9 giờ:26 phút Thứ sáu, ngày 19 tháng 11 , 2021

Viết ngắn về đạo “Thầy - Trò”

Con ơi ghi nhớ lời này

Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy chớ quên!

Mỗi lần nghe câu ca dao này, lòng ta lại trào dâng những cảm xúc bồi hồi khó tả khi nhớ về tuổi thơ, mái trường và những kỷ niệm đẹp đẽ về các thầy, cô giáo - những người lái đò thầm lặng đã dâng trọn tình yêu, trí tuệ và sức lực cho thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước. Vì vậy, đã từ rất lâu, ngày 20-11 hằng năm không chỉ là ngày lễ, ngày Tết của thầy - cô giáo và học sinh cả nước mà còn là ngày hội của toàn dân, thể hiện đạo lý “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn”.

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học. Mọi người dân Việt đều coi trọng sự học. Bất kể sang giàu hay nghèo khó, các bậc làm cha, làm mẹ đều mong muốn con em mình được học hành đến nơi, đến chốn để trở thành người có ích cho xã hội. Coi trọng việc học, kính trọng thầy cô giáo là một trong những yếu tố cốt lõi làm nên giá trị nhân bản của việc học hành. Trong bất kỳ một giai đoạn lịch sử nào, tình nghĩa thầy - trò vẫn là một trong những tình cảm thiêng liêng, cao đẹp mà hầu hết mọi người đều trân quý và bồi đắp. Người xưa từng dạy chúng ta rằng: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Nghĩa là, người dạy ta một chữ cũng là thầy, dạy nửa chữ cũng là thầy. Lời dạy ấy thật sâu sắc, thấm sâu, giúp cho chúng ta hiểu được truyền thống “Tôn sư trọng đạo” luôn là một nét đẹp đáng được tôn kính, mang đậm tính nhân văn của văn hóa Việt Nam. Qua đó, giúp ta nhận thức rõ hơn về tình nghĩa thầy trò để thể hiện thái độ biết ơn, trân trọng và tri ân đối với những người từng kiên trì, dìu dắt, uốn nắn chúng ta từ nét chữ và con số đầu tiên; dạy cho chúng ta biết thế nào là lễ nghĩa, đưa chúng ta bước lên những bậc cao hơn của nấc thang kiến thức.

“Ở nhà có cha, có mẹ; đến trường có thầy cô”. Đây cũng là lý do mà các thầy, các cô luôn được yêu mến và trân trọng. Bên cạnh việc truyền thụ kiến thức, những người thầy, người cô luôn là tấm gương cho những chuẩn mực, đạo đức và là người đồng hành tin cậy của lớp lớp thế hệ học sinh. Không phải bỗng nhiên nghề dạy học được vinh danh là “Kỹ sư tâm hồn”, hay là “Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Có được tình cảm trân trọng ấy, mỗi thầy, mỗi cô đều đã ngày đêm mang tâm huyết, trí tuệ, sức lực cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, giống như những người lái đò thầm lặng đưa lớp lớp học sinh đi qua dòng sông tri thức, luôn song hành để họ thực hiện trọn vẹn những ước mơ. Như đàn chim tung cánh bốn phương, hành trang mà chúng ta đem theo, ngoài vốn kiến thức để vào đời còn có cả tình thày, nghĩa cô và bao la tình bầu bạn. Từ sự ân cần dạy bảo và dìu dắt của những người thầy, người cô, chúng ta lớn lên, trở thành những công dân có ích, biết sống vì cộng đồng, giàu lòng vị tha, trong sáng, tự tin với những khát vọng cao đẹp, lớn lao. Bồi dưỡng, khơi nguồn cho những tâm hồn trẻ thơ tỏa sáng, là công sức của biết bao thế hệ nhà giáo Việt Nam. Có lẽ, tình yêu ấy, sự tâm huyết trách nhiệm ấy chính là những món quà tuyệt vời nhất nên càng phải luôn trân trọng, khắc ghi.

Rời xa mái trường phổ thông là cuộc hành trình dằng dặc của trường đời. Mỗi chúng ta đều có sự lựa chọn nghề nghiệp và những ngả rẽ riêng. Thế nhưng, cái sự học để thành người thì vẫn vô cùng cần thiết. Nhớ về ngày 20-11, một đóa hoa tươi thắm, một lời chúc mừng trân trọng gửi đến mọi quý thày cô là điều vô cùng cần thiết. Đó cũng chính là sự tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo” của con người Việt Nam ân nghĩa, hiếu đạo.

QUỲNH VÂN
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website