Định hướng tư tưởng cho học viên trước tác động của mạng xã hội
Mạng xã hội (MXH) là dịch vụ nối kết các thành viên có cùng sở thích trên Internet với nhiều mục đích khác nhau, không phân biệt không gian và thời gian. Mặc dù ra đời muộn, nhưng MXH lại có tốc độ phát triển một cách mạnh mẽ và chiếm vị trí hàng đầu trong các phương tiện cung cấp thông tin.
Với các tính năng tiện lợi như: trò chuyện (qua messenger chat), chia sẻ tập tin (send files), gửi thư điện tử (email), xem phim, ảnh, chơi (game)… MXH đã thu hút hàng trăm triệu người tham gia. Tính đến thời điểm hiện nay, ở Việt Nam tồn tại một số MXH điển hình đó là: Facebook, Zalo, Viber, Tango, Zingme, Youtube, Clip.vn… MXH đã khẳng định tính ưu thế vượt trội về những tiện ích và khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến so với các loại hình, phương tiện truyền thông khác.
Có thể nói, thông qua MXH học viên có thể tiếp nhận tin tức hàng ngày, tiếp cận những kho tàng tài liệu giáo dục, có thể sao chép nhiều cuốn sách, tạp chí, bài báo, băng video, dữ liệu hoặc tài liệu tham khảo với nhiều ngôn ngữ chỉ bằng động tác bấm chuột hoặc chỉ tay vào màn hình. Cho phép học viên có thể tham dự các chương trình học tập trên mạng và dễ dàng tìm lại những bài học đã qua, cập nhật các kỹ năng và lựa chọn cho mình một phương pháp học tập hiệu quả. Với hàng triệu file lưu trữ dữ liệu của các lĩnh vực… MXH còn là một môi trường khai thác tư liệu phong phú. Không chỉ vậy, MXH còn tạo môi trường thuận lợi cho học viên tham gia đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Đồng thời, MXH là kênh thông tin để học viên tuyên truyền, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước, truyền thống, văn hóa của dân tộc; đấu tranh có hiệu quả chống lại các khuynh hướng dân chủ tư sản, âm mưu phi chính trị hóa Quân đội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ta.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mang lại thì MXH cũng tác động tiêu cực đến các học viên. Nhiều MXH tung tin không chính xác, giật tít gây sốc, câu like, đưa tin sai sự thật, thậm chí bịa đặt, đang từng ngày, từng giờ tác động vào tâm tư, tình cảm của học viên, nhất là những học viên có trình độ nhận thức, bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm sống còn hạn chế, dẫn đến cái nhìn phiến diện, vội thể hiện quan điểm cá nhân một cách tùy tiện, thiếu căn cứ khoa học… Vấn đề đáng quan tâm hơn là việc học viên sử dụng MXH không đúng quy định dễ bị rò rỉ các bí mật quân sự; dễ bị các thế lực thù địch tuyên truyền, lôi kéo.
Trước tác động của MXH, đòi hỏi cấp ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp trong các học viện, nhà trường cần làm tốt công tác giáo dục, định hướng tư tưởng cho học viên. Giúp học viên nhận thức được những chuẩn giá trị chính trị - xã hội cơ bản được tìm kiếm, lựa chọn trong quá trình học tập, rèn luyện của học viên và trên các trang MXH phù hợp với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, nhiệm vụ Quân đội và mục tiêu, yêu cầu đào tạo của học viện, nhà trường. Những chuẩn giá trị đó là: Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; có tình yêu quê hương, đất nước, gắn bó mật thiết với nhân dân; sống có trách nhiệm với đồng chí, đồng đội, tích cực tham gia vào các hoạt động chung của đơn vị, quan tâm đến các sự kiện chính trị, xã hội của đất nước; ra sức học tập, rèn luyện theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Định hướng tư tưởng cho học viên trước tác động của MXH là một quá trình lâu dài, từ thấp đến cao với nhiều hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng như: Thông qua quá trình giáo dục định hướng của cán bộ, giảng viên, của các tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, Đoàn thanh niên, hội đồng quân nhân, tập thể học viên, đơn vị kết nghĩa; xây dựng môi trường sư phạm quân sự lành mạnh, dân chủ, đoàn kết để học viên có điều kiện tiếp cận các giá trị chuẩn mực; kết hợp với địa phương nơi đóng quân, gia đình học viên để tìm hiểu tâm lý, tình cảm, thái độ, hành vi, có hình thức định hướng phù hợp. Đồng thời phải thường xuyên nắm bắt hiệu quả công tác, kết quả học tập, rèn luyện cũng như lập trường chính trị, tư tưởng của học viên để có biện pháp định hướng phù hợp, có hiệu quả.
VŨ VĂN BÍNH