12 giờ:35 phút Thứ năm, ngày 17 tháng 5 , 2018

Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị Quân chủng Phòng không-Không quân năm 2018:

Chặt chẽ, thiết thực, hiệu quả

Sau 3 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, khẩn trương, nghiêm túc, Hội thi cán bộ GDCT cấp Quân chủng năm 2018 đã thành công tốt đẹp. Thành công của Hội thi trước tiên phải kể đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự chung tay vào cuộc của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với Hội thi. Chính sự vào cuộc toàn diện, kiên quyết, sâu sát và quan tâm thỏa đáng trong tổ chức tốt Hội thi của cấp mình cũng như làm tốt việc lựa chọn thí sinh và nội dung thi phù hợp cho các thí sinh tiêu biểu tham gia cấp Quân chủng là cơ sở quan trọng tạo nên thành công của Hội thi.

Chặt chẽ, hiệu quả, an toàn và những vấn đề đặt ra
Các thí sinh thực hiện nội dung thi soạn bài giảng trình chiếu.

Quá trình theo dõi Hội thi, chúng tôi thấy rằng, các thí sinh tham dự Hội thi lần này đều thực hiện tốt các nội dung thi theo đầu bài của Ban giám khảo đưa ra. Bên cạnh có kiến thức chuyên môn sâu, soạn bài giảng trình chiếu trên máy tính thuần thục, sáng tạo, thì ở nội dung quan trọng nhất là thi thực hành giảng bài, đa phần các thí sinh đều tiến hành thuần thục, có chiều sâu với nội dung mình giảng dạy. Đặc biệt, các thí sinh đều nhấn mạnh được các nội dung cần nhớ qua các chi tiết, số liệu đi đôi với dẫn chứng cụ thể, gần gũi, sinh động, định hướng được tư tưởng, chính trị và hướng dẫn hành động rõ ràng, bằng cách dẫn dắt nội dung khoa học, hệ thống, có tính chiến đấu, phê phán quan điểm, nhận thức tư tưởng sai trái, lệch lạc.

Sau khi hoàn thành phần thi thực hành giảng bài, Trung tá Đặng Bá Thành - Chính ủy Trung đoàn 218, (Sư đoàn 361) chia sẻ: “Tôi luôn tâm niệm, đối với người cán bộ GDCT, bên cạnh việc cần phải có kiến thức, trình độ sư phạm, am hiểu về quy luật xã hội và vấn đề mình giảng dạy, thì điều quan trọng nhất là phải có khả năng thu hút tổng quan đối tượng mình giảng dạy. Trong đó, việc làm chủ bài giảng, liên hệ mật thiết với hoạt động hàng ngày của đơn vị mình thì bài giảng đó mới tác động đến tâm hồn, phát triển thành hành động của người nghe”.

Giảng bài chính trị là một quá trình đòi hỏi cần có sự linh hoạt, sáng tạo của người dạy. Bởi lẽ, nội dung giảng là những quan điểm, tư tưởng, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nghị quyết, chị thị hướng dẫn của cấp trên. Nếu phương pháp của người dạy máy móc, khô cứng sẽ dẫn đến nhàm chán; người học cảm thấy không hứng thú, tiếp thu một cách gượng ép. Như vậy hiệu quả giảng dạy chính trị sẽ không cao. Muốn tạo ra được sự linh hoạt, sáng tạo, trước hết người giảng phải làm chủ được nội dung, tâm huyết với bài giảng, tích cực nghiên cứu tìm tòi đổi mới phương pháp truyền đạt nội dung bài; sử dụng thành thạo, nhuần nhuyễn các phương tiện hỗ trợ. Và ở Hội thi lần này, đa phần các thí sinh đã làm được điều đó.

Trung tá Vũ Thiện - Chính ủy Trung đoàn 274 (Sư đoàn 377) cho biết: “Để bài giảng đạt hiệu quả cao rất cần sự linh hoạt, sáng tạo, tuy nhiên, sự linh hoạt, sáng tạo không được vượt quá nội dung bài giảng và quy chế Hội thi. Thế nên, từ phần soạn đề cương chúng tôi phải nghiên cứu kỹ quy chế, phân bố cụ thể thời gian cho từng nội dung, thậm chí đến từng ví dụ. Bên cạnh đó, cần tăng cường thục luyện theo phương pháp chia đoạn, tức là tập giảng từng đoạn, để kịp thời rút kinh nghiệm và điều chỉnh thời gian cho phù hợp. Tuy nhiên chia đoạn không có nghĩa là cắt rời từng đoạn để giảng mà cần phải có chuyển ý, nối ý để tất cả các đoạn khi ghép lại vẫn là một bài giảng hoàn chỉnh, ăn khớp. Quá trình giảng cần bình tĩnh, tự tin, làm chủ nội dung, làm chủ địa điểm”.

