7 giờ:53 phút Thứ hai, ngày 6 tháng 3 , 2023

Kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống Bộ đội Không quân (3-3-1955 / 3-3-2023)

Chúng tôi tự chuyển loại máy bay tiêm kích MiG-21

Một ngày cuối tháng 10 - 1965, sân ga Đa Phúc tiếp đón 45 sĩ quan trẻ, cán bộ kỹ thuật máy bay MiG-21 đầu tiên của Không quân Việt Nam được đào tạo ở Liên Xô về, do đồng chí Phạm Tâm làm Trưởng đoàn. Mọi người hồ hởi, phấn khởi khi được điều động về Sân bay Đa Phúc, Trung đoàn 921 công tác. Chúng tôi không chờ xe của Trung đoàn ra đón mà hăng hái cuốc bộ về hướng sân bay, nhờ nhân dân chỉ đường về nơi Trung đoàn đóng quân. Sân bay mới xây dựng xong, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng điều đó không làm vơi đi khí thế của chúng tôi. Đến nơi, chúng tôi được bố trí tạm thời nghỉ ngơi tại hội trường còn chưa xây xong, chờ phân công về đơn vị nhận công tác.

Chúng tôi tự chuyển loại máy bay tiêm kích MiG-21
Lực lượng MiG-21 trước giờ xuất kích.
Ảnh tư liệu

Thời gian này, Trung đoàn cùng với đoàn chuyên gia Liên Xô đang lắp ráp máy bay MiG-21 từ Liên Xô chuyển sang bằng đường thủy. Như vậy, chúng tôi về Trung đoàn thật đúng lúc, công việc rất cấp bách, theo sự phân công, bố trí của tổ chức, chúng tôi chia tay nhau đi nhận công tác. Về tới đơn vị, mọi người bắt tay ngay vào công việc chuyên môn của mình. MiG-21 là loại máy bay hiện đại nhất của Không quân ta lúc bấy giờ được Liên Xô viện trợ. Để đưa Trung đoàn MiG-21 đầu tiên vào huấn luyện, trực chiến, chiến đấu cần phải có ngay một đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có trình độ nhất định để quản lý, bảo dưỡng và bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho toàn bộ máy bay của Trung đoàn. Đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật cần có ngay, vậy lấy đâu ra đủ số lượng? Lãnh đạo Quân chủng và Trung đoàn quyết định sử dụng ngay 45 cán bộ đã được đào tạo ở Liên Xô về để đào tạo lại cho số cán bộ, nhân viên kỹ thuật trong nước chưa được qua đào tạo.

Thực hiện chỉ thị của Trung đoàn, toàn Tiểu đoàn Kỹ thuật Hàng không bước vào cao trào học tập, tự đào tạo để nhanh chóng làm chủ loại máy bay hiện đại. Đào tạo tại chỗ không trường lớp, không có giáo viên chính thống, giáo án tự soạn theo chương trình đã được đào tạo ở Liên Xô. Về lý thuyết có 45 cán bộ được đào tạo chính quy chịu trách nhiệm truyền đạt, còn về thực hành như cấu tạo, trang thiết bị trên máy bay, công tác chuẩn bị cho chuyến bay, trực chiến, công tác kiểm tra kỹ thuật định kỳ cho máy bay thì hướng dẫn trực tiếp trên máy bay tại nơi đậu ở sân bay, tại ụ cất giấu máy bay và ngay trong xưởng lắp ráp. Nói chung là vừa làm vừa học, với tinh thần khẩn trương nhất, tận dụng mọi thời gian để học, với phương châm người biết hướng dẫn, chỉ lại cho người chưa biết, làm sao trong thời gian ngắn nhất nắm vững kỹ thuật và làm chủ được loại máy bay hiện đại MiG-21, nhanh chóng đưa vào trực chiến, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội, bảo vệ bầu trời miền Bắc xã hội chủ nghĩa trước cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Tôi còn nhớ, nhiệm vụ đầu tiên cấp trên giao cho tôi là làm giáo viên truyền đạt về lý thuyết và hướng dẫn thực hành bảo dưỡng ra đa máy bay MiG-21. Loại ra đa này có nhiệm vụ giúp phi công quan sát vùng trời phía trước máy bay trong cự ly 30km, giúp phi công trong tiếp cận, tiêu diệt mục tiêu bằng tên lửa hồng ngoại, còn khi dùng tên lửa điều khiển thì ra đa làm chức năng điều khiển tên lửa sau khi rời khỏi giá phóng máy bay, tìm đến đánh trúng mục tiêu. Lớp học trên 30 người, gồm cán bộ, chiến sĩ từ các đại đội thuộc Tiểu đoàn Kỹ thuật cử đến và cán bộ phụ trách ra đa của Tiểu đoàn. Nơi tổ chức lớp học là một nhà kho mượn của nhân dân, tấm bảng đen cũng mượn từ nơi khác đem đến, còn bàn ghế thì anh em tự tạo, mỗi người tự làm cho mình chiếc ghế xếp, bàn là một tấm ván hoặc một tấm bìa các tông cứng đặt lên đùi. Những anh em ở xa đi lại khó khăn thì khăn gói đến ở nhờ nhà dân trong làng, bà con sẵn lòng giúp đỡ. Khó khăn thì rất nhiều, nhưng ý chí và tinh thần quyết thắng, quyết tâm học tập của anh em đã vượt qua tất cả, chỉ có một mục tiêu duy nhất là làm sao trong thời gian ngắn nhất có thể nắm chắc khí tài mà mình sẽ phụ trách cả về lý thuyết và thực hành: kiểm tra kỹ thuật chuẩn bị cho chuyến bay, những quy định, quy tắc bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình thao tác trên máy bay... Chỉ hơn một tháng miệt mài, chăm chỉ học tập mọi lúc, mọi nơi, lớp học đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, mọi người hân hoan trở về đơn vị bắt tay vào công việc, thực hiện nhiệm vụ được giao một cách đầy tự tin vì đã được trang bị kiến thức cần thiết cả lý thuyết và thực hành. Và cũng chỉ trong vòng ba tháng, toàn bộ cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Tiểu đoàn Kỹ thuật đã nắm và làm chủ được các quy trình kỹ thuật loại máy bay hiện đại, phục vụ kịp thời cho công tác huấn luyện, trực chiến sẵn sàng chiến đấu của Trung đoàn.

Đây là thời điểm mà khát vọng chiến thắng trận đầu cho loại máy bay MiG-21 của lãnh đạo các cấp đã trở thành ý chí, quyết tâm, là nguồn sức mạnh luôn thôi thúc trong suy nghĩ và hành động của mọi người và là nguyên nhân đưa chúng ta đến thắng lợi. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung đoàn 921 đã tham gia chiến đấu trên 200 trận, bắn rơi 137 máy bay Mỹ gồm 14 kiểu loại, trong đó có cả máy bay chiến lược B-52. Thật sung sướng và hạnh phúc đối với chúng tôi - những người đã đóng góp dù rất nhỏ trong những ngày đầu đầy gian khó, khổ luyện vượt qua tất cả mọi trở ngại chỉ để nhanh chóng làm chủ loại máy bay MiG-21, kịp thời đưa những con “én bạc” vào chiến đấu và giành thắng lợi vẻ vang.

TRUNG THÀNH

(Theo lời kể của CCB Phạm Văn Kỉnh - Nguyên Phân đội trưởng ra đa C-14, Trung đoàn 921)
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website