Trung úy CN Hoàng Thị Ánh Tuyết: “Cháy” hết mình với văn nghệ quần chúng
Lần đầu tiên được nghe Hoàng Thị Ánh Tuyết - Nhân viên Câu lạc bộ thuộc Ban Chính trị Trung đoàn 293 (Sư đoàn 361) biểu diễn trên sân khấu của Liên hoan Hát ru, dân ca và âm nhạc cổ truyền trong Phụ nữ Quân đội (tháng 10-2017), tôi thật sự bị cuốn hút bởi giọng hát ấm, khỏe, lên những nốt cao mạnh mẽ của chị. Sở hữu giọng nữ cao (soprano) đặc trưng của dòng nhạc thính phòng cổ điển, nhưng cách mà Ánh Tuyết hát “Nàng ới” - Dân ca Nùng lại rất thuyết phục người nghe, bởi với cách xử lý ca khúc có quãng cao, rộng, gần giống với cách hát của thính phòng, chất giọng rộng, trầm ấm, Ánh Tuyết đã thể hiện ca khúc đầy kỹ thuật nhưng vẫn mang đậm chất dân ca. Với ca khúc này, Ánh Tuyết đã giành giải thưởng “Diễn viên xuất sắc nhất” tại Liên hoan.
Một ngày cuối Đông năm 2017, tôi có dịp trò chuyện với Trung úy CN Hoàng Thị Ánh Tuyết. Trên sân khấu trông rất bản lĩnh, tự tin và mạnh mẽ nhưng ở đời thường chị lại rất nhẹ nhàng và dịu dàng trong cách nói chuyện. Chị tâm sự: “Đa phần những người đến với nghệ thuật thường có một nền tảng từ truyền thống gia đình hoặc có điều kiện được định hướng, thử sức từ nhỏ. Với tôi mọi thứ đều bắt đầu muộn và con đường đến với nghệ thuật cũng không dễ dàng”.
Từ nhỏ Ánh Tuyết đã nổi bật với giọng hát cao và khỏe. Tuy nhiên, do gia đình ở quê lại không có điều kiện theo học các trung tâm đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp nên chị không có cơ hội để theo đuổi niềm đam mê ca hát từ sớm. Những năm học cấp 3, Ánh Tuyết đã giấu bố mẹ để theo học một lớp thanh nhạc của thầy Đỗ Phan Khôi. Phát hiện ra khả năng tiềm ẩn của cô học trò, thầy giáo đã động viên Tuyết luyện tập và tham gia Liên hoan “Tiếng hát học sinh, sinh viên tỉnh Hà Tây”. Chị đã bước vào cuộc thi với sự dung dị, mộc mạc trong phong cách nhưng đã phô diễn được khả năng tiềm tàng trong giọng hát của mình. Tại Liên hoan này chị đã giành giải nhì. Thành công đầu tiên đó và là bước ngoặt quan trọng, là động lực giúp chị quyết tâm dấn thân vào con đường nghệ thuật.
Tốt nghiệp lớp 12, Ánh Tuyết thi và đỗ vào Khoa Thanh nhạc, hệ trung cấp của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Chị đã chọn dòng nhạc thính phòng để theo học. Sau một thời gian học hỏi, đặc biệt là dưới sự dìu dắt, dạy dỗ của cô Rơ Chăm Peng - Giảng viên Thanh nhạc của trường, Ánh Tuyết dần hoàn thiện về kỹ năng thanh nhạc cũng như bản lĩnh sân khấu. Năm 2010, tốt nghiệp hệ trung cấp thanh nhạc, Ánh Tuyết về công tác tại Sư đoàn 361. Sau đó, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chị đã xin đi học lớp quản lý văn hóa hệ chính quy- Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Thời gian theo học đại học, vừa tham dự đầy đủ những buổi học trên lớp, vừa lo thu xếp công việc gia đình, Ánh Tuyết còn tranh thủ tham gia các hoạt động văn nghệ do đơn vị và Quân chủng tổ chức. Năm 2015, Ánh Tuyết đã giành Huy chương Vàng với ca khúc “Cám ơn mẹ” tại “Liên hoan Tiếng hát học sinh, sinh viên và lực lượng vũ trang toàn quốc”. Bên cạnh đó, chị đã tham gia Liên hoan Tiếng hát truyền hình và một số hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ do Quân chủng và Quân đội tổ chức.
Tháng 7 năm 2017, sau khi tốt nghiệp quay trở về đơn vị, Ánh Tuyết đã được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình nghệ thuật tham gia Liên hoan hát ru, dân ca và âm nhạc cổ truyền Phụ nữ Quân chủng. Với vốn kiến thức được học tập ở trường và những trải nghiệm thực tiễn, chỉ trong thời gian ngắn, Ánh Tuyết đã xây dựng được chương trình tổng thể có chất lượng chuyên môn và nghệ thuật cao. Chương trình sau đó đã giành giải xuất sắc tại Liên hoan và bản thân Ánh Tuyết được Quân chủng lựa chọn vào đội tuyển tham gia dự thi cấp toàn quân. Và tại Liên hoan Hát ru, dân ca và âm nhạc cổ truyền trong Phụ nữ Quân đội, Ánh Tuyết đã giành giải thưởng “Diễn viên xuất sắc nhất”. Đây là phần thưởng cho những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của chị trên con đường ca hát.
Là một người được đắm mình trong hoạt động văn nghệ quần chúng, chị mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa để xây dựng và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ ở đơn vị. Đồng thời, chị cũng mong chuyển tải nhiều các ca khúc cách mạng, các bài hát ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước và truyền thống của Quân đội, Quân chủng đến với bộ đội. Thậm chí, chị có thể trực tiếp tham gia dạy hát cho các cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị cơ sở khi có điều kiện.
Một mùa Xuân mới đang tới, chúc cho tiếng hát Ánh Tuyết ngày càng vang xa và các dự định của chị với phong trào văn nghệ quần chúng trở thành hiện thực.
BÍCH PHƯỢNG