16 giờ:14 phút Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 , 2016

"Tên lửa về bên Sông Đà" - bài ca đi cùng năm tháng

Trưởng thành từ Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), cố Nhạc sĩ Hoàng Tạo đã có rất nhiều ca khúc hay, tạo được dấu ấn trong lòng công chúng. Riêng ca khúc “Tên lửa về bên sông Đà” ông như dành tặng riêng cho Bộ đội Tên lửa Việt Nam. Tác phẩm không chỉ được công chúng mến mộ, yêu thích mà đây còn là bài ca đi cùng năm tháng.

 Cố Nhạc sĩ Hoàng Tạo là người có rất nhiều ca khúc hay, tạo được dấu ấn trong lòng công chúng. Năm 2007, ông được truy tặng “Giải thưởng Nhà nước” với chùm tác phẩm “Đưa anh đi hái măng rừng”, “Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện”, “Em ca Sơn La”… Trong các tác phẩm của ông, hình ảnh người chiến sĩ được khắc họa khá rõ nét và sinh động. Từ “Bầu trời yêu thương”, “Những mùa bay đôi”, “Khúc ca mùa thu Thông tin”, “Quần đảo đồng đội”, “Mưa trên chốt”… đến “Đưa anh đi hái măng rừng”.

Chú thích ảnh:   (Ảnh Tư liệu)

Là cán bộ của Cục Chính Trị, Hoàng Tạo đã có nhiều chuyến đi thực tế chiến đấu tại các đơn vị không quân, tên lửa, cao xạ. Ông cũng từng chứng kiến nhiều trận đánh lịch sử của Bộ đội PK-KQ. Vốn là người yêu âm nhạc, trái tim ông luôn đồng điệu với mọi cung bậc vui buồn của người lính. Ông không chỉ gắn bó với các chiến sĩ tên lửa ngay từ những ngày đầu ra quân “đặt bệ phóng”, mà còn may mắn có mặt bên Sông Đà vào đúng thời khắc lịch sử “Đạn vút cánh bay”, tiêu diệt giặc thù. Xúc động về chiến công đầu vang dội của Bộ đội Tên lửa, ngay bên trận địa còn khét mùi thuốc súng, ông đã viết:

Đêm nay ta về bên Sông Đà

Rừng phấp phới cờ hoa

Gió vẫy lá rung bánh xe xích sắt…

Những ca từ hết sức giản dị, giống như lời tâm tình mộc mạc về Bộ đội Tên lửa Việt Nam lần đầu ra quân đánh thắng. Khổ thứ 2 rồi thứ 3… Giai điệu và tiết tấu của ca khúc này được kết hợp với nhau khá nhuần nhuyễn. Mỗi khi ca khúc được cất lên, ta nghe rõ âm hưởng của dân ca vùng núi phía Bắc trong từng câu nhạc. Thêm vào đó, chiến công đầu tiên của “Rồng lửa” Việt Nam lại được diễn ra bên con Sông Đà huyền thoại - nơi đã từng nhấn chìm bao tàu chiến của giặc Pháp xâm lược:

 Đoàn ta rằng sông Đà từng là trận địa

Ta bắn quân thù thắng trận đầu nhớ sao...

Chính yếu tố ngẫu nhiên này đã góp phần động viên ý chí chiến đấu của bộ đội: “Sức chiến đấu như cánh lửa hồng bay lên”. Chẳng đao to búa lớn, chẳng hoa mỹ ngôn từ, Nhạc sĩ Hoàng Tạo đã khắc họa những hình ảnh, công việc hết sức chân thực của các trắc thủ, pháo thủ Tên lửa qua những lời ca thủ thỉ, tâm tình:

Bao lần trực ban bên màn hiện sóng

Đã mấy lần quê hương gọi đất sóng thu

Đạn vụt cất cánh bay nhằm quân thù ta trút căn hờn

Như sấm ngang trời sóng dội về chiến công.

Cái độc đáo của tác phẩm còn nằm ở chỗ, Nhạc sĩ Hoàng Tạo đã dùng những nguyên liệu âm thanh mang đậm chất dân ca để nói về công việc thầm lặng của bộ đội Tên lửa - một trong những lực lượng sử dụng khí tài khá hiện đại, đòi hỏi cả tính khoa học và chất trí tuệ.

Ra đời đúng thời điểm, truyền tải được khí thế chiến đấu và quyết tâm chiến thắng của bộ đội canh trời, ngay lập tức, ca khúc “Tên lửa về bên sông Đà” đã trở thành bài ca của quần chúng. Bài hát cứ thế mà đi vào lòng người. Không chỉ hay mà còn sống mãi với thời gian vì nó dung dị, nó đề cấp đến thứ tình cảm sâu đằm, bền chặt của tình đồng đội. Cứ thế, “Tên lửa về bên sông Đà” đã vang lên ở nhiều địa phương, nhiều chiến trường, trên các trận địa, sân bay, nhà máy, trường học; nhiều nhất là trong mỗi mùa hội diễn. “Tên lửa về bên sông Đà” không chỉ là ca khúc của riêng Đoàn Sông Đà, Sư đoàn Phòng không Hà Nội hay Bộ đội Tên lửa Việt Nam mà nó đã trở thành một trong những bài ca truyền thống của Bộ đội PK-KQ. 

Bây giờ thì Nhạc sĩ Hoàng Tạo đã ở rất xa chúng ta, song tình yêu ông gửi lại chính là những bài ca đi cùng năm tháng. Trong số đó có ca khúc: “Tên lửa về bên Sông Đà”.

QUỲNH VÂN

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website