Tại sao lính dù Nga cần “lá chắn phòng không” mới Ptitselov?
Bộ Quốc phòng Nga đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo vệ Lực lượng Đổ bộ Đường không (VDV) trước các đòn tấn công từ trên không. Do đó, từ năm 2022, các tổ hợp phòng không di động tầm ngắn mới nhất Ptitselov (Người bắt chim), có thể thả được xuống từ máy bay, sẽ bắt đầu gia nhập thành phần chiến đấu của VDV.
Che phủ bầu trờiLực lượng “bộ binh có cánh” hay còn gọi là lính dù Nga không trực tiếp tấn công kẻ địch. Vấn đề này được giao cho đơn vị vũ trang hạng nặng và đơn vị thiết giáp thuộc Lực lượng Bộ binh. Nhiệm vụ cơ bản của VDV là đổ bộ xuống hậu tuyến của đối phương bằng dù, chiếm lấy căn cứ quân sự. Lính dù cần phải đánh tan các trụ sở và điểm chỉ huy, ngăn chặn quân dự bị, tấn công vào bệ phóng của vũ khí chính xác cao. Nếu không phát hiện ra bị tấn công đổ bộ, thì đối phương sẽ thất bại thảm hại.
Trong những giờ đầu tiên sau khi đổ bộ, một số đơn vị thuộc VDV dễ bị tổn thương bởi các đợt tấn công từ trên không. Do đó, sự xuất hiện của tổ hợp phòng không di động tầm ngắn mới nhất Ptitselov có thể thả được xuống từ máy bay đã giải quyết một phần vấn đề này.
|
|
Lực lượng Đổ bộ Đường không Nga nhảy dù xuống từ máy bay trong các bài tập chiến thuật. Nguồn: RIA Novosti. |
Chuyên gia quân sự Alexey Leonkov chia sẻ với RIA Novosti: “Kẻ thù của chúng ta ‘đặt cược’ vào các phương tiện hủy diệt hàng không. Từ trên không, họ san phẳng mặt đất rồi mới đưa lực lượng vào trận chiến. Chắc chắn rằng, ngay sau khi đổ bộ và chiếm được căn cứ quân sự, lực lượng lính dù sẽ phải trải qua một trận đánh lớn với các máy bay, máy bay không người lái (UAV) và máy bay trực thăng tấn công. Để giảm thiểu rủi ro, lính dù được trang bị hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS). Tuy nhiên, trong hậu tuyến của đối phương, MANPADS sẽ không thể quan sát bầu trời suốt ngày đêm. VDV cũng đã có trong tay tổ hợp tên lửa phòng không tự hành Strela-10 nhưng đây không phải là vũ khí được thả xuống bằng đường không. Nếu có sự hỗ trợ của tổ hợp phòng không di động tầm ngắn Ptitselov, tình hình sẽ hoàn toàn thay đổi”.
“Lá chắn phòng không” Ptitselov được chế tạo trên khung gầm xe chiến đấu đổ bộ BMD-4 đã được vận hành trong quân đội. Được biết, quân đội Nga đã xem xét đưa tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Sosna vào làm module chiến đấu cho tổ hợp phòng không di động tầm ngắn Ptitselov. Như vậy, khối lượng chiến đấu của tổ hợp Ptitselov sẽ hoàn toàn phù hợp với giới hạn hệ thống dù của Nga hiện nay, có thể hạ cánh an toàn khi mang theo 18 tấn vũ khí.
Tên lửa thông minh
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Sosna lần đầu tiên ra mắt công chúng vào tháng 6-2013 trong một hội nghị về phát triển hệ thống phòng không của Lực lượng Bộ binh ở Smolensk. Tổ hợp tên lửa phòng không Sosna được lắp trên khung gầm xe bọc thép hạng nhẹ đa nhiệm MTLB. Nhà phát triển tổ hợp Sosna là Cục thiết kế chế tạo máy chính xác mang tên A.E. Nudelman cùng với Nhà máy Saratov.
|
|
Tổ hợp tên lửa phòng không Sosna. Nguồn: RIA Novosti. |
Do sử dụng các phương tiện thụ động để phát hiện mục tiêu nên Sosna rất “khỏe” khi đối đầu với các tên lửa chống radar. Ưu điểm thứ hai của tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Sosna là thành phần chiến đấu bao gồm 12 tên lửa dẫn đường phòng không, có khả năng hủy diệt tất cả vật thể bay ở khoảng cách lên đến 10 km và ở độ cao 50.000m. Do tổ hợp tên lửa phòng không Sosna được trang bị hệ thống điều khiển vũ khí hỗn hợp nên đối phương khó thoát được các đợt tấn công từ tổ hợp tên lửa này. Ngoài ra, Sosna còn được tích hợp hệ thống laser đảm bảo cho tên lửa có thể “gặp gỡ” với vật thể bay.
Tổ hợp phòng không di động tầm ngắn Ptitselov được trang bị Sosna trên nền tảng xe chiến đấu đổ bộ BMD-4 với kíp lái gồm 3 người sẽ có hiệu quả chiến đấu gấp 12 lần MANPADS. Ngoài ra, tổ hợp phòng không di động tầm ngắn Ptitselov có thể tự tìm và theo dõi mục tiêu. Do đó, chỉ huy chỉ cần phát lệnh phóng cho nhà vận hành tên lửa. Thật đơn giản, chỉ cần bấm nút. Trong điều kiện chiến đấu, điều này cho phép tiết kiệm được vài giây không cần thiết.
Năm 2014, lính dù Nga đã tiếp nhận MANPADS thế hệ mới Verba. Nhờ sử dụng động cơ nhiên liệu rắn nên Verba có thể tiêu diệt mục tiêu trên không ở phạm vi trên 6km và ở độ cao hơn 4km. Vũ khí này được trang bị hệ thống điều khiển có thể tự động phát hiện máy bay, máy bay trực thăng, UAV hoặc tên lửa và xác định các thông số bay của chúng.
Chuyên gia quân sự Alexey Leonkov cho biết: “Nhờ có các tổ hợp tên lửa mới Ptitselov, các đơn vị thuộc VDV sẽ đỡ phải tính toán xem những binh lính nào sẽ dùng MANPADS. Tuy nhiên, tổ hợp phòng không di động Ptitselov cũng không thay thế hoàn toàn MANPADS. Tôi cho rằng, hai loại tổ hợp tên lửa này sẽ cùng hoạt động song song. Các binh lính mang theo MANPADS có thể sẽ được giao nhiệm vụ bảo vệ Ptitselov khi tổ hợp tên lửa này được tiến hành nạp đạn”.
Vậy nên, bộ đôi Verba và Ptitselov sẽ trở thành “chiếc ô” đáng tin cậy cho các đơn vị tiên phong của VDV ở hậu tuyến của đối phương.
Theo qdnd.vn