8 giờ:46 phút Thứ ba, ngày 29 tháng 5 , 2018

Những kỷ vật của Chính ủy Đặng Tính

Đại tá Đặng Tính, tên thật là Đặng Văn Tỵ, sinh năm 1920 tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội). Ông nhập ngũ năm 1946 và trải qua nhiều cương vị khác nhau: Cục trưởng Cục Không quân, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ), Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng PK-KQ. Năm 1971, ông làm Chính ủy Đoàn 559 và là Đại biểu Quốc hội khóa III, IV.

Những kỷ vật của Chính ủy Đặng Tính
Đại diện Bảo tàng PK-KQ tiếp nhận các kỷ vật do gia đình Chính ủy Đặng Tính trao tặng.

Cuối tháng 3-1973, Chính ủy Đặng Tính dẫn đầu một Đoàn cán bộ chuyên môn kỹ thuật kiểm tra và nghiên cứu tuyến chi viện chiến lược phía Tây Trường Sơn. Đoàn đã vào làm việc với Bộ Tư lệnh Sư đoàn 471 ở Phù Trường. Sáng 4-4-1973, từ Bộ Tư lệnh Sư đoàn 471, Đoàn công tác của Chính ủy Đặng Tính đã đi vào địa phận Pắc Xoòng (vùng mới được Sư đoàn 968 giải phóng thuộc cao nguyên Bôlôven). Đó là một điểm chốt ác liệt, rất nhiều bom, mìn còn vương lại. Để bảo đảm an toàn, chuyến đi có 3 xe, đi trước là xe dò mìn, xe của lực lượng bảo vệ rồi mới đến xe ông. Hai chiếc xe đầu đi qua an toàn, không may chiếc xe chở Chính ủy Đặng Tính đi sau bị trúng mìn chống tăng, ông và 5 đồng chí ngồi cùng xe hi sinh tại chỗ. Đây là một tổn thất lớn của Bộ đội Trường Sơn, Bộ đội PK-KQ và của Quân đội ta. Năm 2010, Đại tá Đặng Tính đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Một sớm đầu Xuân 2018, tròn 45 năm sau ngày Chính ủy Đặng Tính hi sinh, con gái ông là chị Đặng Mai Phương đã trân trọng hiến tặng một số kỷ vật của cha mình cho Bảo tàng PK-KQ. Đó là chiếc cặp da đựng tài liệu và khẩu súng săn đã gắn bó với Đại tá Đặng Tính trên nhiều cương vị công tác, cùng theo ông vào sinh ra tử khắp các chiến trường trong Nam, ngoài Bắc. Chiếc cặp nhỏ màu nâu, đã sờn vẹt và có vài vết xước lỗ chỗ.

Theo chị Đặng Mai Phương, trong chiếc cặp quen thuộc này, ngoài công văn, giấy tờ quan trọng, bố chị còn cất chứa những bài thơ viết tay. Đó là những cảm xúc chân thật được ông ghi lại trên những chặng đường hành quân. Ông thường làm thơ ca ngợi, động viên những tấm gương dũng cảm của đồng đội; ghi lại cảnh đẹp nơi ông đã đi qua, những khó khăn vất vả của người lính, cả nỗi nhớ gia đình, quê hương và nhiều hơn cả là những vần thơ tràn đầy niềm lạc quan cách mạng. Báo Quân đội nhân dân đã trích đăng một số bài thơ của Đại tá Đặng Tính như: “Lên thuyền chiến”, “Ngủ giường đất”, “Lội ngầm Nậm Cốc”, “Chiều”, “Hoa phong lan”, “Trạm 73”, “Trăng sáng”, “Đường suối”, “Gửi các con”, “Đi trong đêm”…

Trên cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân chủng PK-KQ, Đại tá Đặng Tính có mặt ở mọi chiến trường “nóng bỏng” nhất: Hà Nội, Hải Phòng, Đường 5, Đường 1 Nam, Đường 1 Bắc, rồi tuyến lửa Quân khu 4, vượt qua nhiều trọng điểm ác liệt để đến với các chiến sĩ PK ngoài mặt trận. Trên các trận địa pháo cao xạ ở tuyến lửa Vĩnh Linh, với chiếc mũ sắt trên đầu, ông luôn đứng thẳng người theo dõi cuộc chiến đấu, đưa mắt quan sát máy bay quân thù đang lao xuống và luồng đạn của ta bắn lên, để góp ý với cán bộ, chỉ huy về thời gian bắn sao cho hiệu quả. Trong đài điều khiển chật hẹp của tiểu đoàn tên lửa, nơi mà bất kể lúc nào cũng có nguy cơ bị những quả tên lửa không đối đất của địch phóng trúng, ông không nề hiểm nguy, đứng ngay sau lưng các trắc thủ, sĩ quan điều khiển, quan sát diễn biến trận đánh trên màn hiện sóng, từ đó đề xuất những giải pháp hữu hiệu giúp bộ đội tên lửa giữ vững trận địa trong điều kiện bị địch gây nhiễu nặng. Sau mỗi lần như thế, chiếc cặp tài liệu của ông lại dày thêm những bản phác thảo, những dự định, phương án mà ông luôn trăn trở.

Còn khẩu súng săn, đó là vật bất ly thân của ông trong những lần hành quân qua những cánh rừng, đồi hoang. Những lúc rảnh, Chính ủy Đặng Tính lại cùng đồng đội đi săn để cải thiện cuộc sống. Với tài bắn thiện nghệ, ông đã mang về cho bếp dã chiến khá nhiều “chiến lợi phẩm” như gà rừng, thỏ rừng, sóc. Ngay cả lúc đã vào Pắc Xoòng, tận dụng khoảng thời gian giữa chặng đường hành quân, Chính ủy Đặng Tính đã bắn hạ một con đại bàng đất khá lớn. Để rồi, khi ghé vào thăm một tiểu đội công binh của Sư đoàn 471 đang chốt giữ và bảo đảm giao thông trên đường hành quân, ông liền hào phóng tặng “chiến lợi phẩm” này cho các chiến sĩ trẻ. Và đây cũng là chuyến đi săn cuối cùng của Chính ủy Đặng Tính. Một ngày sau, ông đã anh dũng hi sinh trên con đường Trường Sơn huyền thoại.

Trân trọng đón nhận những kỷ vật thân thuộc của Chính ủy Đặng Tính, Đại tá Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Bảo tàng PKKQ, xúc động bày tỏ: “Đại tá Đặng Tính là vị chỉ huy tài đức vẹn toàn. Được gia đình tin cậy, trao gửi những kỷ vật mà ông từng gắn bó, chúng tôi rất vui và sẽ cố gắng lưu giữ, bảo tồn để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ thêm hiểu, trân trọng những cống hiến và sự hi sinh cao cả của lớp lớp cha anh, trong đó có Anh hùng, liệt sĩ Đặng Tính”.

Bài, ảnh: QUỲNH VÂN-MINH HẠNH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website