉnh táo để đánh đúng đối tượng.
Khoảng 21 giờ, chỉ huy các tiểu đoàn đều báo cáo lên Sở chỉ huy Trung đoàn: “Có nhiễu B-52”. Qua điện thoại, tôi bàn với các đồng chí chỉ huy Tiểu đoàn là phải kiểm tra tốc độ, góc tà, phương vị của dải nhiễu, phân biệt kỹ dạng nhiễu, rồi kiểm tra bằng phát lệnh phóng giả khi mục tiêu vào gần khu vực phóng. Nhờ các thao tác trên, các kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 43 và 44 đã kết luận được đó là B-52 giả.
Khoảng 21 giờ 30, trên bảng tiêu đồ 9x9 lại xuất hiện tín hiệu B-52. Bằng các thao tác xử lý kỹ thuật điêu luyện - kinh nghiệm và kết quả huấn luyện dày công - các kíp chiến đấu của các Tiểu đoàn đều chọn và bám sát ngay được các dải nhiễu B-52 từ xa. Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Quảng quyết định: “Tiểu đoàn 43 và 44 đánh tập trung, tiêu diệt tốp B-52 đầu tiên hướng Tây Nam, khu vực tiêu diệt từ 22 đến 25 km”.
Từ giây phút đó, một trận đánh hiệp đồng đã diễn ra tuyệt đẹp!
Tại xe Ðiều khiển Tiểu đoàn 44, sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Hưởng và trắc thủ cự ly Nguyễn Văn Ninh cẩn thận kiểm tra rồi báo cáo Tiểu đoàn phó Phạm Minh Hoàng: “Ðã thống nhất dải nhiễu”. Trắc thủ góc tà Ðào Quang Cơ và trắc thủ phương vị Trần Bá Dương báo cáo đều đặn góc tà và phương vị để tiêu đồ viên 5x5 Nguyễn Hữu Môn đi đường bay, xác định tham số và thông báo cự ly mục tiêu...
Ở Tiểu đoàn 43, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Thôi Ba, sĩ quan điều khiển Nguyễn Thanh Tân và các trắc thủ Đỗ Văn Liên, Nguyễn Đức Khiêm, Nguyễn Khắc Đức cũng chọn dải nhiễu rất chính xác, nhanh chóng thao tác chuẩn bị bắn.
Các đơn vị đều chọn phương pháp bắn ba điểm, phát sóng sau. Tiểu đoàn 44 phóng trước 2 quả. Tiểu đoàn 43 phóng sau 2 quả. Trên màn hiện sóng cả 4 quả tên lửa đều có điều khiển tốt, bay vun vút xé màn đêm đông lao về hướng mục tiêu.
Sở chỉ huy Trung đoàn đang ồn ào bỗng im lặng. Từ các máy điện thoại vang vọng những tiếng hô rõ ràng của các sĩ quan điều khiển Tiểu đoàn 43 và 44: “Ðạn có điều khiển... Nâng cao thế”... "Ðạn bay...10, ...15... Có mục tiêu... Bám sát mục tiêu... 20,... 22... Ðạn nổ... Mục tiêu bị tiêu diệt!”. Không ai bảo ai, tất cả mọi các bộ, chiến sĩ có mặt trong Sở chỉ huy Trung đoàn lúc ấy đều không kìm nổi niềm vui sướng, ôm chầm lấy nhau reo mừng: “B-52 bị diệt rồi”!
… Còn tôi - tác giả bài viết này - đêm đó là chiến sĩ thông tin Đại đội Chỉ huy của Trung đoàn trực chiến đấu cũng hồi hộp theo dõi trận đánh qua bảo đảm thông tin liên lạc từ Trung đoàn xuống các đơn vị hỏa lực. Đến lúc nghe tiếng reo hò hân hoan của nhân dân khi được chứng kiến 2 “siêu pháo đài bay” B-52 trúng đạn tên lửa của bộ đội ta bốc cháy dữ dội trên bầu trời quê Bác kính yêu, chúng tôi cũng không kìm được nỗi xúc động nghen ngào. Vậy là, B-52 - biểu tượng sức mạnh của không lực Mỹ - đã bị đơn vị chúng tôi hạ gục!
Bốn ngày sau, qua Báo Nhân Dân ngày 26-11, chúng tôi mới biết tin: Ngày 23-11, hãng thông tấn Mỹ UPI đưa tin “2 máy bay B-52 đã bị trúng tên lửa Bắc Việt ở gần Vinh đêm 22-11 và 1 trong 2 chiếc đã bị rơi khi cố bay về căn cứ Utapao ở Thái Lan nhưng không được”, cùng bức ảnh xác chiếc B-52 này rơi ngổn ngang trong một khu rừng trên đất Thái Lan.
Trận đánh B-52 đêm 22-11-1972 của Trung đoàn 263 chúng tôi đã đi vào lịch sử. Đây là lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh, đế quốc Mỹ phải thừa nhận B-52 đã bị Tên lửa phòng không Việt Nam bắn rơi. Chiến thắng này có ý nghĩa đặc biệt, góp phần củng cố niềm tin vững chắc cho các đơn vị trong Quân chủng là: “Tên lửa phòng không của ta có thể bắn hạ được B-52!”. Kinh nghiệm chiến đấu và chiến thắng B-52 của Trung đoàn 263 chúng tôi từ trận đánh này ngay lập tức được Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ nhanh chóng phổ biến đến các đơn vị, góp phần bổ sung, hoàn thiện phương pháp đánh B-52 để làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972.
Bài, ảnh: NGUYỄN HỮU MÃO