Kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam 28-6:
Bữa cơm cuối tuần - nơi gắn kết yêu thương
Vào trưa thứ Bảy cuối tuần, chợ Bãi Đá, thị xã Sơn Tây, Hà Nội - nơi có Trung đoàn 916, Sư đoàn 371 đứng chân dường như có phần nhộn nhịp bán mua hơn bởi những người lính nơi đây khi được về phép, tranh thủ thường ghé qua chợ mua thêm con gà, con cá, mớ rau… về cho vợ con chuẩn bị bữa cơm cuối tuần.
Trung tá Phạm Hồng Kiên - Phó Phi đội trưởng Phi đội 2, chia sẻ: “Gà đồi Sơn Tây là ngon nhất đấy chị ạ! Lũ trẻ nhà em thích lắm. Hầu như cuối tuần nào được nghỉ tranh thủ em cũng mua về cho mẹ con cu tí thưởng thức”. Trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió phi trường của người lính bay ăm ắp niềm hạnh phúc. Vừa đón túi quà trên tay bố, bé Phạm Minh Dũng - Con trai lớn của Kiên và vợ là Chử Thị Hồng Minh vừa liến thoắng kể chuyện đi học, chuyện đi bơi của mình và cậu em trai cho bố nghe. Trong khi ba bố con ríu ran đủ thứ chuyện trong những ngày bố đi công tác vắng thì mẹ Minh khẩn trương vào bếp chuẩn bị bữa cơm trưa với những món “đặc sản” mà bố mang về. Và bữa cơm thịnh soạn được dọn lên với sự khéo léo của mẹ và sự giúp sức tích cực của cả 3 bố con. Suốt cả bữa cơm là tiếng chuyện trò rôm rả của cha con, vợ chồng về chuyện nhà, chuyện con cái học hành, sức khỏe của ông bà đôi bên…
Với Thượng úy CN Đoàn Mạnh Hùng - Phi công Phi đội Po-6, Ban Giáo dục Quốc phòng (Bộ Tham mưu), do đơn vị đóng quân xa nhà 50km, nhà có hai cậu con trai đang tuổi ăn tuổi lớn, nội ngoại đều ở xa nên mọi việc lớn bé trong nhà đều cậy nhờ cả vào đôi vai của người vợ Nguyễn Hồng Luyến. Thêm nữa, đặc thù công việc của vợ anh rất bận rộn và khắt khe về thời gian. Thấu hiểu được nỗi vất vả của vợ, vì thế mỗi lần được nghỉ vào ngày cuối tuần anh lại tranh thủ tối đa thời gian dọn dẹp nhà cửa giúp vợ, lo cơm nước, kèm thêm bài vở cho các con khi vợ bận để gánh bớt phần nào sự vất vả cho người bạn đời. Hùng bảo: “Có trực tiếp chăm nom chuyện ăn, ngủ, học hành của con mới thấy ở nhà vợ vất vả tới nhường nào, bởi vừa lo việc cơ quan, vừa lo con cái ăn học. Nhưng vì nhiệm vụ, chúng tôi chỉ biết bù đắp cho vợ con bằng sự quan tâm, hỏi han và động viên thường xuyên mong cả nhà nỗ lực vượt qua mọi khó khăn”.
Đối với Trung tá Phạm Hồng Kiên, Thượng úy CN Đoàn Mạnh Hùng cũng như nhiều quân nhân khác trong Quân chủng; được trở về sum vầy với cha mẹ, vợ con vào ngày cuối tuần luôn là khoảnh khắc quý giá mà những người lính PK-KQ luôn mong chờ. Dịp đó, trong những căn nhà bé nhỏ của những người lính áo xanh dường như nhộn nhịp hơn, ấm áp hơn bởi sự hiện diện đầy đủ của các thành viên trong bữa cơm gia đình.
Gia đình ấm no, bình đẳng là điểm tựa để mỗi thành viên gặt hái được những thành công trong cuộc sống và sự nghiệp. Trong đó, mỗi bữa cơm gia đình là “sợi chỉ hồng” xuyên suốt, gắn kết các thành viên cùng chia sẻ ngọt bùi trong cuộc sống thường nhật, là nơi giữ lửa yêu thương. Và thông qua bữa cơm còn thể hiện nét đẹp trong văn hóa giao tiếp và ứng xử, khi đó những đứa trẻ sẽ được người lớn hướng dẫn những lễ nghi cơ bản như thế nào là “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, thế nào là “học ăn, học nói, học gói, học mở”… Không chỉ vậy, khi quây quần bên mâm cơm, các thành viên còn nhường nhau từng miếng ngon thể hiện sự quan tâm, thân thiết và ấm cúng của gia đình.
Nếu những gia đình khác, sau một ngày lao động mệt nhọc họ được trở về quây quần bên mâm cơm gia đình thì với những người lính PK-KQ quanh năm bám sân bay, trận địa thực hiện nhiệm vụ canh trời Tổ quốc, thì thời gian họ gắn bó với đơn vị, với đồng đội nhiều hơn thời gian được gần gũi vợ con. Chính vì vậy, họ luôn trân quý từng phút giây được về bên tổ ấm của mình. Những bữa cơm ấy là dịp họ được quây quần với người thân sau một thời gian xa cách, sau những ngày làm nhiệm vụ vất vả trên khắp nẻo đường. Được cùng cha mẹ, vợ con ngồi thưởng thức những món ngon và nghe con kể chuyện học hành, nghe vợ giãi bày chuyện công việc… thực sự là niềm hạnh phúc lớn lao của những người lính áo xanh. Từ đó tiếp thêm sức mạnh, động lực để những người lính canh trời phấn đấu vươn lên bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.
NGỌC SƠN