Tiểu đoàn 11, Phòng Tham mưu (Sư đoàn 361):
Làm tốt công tác tư tưởng trong huấn luyện CSM
Thực hiện nhiệm vụ của Sư đoàn 361, đợt 1 năm 2018, Tiểu đoàn 11 tiếp nhận và tổ chức huấn luyện chiến sĩ mới (CSM) từ các địa phương: Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh… Thực hiện nhiệm vụ trên giao, đội ngũ cán bộ Tiểu đoàn đã đoàn kết, thống nhất, làm tốt công tác nắm bắt, quản lý tư tưởng của bộ đội nói chung và CSM nói riêng, giải quyết tốt các vấn đề vướng mắc về tư tưởng nảy sinh, giữ vững sự ổn định, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Tiểu đoàn 11, Phòng Tham mưu, Sư đoàn 361 tổ chức giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới.Để thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện CSM, ngay từ đầu năm 2018, Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn đã tổ chức quán triệt, giáo dục nhiệm vụ đến 100% cán bộ, chiến sĩ trong Tiểu đoàn. Chuẩn bị cho nhiệm vụ huấn luyện CSM, Tiểu đoàn đã cử cán bộ tham gia tập huấn khung huấn luyện CSM tại Sư đoàn, đồng thời tự tập huấn khung huấn luyện tại đơn vị. Về nội dung huấn luyện, bên cạnh chuyên sâu vào kỹ thuật chiến đấu bộ binh, điều lệnh quản lý bộ đội, điều lệnh đội ngũ, rèn luyện kỷ luật… Tiểu đoàn đã chú trọng vào công tác nắm bắt và quản lý tư tưởng của CSM.
Với kinh nghiệm nhiều năm huấn luyện CSM, để bảo đảm tính vùng miền cũng như mặt bằng trình độ của bộ đội, Tiểu đoàn đã phân tích, đánh giá, bố trí đều CSM các địa phương vào cùng tiểu đội, trung đội, đại đội. Công tác quản lý bộ đội được duy trì chặt chẽ từ cấp tiểu đội, trung đội, đại đội đến Tiểu đoàn. Trong đó, những người trực tiếp nắm bắt tư tưởng, quản lý, rèn luyện bộ đội là các đồng chí tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, đại đội trưởng. Đội ngũ tiểu đội trưởng, trung đội trưởng thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ) với CSM. Đây là những người thường xuyên gần gũi, bám nắm, động viên, chia sẻ, trao đổi tâm tư tình cảm với các CSM.
Khác với các đối tượng khác, CSM là những thanh niên vừa mới học tập, công tác ở môi trường dân sự, do đó, khi vào môi trường quân ngũ sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu bởi các chế độ, nền nếp quy định theo điều lệnh Quân đội. Do vậy, ngay từ những ngày đầu, đội ngũ cán bộ các cấp của Tiểu đoàn đã tích cực bám nắm, hướng dẫn, động viên, chia sẻ ngay từ những việc làm nhỏ nhất như: Sắp đặt nội vụ vệ sinh, phổ biến đầy đủ các chế độ, tiêu chuẩn bộ đội được hưởng, các quy định của Quân đội… Chính sự chỉ bảo, giúp đỡ tận tình như những người anh, người chú đã tạo cho CSM cảm giác thân thiết, gần gũi, ấm áp như ở nhà mình, từ đó giúp họ tự giác trong mọi việc làm, hành động.
Một trong những yếu tố quan trọng của Tiểu đoàn trong việc nắm và quản lý tư tưởng của CSM là làm tốt “5 biết” trong quản lý bộ đội. Đó là: Biết lai lịch chính trị, hoàn cảnh gia đình; biết năng lực, trình độ; biết năng khiếu, sở trường, đặc điểm cá nhân; biết các mối quan hệ xã hội; biết hoạt động hằng ngày của từng cá nhân. Đội ngũ cán bộ Tiểu đoàn đã thực hiện “5 biết” bằng các hình thức như: Trực tiếp gặp gỡ, trao đổi; giáo dục chung, giáo dục riêng; bám sát CSM, quan sát lời nói, cử chỉ, hành động; thường xuyên đánh giá tình hình tư tưởng. Trong đó, Tiểu đoàn đã làm tốt việc nghiên cứu lý lịch của CSM thông qua việc yêu cầu CSM tự khai trích ngang, đồng thời phối hợp với gia đình và địa phương của CSM để quản lý tư tưởng. Yêu cầu sau một tuần tiếp nhận CSM, tiểu đội trưởng, trung đội trưởng phải thuộc tên và quê quán các CSM trong phạm vi mình quản lý.
Một hình thức nữa để đơn vị nắm bắt tư tưởng của CSM là thông qua sinh hoạt tổ 3 người. Hằng ngày, trước giờ học tập, công tác buổi tối, đơn vị tổ chức sinh hoạt tổ 3 người. Rất mau lẹ, bộ đội hình thành từng nhóm 3 người, cùng trao đổi với nhau dưới sự duy trì của các đồng chí tổ trưởng. Để duy trì tốt hoạt động này, việc bố trí sắp xếp các CSM vào các tổ phải hợp lý, đồng thời chọn lựa những đồng chí tổ trưởng có phẩm chất, năng lực chỉ huy, gương mẫu và có uy tín để động viên, giáo dục và thuyết phục các tổ viên. Hoạt động tổ 3 người đã trở thành “kênh thông tin” hữu hiệu giúp cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Tiểu đoàn đánh giá tư tưởng của từng đối tượng, có danh sách cụ thể những đồng chí có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh hiểm nghèo, những đồng chí chấp hành nền nếp chế độ và rèn luyện chưa tốt cần quan tâm, từ đó phân công cán bộ đảng viên gặp gỡ, động viên, giúp đỡ tháo gỡ khó khăn.
Bên cạnh các biện pháp nói trên, việc thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố cảnh quan môi trường, nơi ăn, chốn ở; thường xuyên tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao… cũng đã góp phần làm cho CSM yên tâm học tập, công tác, coi đơn vị là nhà, luôn đoàn kết, gắn bó, yêu mến đơn vị. Cùng với đó, đơn vị đã phát huy tốt vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên trong việc thông tin, quản lý, rèn luyện CSM về đạo đức, nhân cách của người quân nhân cách mạng.
Qua hơn một tháng huấn luyện cho thấy, bầu không khí của Tiểu đoàn luôn đoàn kết, thống nhất; mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cán bộ với chiến sĩ và giữa các CSM với nhau luôn chân tình, cởi mở, hòa đồng... Đây chính là những yếu tố góp phần quan trọng trong việc giữ ổn định chính trị, là động lực thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong đó có việc tạo niềm tin cho CSM an tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bài, ảnh: THÀNH TRUNG