7 giờ:49 phút Thứ tư, ngày 29 tháng 8 , 2018

Trọn nghĩa, vẹn tình

Chúng tôi đến gia đình Anh hùng, liệt sĩ, phi công Đỗ Văn Lanh - nguyên Chủ nhiệm Bay Sư đoàn 371 đúng vào dịp kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2018). Trước sảnh ngôi nhà nằm trên phố Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Lâm - vợ Liệt sĩ Đỗ Văn Lanh đang chuẩn bị cho bữa cơm gia đình.

Thấy chúng tôi, bà đon đả:

- Mời các cháu vào trong nhà. Bác đang chuẩn bị mâm cơm để tối các con, cháu về thắp hương cho ông…

Sau khi thắp nén nhang thơm kính cẩn trước anh linh người anh hùng, liệt sĩ Đỗ Văn Lanh, chúng tôi được bà Lâm mời xuống phòng khách uống nước. Đưa chén trà thơm cho chúng tôi, bà ân cần hỏi thăm về công việc, về cuộc sống, gia đình… Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về tình yêu ông bà đã dành cho nhau như thế nào, thì những ký ức của hơn 40 năm về trước lại hiển hiện về trong đôi mắt sâu thẳm nỗi nhớ thương người chồng thân yêu…

Trọn nghĩa, vẹn tình
Bà Nguyễn Thị Lâm bên những tấm ảnh lưu giữ kỷ niệm của hai vợ chồng.

Bà kể, ông với bà là người cùng làng Cam Giá, Ninh Khánh, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Ông hơn bà 4 tuổi (ông sinh năm 1948, bà sinh năm 1952). Ông nhập ngũ năm 1965. Sau khi nhập ngũ, ông được chọn đi học lái máy bay MiG17 ở Trường Không quân Tường Vân, Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp về nước, ông được biên chế về Trung đoàn 923, Sư đoàn 371. Năm 1970, ông cùng một số phi công xuất sắc của Trung đoàn 923 được chọn chuyển loại lên máy bay MiG-21 và được biên chế về Trung đoàn 921. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông đã xuất kích nhiều lần trên cả hai loại máy bay MiG-17 và MiG-21, đã bắn rơi 6 máy bay Mỹ. Ngày 11-1-1973, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Còn về phần bà, năm 1970, bà vào học Trường Trung cấp Quân giới (nay là Trường Cao đẳng Công nghiệp Quốc phòng thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng). Sau khi tốt nghiệp, bà được điều về Xưởng Sửa chữa pháo 1 (tiền thân của Nhà máy Z125 ngày nay). Năm 1973, trong dịp về thăm gia đình, bà tình cờ gặp ông đúng vào hôm ông được địa phương đón về gặp mặt và nói chuyện thành tích khi ông vừa được phong anh hùng. Câu chuyện về những chiến công, những trận đánh xuất sắc, những tình huống xử lý bất trắc trên không mà ông trực tiếp tham gia đã làm cho trái tim người thiếu nữ rung động và khâm phục người phi công trẻ tài hoa. Sau buổi nói chuyện, ông bà mới có thời gian gặp nhau, biết bà là người cùng làng, cùng bộ đội lại đang công tác gần đơn vị ông nên trong chuyến đi trở về đơn vị, bà được ông cho đi nhờ xe. Câu chuyện qua lại trên chiếc xe Commăng-ca đã làm cho ông bà thêm hiểu nhau hơn, rồi như định mệnh đã sắp đặt, tình cảm của hai người được nhen nhóm từ buổi đầu gặp gỡ.

Mặc dù đang trong thời điểm chiến tranh ác liệt, điều kiện đi lại và phương tiện rất khó khăn, nhưng những lúc rảnh rỗi, ông lại đi bộ hơn 10 cây số đến thăm bà. Hôm nào mượn được chiếc xe đạp của anh em trong đơn vị, ông đưa bà đi thăm bạn bè và thăm thú một số nơi… Và rồi tình yêu của ông bà cứ lớn dần theo năm tháng.

