16 giờ:30 phút Thứ năm, ngày 21 tháng 6 , 2018

Ký sự ngành Dù:

Kỳ 2: Đến những người thầy “2 trong 1”

Tìm hiểu sâu hơn về công tác huấn luyện nhảy dù cho đối tượng là phi công quân sự, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Vũ Văn Sâm - Phó trưởng Phòng Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tham mưu. Anh cho biết: “Huấn luyện nhảy dù là một công việc nặng nhọc, tốn nhiều công sức nhưng lại mang ý nghĩa vô cùng quan trọng; nhất là đối với các phi công quân sự. Trong giai đoạn đầu, thực hành nhảy dù giúp họ có cảm nhận rõ hơn về bầu trời, về môi trường trên không. Qua đó rèn luyện bản lĩnh, tâm lý; bồi dưỡng ý chí và lòng dũng cảm; giúp các học viên tự cảm nhận và đánh giá bản thân mình có đủ năng lực, tố chất để trở thành phi công quân sự hay không”.

Kỳ 2: Đến những người thầy “2 trong 1”
Các học viên lên máy bay chuẩn bị nhảy dù. Ảnh: DƯƠNG TOÀN.

Sở dĩ đội ngũ giáo viên ngành Dù được gọi là những người thầy ‘2 trong 1” là bởi, không chỉ làm tốt vai trò huấn luyện nhảy dù cho đội ngũ phi công và lực lượng đặc nhiệm; mà hầu hết họ đều có trình độ nhảy dù đạt cấp vận động viên quốc gia. Bản thân Thượng tá Vũ Văn Sâm đến với ngành Dù cũng thật tình cờ. Sau khi tốt nghiệp Khoa Dẫn đường, Trường Sĩ quan Không quân, anh được tuyển chọn đi đào tạo chuyển loại giáo viên Dù. Cảm giác về chuyến nhảy dù đầu tiên từ máy bay AH-2 với loại dù Đ- 1-5Y tại bãi ven sông Hồng, đến giờ anh vẫn nhớ như in: Một chút sợ hãi, một chút hồi hộp đan xen, huyết áp tăng, tim đập nhanh muốn vỡ cả lồng ngực. Rồi anh cũng tự tin bước ra cửa máy bay đếm thời gian và mở mắt đợi dù mở. Một cảm giác trong veo, vỡ òa vì sung sướng, bao nhiêu lo âu hồi hộp bay đâu hết. Chuyến nhảy dù đầu tiên suôn sẻ chính là bước khơi đầu để anh trở thành sĩ quan dù và gắn bó cả cuộc đời mình với ngành Dù - TKCN đường không.

Bằng kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp huấn luyện nhảy dù cho các phi công quân sự; Thượng tá Vũ Văn Sâm trải lòng, ngoài việc nâng cao thể lực, rèn luyện sức bền; ngành Dù luôn chú trọng rèn luyện bản lĩnh tâm lý, sự thận trọng, quyết đoán, bình tĩnh trong xử lý tình huống cho các học viên. Bởi lẽ, nếu không đủ tự tin, không giữ được tâm lý ổn định, đứng trước cửa máy bay mở rộng, họ sẽ không đủ sức khắc phục cảm giác sợ hãi. Và tất nhiên, trong trạng thái ấy, nơi họ trở về mặt đất không phải là dưới vòm dù, mà là trong khoang hành khách khi máy bay hạ cánh. Một điều nữa, nhảy dù là một khoa mục khá nguy hiểm. Nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra ở tất cả các giai đoạn: Trong lớp học, trong khu huấn luyện, khi gấp dù, ở sân bay, ở trên không, trong lúc nhảy và sau khi tiếp đất. Bởi vậy, để bảo đảm các yếu tố an toàn trong huấn luyện, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học viên Dù - TKCN, học viên phi công quân sự tương lai… đều phải tuân thủ nghiêm kỷ luật của Quân đội, mệnh lệnh của cấp trên.

