Cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội:
Bài 1: Hai định hướng nổi bật trong chính sách tiền lương
Theo dự kiến, tại Hội nghị Trung ương 7 khoá XII diễn ra tới đây, Trung ương Đảng sẽ bàn nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội (BHXH). Đây là hai vấn đề được cả nước đặc biệt quan tâm.
>>> Bài 2: Hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội
>>> Bài 3: Đổi mới chính sách tiền lương quân nhân
Trước thềm hội nghị, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết phân tích các quan điểm, đường lối của Đảng ta về chính sách tiền lương và BHXH; những khó khăn, bất cập khi thực hiện các chính sách này và đề xuất các giải pháp để khắc phục. Đặc biệt là về các chính sách đặc thù đối với cán bộ, chiến sĩ và người lao động trong quân đội.Bài 1: Hai định hướng nổi bật trong chính sách tiền lương
Những năm gần đây, chính sách tiền lương ở nước ta từng bước được điều chỉnh mang tính thị trường và hội nhập nhiều hơn, với hai định hướng nổi bật:
Thứ nhất, kịp thời điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng, lương cơ sở và trợ cấp hưu trí, nâng cao dần thu nhập thực tế, cải thiện điều kiện và chất lượng sống của người lao động (NLĐ). Với tinh thần đó, Chính phủ đã 14 lần điều chỉnh lương tối thiểu trong vòng 25 năm qua. Đặc biệt, ngoài Nghị định số 141/2017/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 7-12-2017 về quy định mức lương tối thiếu vùng, hiện Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo nghị định mới trình Chính phủ ban hành về quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) và lực lượng vũ trang (LLVT), theo đó mức lương cơ sở sẽ được tăng lên thành 1,39 triệu đồng kể từ ngày 1-7-2018. Đồng thời, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo nghị định mới trình Chính phủ ban hành, theo đó, từ ngày 1-7-2018, sẽ tăng thêm 6,92% mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 6-2018 đối với 8 nhóm đối tượng, trong đó có CB, CC, VC và NLĐ; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng…
Thứ hai, từng bước đổi mới cơ chế trả lương gắn với vị trí việc làm và hiệu quả công việc. Tinh thần này được thể hiện khá sâu đậm trong dự thảo Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với CB, CC, VC, LLVT và NLĐ trong các doanh nghiệp đang được Bộ Nội vụ hoàn thiện và trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII xem xét, thông qua.
Định hướng chủ đạo của Đề án cải cách chính sách tiền lương này là thiết kế lại toàn bộ hệ thống bảng lương, các chế độ phụ cấp cho CB, CC, VC, LLVT hưởng lương khu vực công (từ Tổng Bí thư đến cán bộ cấp xã) và tạo cơ chế phân cấp phân quyền mới, theo đó thủ trưởng đơn vị được trao quyền tuyển và trả lương xứng đáng cho người có năng lực vào bộ máy quản lý; các địa phương có quyền tự chủ, tự quyết định tiền lương cao hơn khi tự cân đối được ngân sách Nhà nước (NSNN), tự bảo đảm được nguồn cải cách tiền lương trong một giai đoạn ổn định ngân sách…
Dự thảo đề án xây dựng hai bảng lương, một bảng lương dành cho các chức danh vị trí việc làm, một bảng lương dành cho cán bộ làm công việc thuần túy về chuyên môn, khắc phục được bất cập khi trả lương theo bằng cấp; định hướng chi trả thu nhập của CB, CC theo thông lệ quốc tế với tỷ trọng lương chiếm không quá 70% thu nhập; phụ cấp không được quá 30% thu nhập. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có quyền chi khoản 10% quỹ tiền thưởng (trong lương) chi trả thêm cho lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có quỹ lương để tuyển dụng nhân tài; bãi bỏ cách tính lương theo hệ số, thay vào đó là quy định về số tuyệt đối trong thang, bảng lương; xác định mức lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất và được luật hóa. Ngoài ra, dự thảo quy định thêm mức lương tối thiểu giờ; bãi bỏ sự can thiệp của Nhà nước vào thang, bảng lương của doanh nghiệp, tiến tới liên thông giữa tiền lương khu vực công và tư.
Với những định hướng và mục tiêu được dự thảo trong đề án, có thể nói, Việt Nam sắp có những thay đổi quan trọng và có ý nghĩa toàn diện, lâu dài đối về chính sách tiền lương trong thời gian tới.
|
|
Ảnh minh họa. TTXVN. |
Chính sách tiền lương luôn là một vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, liên quan không chỉ tới đời sống người hưởng lương, mà còn đến các vấn đề phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội, bảo hiểm, tuổi hưu, nguồn NSNN.
Về nguyên tắc, tiền lương lao động phải được tính đúng, tính đủ, gắn với chi phí và năng suất lao động xã hội; phù hợp yêu cầu và đặc điểm vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh, chất lượng, hiệu quả thực thi công việc; bảo đảm công bằng xã hội và bảo đảm cho người hưởng lương sống chủ yếu bằng lương, tạo động lực khuyến khích NLĐ làm việc với lương tâm, trách nhiệm và hiệu quả cao, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng…
Hơn nữa, hệ thống thang, bảng lương, mức lương mới đối với CB, CC, VC khi chuyển mạnh sang trả lương theo vị trí việc làm, gắn với chức danh và tiêu chuẩn rõ ràng sẽ cho phép từng bước khắc phục tính cứng nhắc, phức tạp, trả lương bình quân theo số người và thâm niên, khiến biên chế ngày càng tăng và khó kiểm soát, áp lực tăng chi NSNN ngày càng lớn...
Một chính sách lương đúng là mức lương NLĐ nhận được phải thực sự tôn trọng năng lực và nỗ lực, kết quả làm việc thực tế của người hưởng lương, giảm thiểu tình trạng cào bằng lương hoặc tăng lương nhờ vào quan hệ hay những lắt léo, may rủi chủ quan trong thực tế quản lý Nhà nước. Đồng thời, chính sách tiền lương phải tạo động lực và phù hợp với mức tăng năng suất lao động xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ công, phát triển kinh tế, góp phần tinh giảm mạnh biên chế hiện nay (theo tinh thần Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, cả nước phấn đấu đến năm 2020 giảm 10%, giai đoạn 2021-2025 giảm 10% và giai đoạn 2026-2030 giảm 10%); làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước hiện đại, chuyên nghiệp; thu hút và giữ chân nhân tài; bảo đảm công bằng về tiền lương, thu nhập giữa các khu vực; chống tiêu cực, tham nhũng quyền lực; hướng tới thống nhất chỉ có một mức lương cơ sở quốc gia chung cho mọi NLĐ hưởng lương; giảm tối đa viên chức hưởng lương từ NSNN; giảm chi thường xuyên và tăng mạnh NSNN cho đầu tư phát triển; tách dần tổng quỹ lương từ NSNN và Quỹ BHXH, nguồn chi trả chính sách ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội theo một cơ chế tạo nguồn và chi trả tương đối độc lập với nhau, với lộ trình hợp lý, giảm thiểu gây sốc và tác động mạnh tiêu cực đến sự ổn định và đồng thuận xã hội vĩ mô.
Cải cách tiền lương còn tùy thuộc quan trọng vào thực tế các nguồn lực, trong đó có NSNN, vào quy mô bộ máy quản lý và đội ngũ người hưởng lương, đặc biệt là tùy thuộc vào kết quả thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cũng như đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ và đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp dịch vụ công, đáp ứng hài hòa các mục tiêu phát triển bền vững, phù hợp thực tế.
(còn nữa)
Theo qdnd.vn