Yêu nhau được hơn 2 năm thì tháng 10-1975, ông bà quyết định xây dựng hạnh phúc gia đình. Đám cưới được tổ chức trong thời điểm đất nước vừa trải qua những ngày bom đạn ác liệt, nên cũng thật giản dị, đạm bạc. Tiệc cưới đơn sơ gồm: bánh kẹo, trà xanh, thuốc lá… chú rể mặc quân phục, cô dâu áo trắng, quần lụa đen. Nhưng bù vào sự thiếu thốn, đạm bạc ấy là tình người sâu đậm nơi miền quê nghèo cùng niềm hạnh phúc, mãn nguyện của gia đình và đôi bạn trẻ.

Cưới nhau được hơn một năm thì niềm hạnh phúc vô bờ khi ông bà sinh được cô con gái đầu lòng đặt tên là Hằng và chỉ 2 năm sau, niềm hạnh phúc được nhân đôi khi ông bà sinh được cậu con trai đặt tên là Hải. Mặc dù trong điều kiện kinh tế thời bao cấp khó khăn, vất vả, đồng lương của hai người phải tằn tiện mới trang trải được cuộc sống. Nhà cửa, đất đai chưa có, phải mượn căn phòng tập thể nơi đơn vị bà công tác, nhưng vợ chồng ông bà luôn sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ để tổ ấm nhỏ luôn có tiếng cười hạnh phúc. Tuy nhiên, hạnh phúc của ông bà thật ngắn ngủi khi ngày 9-7-1980, ông đã hi sinh trong chuyến bay huấn luyện trên vùng trời Thái Nguyên. Khi nghe tin ông hi sinh, đất trời như sụp đổ trước mắt bà. Bà thẫn thờ như người mất hồn, cú sốc quá lớn khiến bà chỉ biết khóc ròng không nói nên lời rồi qụy ngã bên di ảnh của chồng. Biến cố xảy ra quá bất ngờ với bà, đó là những tháng ngày đằng đẵng tưởng chừng như không qua nổi. Nhưng rồi nhìn 2 đứa con thơ dại đang cần có chỗ dựa, bà đã cố gắng kìm nén nỗi đau, tự nhủ lòng mình điều tốt nhất làm cho ông yên lòng là phải cố gắng thay ông nuôi dạy con khôn lớn.

Khó có thể kể hết những nhọc nhằn của người vợ liệt sĩ trong suốt bao tháng ngày một mình gồng gánh nuôi hai đứa con thơ khôn lớn. Nhưng bù lại, các con của bà luôn chăm ngoan, học giỏi. Và giờ đây, người con gái của bà sau khi tốt nghiệp đại học được tuyển dụng vào Quân chủng PK-KQ và đã trở thành nữ sĩ quan đang công tác tại Cục Kỹ thuật. Người con trai của bà đã nối nghiệp cha, trở thành phi công quân sự, hiện đang công tác tại Bộ Tham mưu. Các con của bà đều yên bề gia thất, con dâu, con rể của bà đều là bộ đội…

Đã hơn 38 năm kể từ ngày ông mất, bà vẫn giữ trọn lời thề thủy chung, son sắt, ở vậy thờ chồng, nuôi con. Những khi lật giở những bức ảnh về người chồng thân yêu, trong mắt bà lại rưng rưng ngấn lệ. Hình ảnh những tháng năm gắn bó bên nhau lại ùa về trong tâm trí bà, tình nghĩa vợ chồng nặng hơn tri kỷ, chỉ đong đầy lên theo năm tháng, sẽ mãi mãi không phai mờ. Chia tay bà khi cái nắng thu đã đứng bóng, trong chúng tôi lại trào dâng sự khâm phục về hình ảnh một người mẹ, người vợ đã hi sinh cả cuộc đời mình để sống “trọn nghĩa, vẹn tình”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG BÌNH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website