14 giờ:3 phút Thứ hai, ngày 24 tháng 7 , 2023

Trung đoàn 236 ra quân đánh thắng trận đầu

Được sự quan tâm của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, tháng 7-1965, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng đã tập trung lãnh đạo, tổ chức cho Trung đoàn Tên lửa 236 chuẩn bị ra quân chiến đấu. Ý định ban đầu của Quân chủng là triển khai tên lửa phòng không trên 4 trận địa cơ bản để đánh địch bảo vệ Hà Nội. Tuy nhiên, do địch tăng cường hoạt động ở ngoài khu vực Hà Nội, được sự đồng ý của cấp trên, Bộ Tư lệnh Quân chủng hạ quyết tâm: Cơ động Bộ đội Tên lửa ra ngoài khu vực Hà Nội để phục kích đánh địch bảo vệ Hà Nội, tranh thủ yếu tố bí mật, bất ngờ, tạo điều kiện cho Trung đoàn Tên lửa 236 ra quân đánh thắng trận đầu.

Trung đoàn 236 ra quân đánh thắng trận đầu
Tên lửa phòng không Việt Nam lần đầu xuất trận. Ảnh tư liệu

Thực hiện quyết tâm trên, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh đã tập trung chỉ đạo, tổ chức xây dựng, triển khai phương án tác chiến và kế hoạch chiến đấu. Trong phương án tác chiến nêu rõ: Ý định tác chiến, sử dụng 2 tiểu đoàn tên lửa 63 và 64 cơ động lên khu vực Trung Hà (Sơn Tây) phục kích đánh địch. Lực lượng pháo cao xạ tham gia chiến đấu và bảo vệ tên lửa gồm có 2 Trung đoàn 234 và 224 của Sư đoàn 361; một tiểu đoàn của Trung đoàn 241, Sư đoàn 367; Tiểu đoàn 3 của Quân chủng; tiểu đoàn của Trường Sĩ quan Phòng không và lực lượng dân quân tự vệ địa phương. Bộ đội Tên lửa đánh trước, đánh xong cơ động ngay sang trận địa khác, bố trí khí tài tên lửa giả ở trận địa cũ để nhử địch, tập trung hoả lực tiêu diệt máy bay của chúng. Về tư tưởng chỉ đạo tác chiến, giành yếu tố bí mật, bất ngờ, đánh chắc thắng, đánh thắng ngay trận đầu để xây dựng truyền thống và rèn luyện bộ đội. Về cách đánh, Bộ đội Tên lửa hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội pháo cao xạ và lực lượng pháo cao xạ địa phương, bí mật, cơ động phục kích, tiêu diệt địch trên đường bay vào đánh phá mục tiêu. Đối tượng tác chiến là những máy bay trinh sát tầng cao U-2 và các tốp máy bay địch bay ổn định ở độ cao trung bình.

Đến đêm 18-7-1965, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng họp, thông qua phương án tác chiến. Trong cuộc họp này đã bổ sung thêm một số nội dụng như: Xác định thời gian, địa điểm, lực lượng và hạ quyết tâm chiến đấu lần cuối. Ngay sau khi phương án tác chiến được Bộ thông qua, Quân chủng khẩn trương triển khai kế hoạch chiến đấu: Đồng thời với việc hoàn chỉnh 4 trận địa tên lửa cơ bản đã định, 2 trận địa tên lửa dã chiến ở Vô Khuy và Chùa Ghề thuộc Bất Bạt (Hà Tây trước đây) được gấp rút xây dựng; tập trung điều động lực lượng pháo cao xạ, Trung đội ra-đa thuộc Đại đội 26A về cụm chiến đấu, tổ chức bảo đảm thông tin hiệp đồng chiến đấu với địa phương.

Ngày 19-7-1965, Bác Hồ đến thăm Quân chủng, các trung đoàn pháo và Trung đoàn 236 tham gia chiến đấu. Người ân cần thăm hỏi, động viên, cổ vũ, khích lệ cán bộ, chiến sĩ trước khi bước vào trận đánh quyết liệt mới. Được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, động viên bộ đội pháo cao xạ ở Sân bay Bạch Mai trước khi lên cụm chiến đấu ở Trung Hà (Sơn Tây), toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng càng thêm phấn khởi, tích cực triển khai kế hoạch chiến đấu, nhất là lực lượng cụm phòng không.

Sau khi nghiên cứu địch, căn cứ vào đặc điểm địa hình và lực lượng ta, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã chỉ đạo bố trí đội hình chiến đấu hợp lí, sẵn sàng diệt địch. Sở chỉ huy tiền phương của Quân chủng trực tiếp chỉ huy Bộ đội Tên lửa đánh địch, với sự giúp đỡ trực tiếp của đội ngũ chuyên gia Liên Xô. Đồng chí Lê Văn Thiêm - Phó Tham mưu trưởng Quân chủng được chỉ định phụ trách khối cao xạ. 15 giờ 53 phút ngày 24-7-1965, được chỉ huy và bảo đảm tình báo ra đa tốt, 2 Tiểu đoàn 63 và 64 của Trung đoàn 236 tại Vô Khuy và Chùa Ghề đã phóng 4 quả đạn vào tốp 4 máy bay F-4C ở độ cao 8.000m, bắn rơi tại chỗ 1 chiếc. Đó là chiếc máy bay Mỹ thứ 400 bị bắn rơi trên Miền Bắc. Ngay sau trận chiến đấu, được lệnh của trên, 2 Tiểu đoàn 63 và 64 cơ động về trận địa mới. Tại khu trận địa cũ, bộ đội đã dựng lên 2 bộ khí tài tên lửa giả làm bằng tre, cót nhằm nhử địch vào để cao xạ đánh. Tại đây, Quân chủng đã triển khai các Trung đoàn 234 và 224, Tiểu đoàn pháo 37mm của Trường sĩ quan Phòng không phối hợp với lực lượng phòng không địa phương bố trí đội hình chiến đấu thành 3 cụm liên hoàn bao quanh 2 trận địa tên lửa trên. Đúng như ta dự đoán, ngày 27-7-1965 địch sử dụng 50 chiếc máy bay F-105 và F-4 vào đánh trận địa tên lửa giả. Dưới sự chỉ huy và kết hợp hiệp đồng nhịp nhàng của các lực lượng, quân ta đã đánh mãnh liệt, bắn rơi 5 máy bay địch.

Như vậy, ngay từ trận đầu ra quân, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã vận dụng hình thức chiến thuật cơ động phục kích để tạo yếu tố bất ngờ, bí mật và giành thắng lợi lớn. Cũng từ đây, đã hình thành cụm tác chiến phòng không, đối phó phù hợp, hiệu quả với thủ đoạn hoạt động của địch và cách đánh sáng tạo, độc đáo của Bộ đội Phòng không Việt Nam. Đó là những bài học vô cùng quý báu đối với đội ngũ cán bộ chỉ huy - tham mưu của Quân chủng PK-KQ.

BÍCH PHƯỢNG (tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website