Nhạc sĩ Phạm Tuyên với bài hát "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"
Vào dịp kỷ niệm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, trên phát thanh, truyền hình lại vang lên ca khúc “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của Nhạc sỹ Phạm Tuyên. Mỗi lần được nghe ca khúc này, mỗi chúng ta càng thêm tự hào về chiến thắng huyền thoại trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Da (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa. Ông là người đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông xúc động kể với chúng tôi:
Trong dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tôi được Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) mời dự Lễ kỷ niệm. Tại buổi lễ tôi được nghe anh chị em Văn công PK-KQ hát 2 bài hát của tôi là “Hà Nội những đêm không ngủ” và “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Tôi vô cùng xúc động, đây là 2 bài hát tôi viết dưới làn bom B-52 ở Hà Nội. Lúc đấy khu tập thể tôi ở Ngã Tư vọng và Bạch Mai bị bom B-52 đánh cho tan tành, nhân dân đi sơ tán hết. Tôi khoác ba lô lên Đài Tiếng nói Việt Nam ở 58 phố Quán Sứ để ở. Chúng tôi có trách nhiệm dùng âm nhạc trên sóng phát thanh để động viên mọi người. Chúng tôi sống ở căn hầm số 58 - Quán Sứ từ những ngày đầu B-52 đánh phá Hà Nội. Từ ngày 19 đến 22/12/1972, địch liên tục bắn phá Hà Nội, nhân dân Thủ đô thức cùng chiến tranh, lúc đấy tôi đã viết bài hát rất chữ tình “Hà Nội những đêm không ngủ” với những ca từ da diết: “Hà Nội đêm nay vẫn thức cùng miền Nam, Hà Nội anh hùng Tổ quốc của chúng ta...”. Nhưng sau khi B-52 tàn phá Khâm Thiên, gieo bao tội ác dã man lên những người dân vô tội thì thái độ của tôi khác hẳn, những cảm xúc vô cùng phẫn nộ đã thôi thúc tôi phải viết một cái gì đó rất đặc biệt cho Hà Nội.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Đêm 26 tháng 12 năm 1972, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên thắng lớn, Trong không khí hồ hởi, ngay sáng hôm sau, 27/12, tại Phòng giao ban của Đài tiếng nói Việt Nam (số 58 Quán Sứ, Hà Nội), Tổng Giám đốc Trần Lâm thông báo: “Đêm qua bộ đội ta bắn rơi 8 B-52. Riêng Hà Nội diệt 5 pháo đài bay, có 4 chiếc rơi tại chỗ”. Từ sở chỉ huy tối cao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương các đơn vị lập công và ra lời kêu gọi: “Kẻ địch thua đau và nhất định sẽ thất bại hoàn toàn. Nhưng, chúng vẫn còn ngoan cố kéo dài cuộc tập kích. Các đơn vị hãy bắn rơi nhiều B-52 hơn nữa, hay giáng cho không lực hoa kỳ một đòn “Điện Biên Phủ” ngay trên bầu trời Hà Nội, Thủ đô thân yêu của chúng ta”.
Lời của Đại tướng đã tạo cho tôi niềm xúc động sâu sắc. ý nghĩ sáng tác một bài hát mang tên “Hà Nội - Điện Biên Phủ” bỗng lóe lên trong trí óc. Ngay đêm đó, trong căn hầm của Đài Tiếng nói Việt Nam giữa lòng Thủ đô rực lửa chiến đấu, những nốt nhạc, những lời ca hùng tráng tuôn chảy trên giấy: “B-52 tan xác cháy sáng bầu trời. Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời. “Rồng” ta lao vút... Một trận Điện Biên nay sẽ vùi mộng xâm lăng. Hà Nội ơi!...”.
Sáng 28/12, cầm bản nhạc trên tay, tôi đến gửi tòa soạn báo Nhân dân. Bài ca “Hà Nội - Điện Biên Phủ” được đăng trên báo Nhân dân ngay sáng 29/12. Nhưng tôi nghĩ lúc đó nhân dân đi sơ tán hết, dẫu có đăng trên báo cũng được ít người biết đến, bởi vậy vừa tránh bom chúng tôi vừa thu âm bài hát. Và cùng trong ngày hôm ấy, trong chương trình “Tiếng hát gửi về Nam” của Đài Tiếng nói Việt Nam, bài hát đã được phát đi trên làn sóng điện. Để rồi những ngày tiếp, nó được truyền đi khắp nơi. Sau đó, anh em miền Nam gặp tôi và bảo “Hà Nội vừa đánh giặc vừa ca hát dứt khoát chúng ta sẽ thắng. Một số anh em đi B thì nói, bố mẹ chúng tôi hiện nay đang ở Hà Nội phải đội bom B-52, chúng tôi trong này cũng đội bom B-52 không biết thế nào cả, nhưng sau khi nghe bài hát ấy giúp cho chúng tôi có một niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng.
Bạn đọc có thể nghe trực tiếp bài hát này trong Chuyên mục BÀI HÁT HAY VỀ BỘ ĐỘI PK-KQ của Báo Phòng không-Không quân điện tử.
Bài, ảnh: NGUYỄN THÀNH TRUNG