Sư đoàn 377 nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị
Đóng quân phân tán, có nhiều đơn vị ở đảo xa, đội ngũ cán bộ thiếu, điều kiện ăn ở, sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn… song sau 5 năm thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị cơ sở trong giai đoạn mới” (Đề án), Sư đoàn 377 đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục chính trị ở đơn vị.
Giới thiệu truyền thống cho ĐVTN đơn vị và chi đoàn kết nghĩa tại Trung đoàn 274, Sư đoàn 377.Làm chuyển biến nhận thức từ đội ngũ cán bộ
Theo Thượng tá Vũ Cao Thép - Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn, để nâng cao chất lượng thực hiện Đề án thì trước hết phải làm thay đổi từ nhận thức đến hành động của đội ngũ cán bộ các cấp. Từ trước tới nay vẫn còn một số quan niệm cho rằng công tác tư tưởng, giáo dục chính trị là của cán bộ chính trị nên một số đơn vị không phát huy hết khả năng của các tổ chức, cá nhân. Chính vì thế lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Sư đoàn đã thường xuyên quán triệt, giáo dục làm thay đổi nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ nhất là cán bộ chủ trì: công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy và mọi tổ chức, cá nhân trong đơn vị, trong đó cán bộ chính trị là lực lượng chính. Bên cạnh đó, cán bộ giảng dạy chính trị thường xuyên được kiện toàn, bồi dưỡng theo phân cấp. Ngoài lực lượng cán bộ chính trị làm công tác giảng dạy, lên lớp thì tùy từng cơ quan, đơn vị có thể phân công cán bộ quân sự, cán bộ đoàn làm giáo viên giảng bài chính trị. Sư đoàn có các phân đội đóng quân độc lập, có nhiều đơn vị ở đảo xa; cán bộ thiếu, đại đa số các trạm ra đa, đại đội không có chính trị viên phó…, song nhờ nhận thức đúng, bố trí cán bộ hợp lý nên hoạt động giảng dạy, giáo dục chính trị luôn bám sát kế hoạch, yêu cầu nhiệm vụ, đơn vị ổn định về chính trị, tư tưởng.
Xác định trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt về phương pháp
Để thực hiện tốt Đề án, từng đơn vị đã xác định rõ trọng tâm đổi mới như: Trung đoàn 274 làm điểm về đổi mới hình thức giáo dục chính trị cho hạ sĩ quan, binh sĩ; Trung đoàn 292 làm điểm đổi mới về sinh hoạt chính trị tinh thần; Trung đoàn 591 làm điểm về thông báo thời sự, đọc báo, xem truyền hình… Trong 6 hình thức giáo dục chính trị thì Sư đoàn xác định hình thức học tập chính trị là cơ bản nhất. Trong đó chú trọng công tác chuẩn bị giáo án và phương pháp lên lớp của giáo viên. Đội ngũ giáo viên phải chuẩn bị kỹ giáo án viết tay và giáo án điện tử. Yêu cầu đối với các đơn vị, ngoài việc kiểm tra chất lượng bài giảng qua hội thi, hội thao, kiểm tra tháng, quý thì các tổ giáo viên chính trị hàng tuần phải lập kế hoạch và thông qua bài giảng, báo cáo chính ủy sư đoàn hoặc chính ủy trung đoàn phê duyệt. Khi giảng bài các đơn vị chú trọng việc gợi mở, đối thoại kết hợp với sơ đồ bài giảng, trình chiếu những nội dung, hình ảnh minh họa để kích thích tính tìm tòi, khám phá, chủ động cho người học, tránh việc đọc ghi nhàm chán. Kết hợp giữa lên lớp chính trị với hoạt động giáo dục trực quan, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao… Những đơn vị chưa được trang bị máy chiếu thì có sáng kiến nối máy tính với màn hình ti vi để trình chiếu giảng bài giáo án điện tử. Đặc biệt các giáo viên, cán bộ chính trị đã chú trọng việc liên hệ thực tiễn, định hướng tư tưởng trong mỗi bài giảng và thông báo thời sự cho các đối tượng.
Trung tá Đỗ Văn Điển - Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn trải lòng: “Chúng tôi luôn trăn trở xác định nội dung trọng tâm nào, liên hệ với thực tiễn đơn vị ra sao; trình chiếu hình ảnh minh họa nào cho phù hợp, cho bộ đội ghi nội dung gì. Chính vì thế việc chuẩn bị giáo án, các nội dung sinh hoạt, tuyên truyền, giáo dục luôn được cán bộ chính trị chú trọng đầu tư về nội dung và phương pháp…”.
Còn Trung tá Vũ Thiện - Chính ủy Trung đoàn 274 thì chia sẻ: “Phải vận dụng các hình thức giáo dục chính trị linh hoạt sát với từng đối tượng, từng đơn vị; cán bộ phải thường xuyên học tập nâng cao kiến thức toàn diện, thường xuyên cập nhật thông tin quân sự, chính trị, xã hội để liên hệ, vận dụng cho sát thực tiễn, đảm bảo tính thời sự…”.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, trong quá trình thực hiện Đề án của Sư đoàn 377, các đơn vị vẫn còn một số bất cập: phương tiện trình chiếu cho các đơn vị còn thiếu (mới được trên đảm bảo 13/34 đầu mối); việc thành lập tổ giảng dạy chuyên sâu chưa thực hiện được do thiếu cán bộ chính trị, cán bộ được bồi dưỡng chuyên sâu như báo cáo viên, nghiên cứu các chuyên đề sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp còn ít; hình thức học tập chính trị qua mạng nội bộ chưa thể thực hiện được ở đơn vị do chưa được trang bị đồng bộ hệ thống máy tính, mạng internet; các đơn vị chưa xác định được nội dung học tập qua mạng máy tính nội bộ như thế nào, phương pháp ra sao, áp dụng cho đơn vị thế nào…
Để khắc phục những tồn tại, bất cập trên đòi hỏi các ngành phải quan tâm vào cuộc, đầu tư đồng bộ cùng với sự nỗ lực tâm huyết của đội ngũ cán bộ. Đây là những cơ sở để Sư đoàn 377 bổ sung, hoàn thiện thực hiện Đề án và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, chính trị tư tưởng, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Bài, ảnh: LÊ HỮU LỆ