Thượng úy Trương Quang Hiệp - Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 123, Trung đoàn 93 cho biết: “Trên cơ sở nội dung đã được cấp uỷ, chỉ huy đơn vị định hướng, chúng tôi phải chủ động tìm hiểu tài liệu chính, tài liệu có liên quan để xây dựng đề cương và soạn bài giảng theo đúng quy chế. Ở khâu này, giáo viên phải xác định rõ đối tượng, nội dung trọng tâm, trọng điểm để cân đối thời gian và hàm lượng kiến thức cho phù hợp; xác định đúng, trúng nội dung cần tập trung phân tích chứng minh; coi trọng lựa chọn sử dụng ví dụ sát thực tiễn, văn phong trong sáng, dễ hiểu, phù hợp với nhận thức của đối tượng, tránh tình trạng đối tượng một “đàng”, nội dung một “nẻo”. Nhưng theo tôi, điều quan trọng nhất để một bài giảng đạt hiệu quả là vấn đề mình đang truyền thụ phải ăn khớp với những gì mình làm hàng ngày thì hiệu quả sẻ cao hơn, có sức thuyết phục, dễ đi vào lòng người hơn”.

Tìm hiểu trong quá trình thi, chúng tôi thấy rằng, suốt quá trình diễn ra Hội thi, Ban tổ chức; Ban giám khảo đã chủ động, tích cực nghiên cứu đổi mới phương pháp tổ chức các phần thi, bảo đảm cho thí sinh phát huy tối đa phẩm chất, năng lực, sự sáng tạo của mình. Phần thi đề cương, tổ chức chấm độc lập từng giám khảo, lấy điểm trung bình. Đổi mới cách ra đề phần thi nhận thức theo hướng không đánh đố, không thi học thuộc lòng mà ra đề mở, nhằm đánh giá kiến thức toàn diện, năng lực phân tích, nhận định của thí sinh trước thực tiễn công tác giảng dạy chính trị ở đơn vị. Trong phần thi thực hành giảng, đánh giá cao những phương pháp mới, thể hiện sự sáng tạo, nhất là những phương pháp tích cực, mang tính trực quan, hiệu quả truyền đạt nội dung cao.

Đại tá Mai Văn Tiến - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng, Trưởng ban giám khảo khẳng định: Trong rất nhiều yếu tố thì thành công của Hội thi phải kể đến sự quan tâm thỏa đáng của Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng; sự chuẩn bị chu đáo của Ban Tổ chức và phương pháp làm việc công minh, khách quan của Ban Giám khảo. Trong đó không thể không kể đến  sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị được phân công bảo đảm về mọi mặt cho Hội thi. Đây là một trong những động lực to lớn giúp các thí sinh thực hiện tốt các phần thi, bảo đảm cho Hội thi được thực hiện chặt chẽ, thống nhất, đúng quy chế, có chất lượng, đạt được mục đích yêu cầu đề ra.

Chặt chẽ, hiệu quả, an toàn và những vấn đề đặt ra
Thủ trưởng Cục Chính trị trao chứng nhận
cán bộ GDCT giỏi cấp Quân chủng cho các thí sinh.

Chặt chẽ, hiệu quả, an toàn và những vấn đề đặt ra
Thiếu tướng Trần Ngọc Quyến - Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng, Trưởng Ban tổ chức Hội thi trao giải nhất, nhì, ba cho các thí sinh.

Hội thi cán bộ GDCT cấp Quân chủng năm nay thực sự là ngày hội của đội ngũ cán bộ chính trị nói chung, cán bộ GDCT nói riêng. Đây không chỉ là dịp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, quản lý công tác giáo dục chính trị cho cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp mà còn là cơ hội, điều kiện tốt để đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị trong toàn Quân chủng được bồi dưỡng, học tập, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao năng lực toàn diện trong giảng dạy chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân chủng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

 KẾT QUẢ:
- 49/49 thí sinh tham gia thi đều đạt Cán bộ giảng dạy chính trị giỏi cấp Quân chủng. 
- Giải Nhất: Trung tá Đặng Bá Thành - Chính ủy Trung đoàn 218 (Sư đoàn 361); Thượng úy Dương Văn Chiến - Chính trị viên Tiểu đoàn 52, Trung đoàn 267 (Sư đoàn 365); Thượng úy Trương Quang Hiệp - Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 123, Trung đoàn 93 (Sư đoàn 367).
- Giải Nhì: Trung tá Nguyễn Ngọc Bảo - Chính ủy Trung đoàn 224 (Sư đoàn 375); Thiếu tá Nguyễn Xuân Hoàng - Chính trị viên Tiểu đoàn 18 (Lữ đoàn 26); Đại úy Nguyễn Văn Hoàng - Trợ lý cán bộ (Phòng Chính trị, Học viện PK-KQ).
- Giải Ba: Trung tá Trương Đức Phương - Chính ủy Trung đoàn 228 (Sư đoàn 365); Trung tá Vũ Thiện - Chính ủy Trung đoàn 274 (Sư đoàn 377); Đại úy Nguyễn Văn Tú - Chính trị viên Tiểu đoàn BĐKT Sân bay Pleiku (Sư đoàn 372); Đại úy Cao Văn Tý - Chính trị viên Trạm Ra đa 29, Trung đoàn 290 (Sư đoàn 375).
Bài, ảnh: NGÔ TIẾN MẠNH
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website