Đối với đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên ngành Dù của Quân chủng, bên cạnh những tiêu chuẩn chung của người làm công tác trên không, họ đều có bản lĩnh, quyết đoán, nắm chắc kiến thức về Dù - TKCN, hiểu biết về tâm lý và có kỹ năng truyền đạt kiến thức một cách tự tin. Không chỉ truyền cảm hứng, niềm đam mê; mà ngay từ ban đầu, họ biết tạo cho học viên có niềm tin tuyệt đối vào hoạt động của các loại dù và các trang bị khác. Trong quá trình huâń luyêṇ , luôn bảo đảm đúng quy trình từ thấp đến cao, từ dễđến khó, từ giản đơn đến phức tạp. Ngoài việc nắm vững lý thuyết (cả dù huấn luyện và dù cấp cứu); các học viên đều được huấn luyện kỹ các bước nhảy dù, chuẩn bị đầy đủ các trang bị như: mũ, quần, áo, giày, găng tay… Đặc biệt, họ được huấn luyện và luyện tập thuần thục các động tác xử lý bất trắc trên không cũng như mặt đất; giúp phi công quân sự khi gặp tình huống bất trắc phải thoát hiểm rời khỏi máy bay sẽ biết cách xử lý chính xác, thành công, bảo đảm an toàn cho mình và đồng đội.

Cùng chúng tôi chứng kiến từng tốp học viên phi công lần lượt rời cửa máy bay, bung những cánh dù muôn sắc trên không trung rồi nhẹ nhàng tiếp đất an toàn; Thiếu tá Phạm Thanh Lương - Chủ nhiệm Dù, Trung đoàn 935, Sư đoàn 370, bộc bạch: “Để có được những giây phút bung dù ngoạn mục như những bông hoa trên bầu trời thế kia, cả thầy và trò đều phải nỗ lực nhiều lắm đấy. Thầy không chỉ làm mẫu chuẩn, mà còn phải thường xuyên kiểm tra, uốn nắn tỉ mỉ từng động tác cho các học viên. Bất cứ một sai sót nhỏ nào cũng có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Còn đối với các học viên và phi công quân sự, họ phải thường xuyên ôn luyện để nắm chắc lý thuyết liên quan đến loại dù mình nhảy. Rồi phải huấn luyện thuần thục ở mặt đất với các động tác như: Ra máy bay, lái dù trên không, tiếp đất và phải đủ điều kiện về sức khỏe mới được tham gia thực hành nhảy dù”. Đại tá Hà Việt Cường - Chính ủy Trung đoàn 916, Sư đoàn 371, nhớ lại: “Chuyến nhảy dù đầu tiên, ai cũng có chút hồi hộp xen lẫn âu lo. Nhưng đến chuyến thứ 2, thứ 3, chúng tôi nhanh chóng làm chủ được các thao tác để tiếp đất an toàn. Cảm giác bay bổng trên bầu trời quả thực rất tuyệt”. Còn Trung tá Nguyễn Trường Nam - Phó Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 923, Sư đoàn 371, thì bộc bạch: “Mặc dù đã được tập luyện và chuẩn bị tâm lý “bung dù” rất kỹ, thế nhưng khi ở trên trực thăng với độ cao 1.000m, nhìn ra khoảng không bao la trước mặt và đối diện với những luồng gió tạt mạnh, thật sự tôi cũng hơi “khớp”. Tuy nhiên, sau khi bình tĩnh làm đúng hướng dẫn của thầy thì lại được đền đáp xứng đáng. Cảm giác lâng lâng bay bổng giữa trời xanh, mây trắng thật sự rất khó quên”.

Thực hành tốt khoa mục nhảy dù chính là điều kiện giúp các phi công quân sự tăng cường thể lực, rèn luyện tác phong thận trọng, tỉ mỉ; xây dựng bản lĩnh vững vàng, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách để gắn bó suốt đời với nghề phi công quân sự”.

>>> Kỳ cuối: Nhảy dù - đam mê và trách nhiệm

QUỲNH VÂN

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website