Trung đoàn Pháp cao xạ 367:
Góp phần to lớn vào chiến thắng Điện Biên Phủ
Trung đoàn Pháo cao xạ 367 (đơn vị tiền thân của Sư đoàn 367 ngày nay) là trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội ta, được thành lập ngày 1 tháng 4 năm 1953. Trung đoàn gồm có 6 tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm, mỗi tiểu đoàn có 3 đại đội được biên chế 12 khẩu pháo 37mm và 1 đại đội súng máy phòng không 12,7mm. Trung đoàn đã chiến đấu anh dũng và lập chiến công xuất sắc, góp phần to lớn vào chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Kỳ tích kéo pháo bằng tay
Sau hơn 7 tháng huấn luyện tại Tân Dương, Trung Quốc, ngày 24 tháng 11 năm 1953, Trung đoàn tổ chức lễ xuất quân 2 Tiểu đoàn 383, 394 và Đại đội 834 về nước tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thực hiện phương châm ban đầu của chiến dịch là “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”, sau 9 đêm kéo pháo ròng rã đầy khó khăn gian khổ, đến đêm ngày 25 tháng 1 năm 1954, tất cả các khẩu pháo cao xạ đã nằm trên đường vào trận địa. Ngày 25 tháng 1 năm 1954, Trung đoàn 367 nhận được lệnh hoãn tiến công. Các đơn vị cho kéo pháo trở lại vị trí cũ.
Kéo pháo vào đã khó, kéo pháo ra càng khó khăn hơn bội phần. Phát hiện ra con đường kéo pháo của ta, các loại máy bay, đại bác của địch luân phiên nhau chỉ điểm, bắn phá, ném bom na-pan. Nêu cao tinh thần “thà chết không rời pháo”, “dù bom rơi đạn nổ vẫn bảo vệ pháo đến cùng” cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã vượt qua muôn vàn gian khổ và hi sinh để đưa pháo về điểm tập kết. Tiêu biểu cho tinh thần bất khuất của Bộ đội Pháo cao xạ trong đợt kéo pháo bằng tay là tấm gương hi sinh anh dũng để cứu pháo của Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện. Rạng sáng ngày 4 tháng 2 năm 1954, đợt kéo pháo bằng tay trong Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Đây là sự kiện lịch sử phi thường, đầy gian lao thử thách, hi sinh nhưng cũng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Bội đội Pháo cao xạ Việt Nam.
Trung đoàn Pháo Cao xạ 367 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh Tư liệu)
Nỗi khiếp sợ của không quân địch
Thực hiện phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”, nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của Trung đoàn 367 là mở đường cơ động, tiếp tế đạn dược và làm công sự, hầm hào, giữ bí mật cho trận đánh mở màn chiến dịch.
16 giờ 30 phút, ngày 13 tháng 3 năm 1954, toàn bộ lực lượng phòng không được lệnh vào cấp 1. Ngay từ những loạt đạn pháo đầu, nhiều hầm hào, vũ khí, lực lượng, phương tiện của địch đã bị phá hủy, kho xăng bốc cháy. 5 máy bay địch đậu trên sân bay Mường Thanh bị phá hủy. Được sự yểm trợ kịp thời và hiệu quả của Bộ đội Pháo cao xạ, đội hình chiến đấu của bộ đội pháo binh, bộ binh được bảo đảm an toàn. Sau 4 giờ liên tục tiến công, cụm cứ điểm Him Lam đã bị tiêu diệt.
8 giờ sáng ngày 14 tháng 3 năm 1954, một chiếc máy bay trinh sát Mo-ran xuất hiện trên vùng trời Mường Thanh. Khi máy bay địch cách trận địa Đại đội 815, Tiểu đoàn 383 khoảng 1000m, cả 4 khẩu đội pháo 37mm đồng loạt bắn một điểm xạ. Chiếc máy bay trinh sát của địch bốc cháy rồi lao xuống cửa rừng bản Nà Lời giữa tiếng reo hò vang dội của toàn thể bộ đội, dân công trên mặt trận. Đây là chiếc máy bay địch đầu tiên bị Trung đoàn 367 bắn rơi tại chỗ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Phát huy chiến công đầu, trong đợt 1 của chiến dịch, Trung đoàn 367 đã bắn rơi 14 máy bay các loại, bắn bị thương 25 chiếc khác. Chiến thắng lớn của Trung đoàn đã hạn chế hoạt động của không quân địch, tích cực chi viện, bảo vệ cho các binh chủng bạn hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu. Tại Hội nghị tổng kết đợt một, Bộ chỉ huy chiến dịch đã biểu dương “Bộ đội pháo cao xạ trẻ tuổi anh dũng tuyệt vời, lần đầu ra trận đã đánh thắng vẻ vang”.
Để tăng cường lực lượng, bảo đảm “Đánh chắc, tiến chắc” ở Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định điều 4 tiểu đoàn còn lại và cơ quan Trung đoàn 367 rời Tân Dương về tham gia chiến đấu tại mặt trận Điện Biên Phủ.
Đợt hai và đợt ba của chiến dịch, nhiệm vụ của Bộ đội Pháo cao xạ là yểm trợ bộ binh chiến đấu cả ngày lẫn đêm, thu hẹp phạm vi hoạt động của máy bay địch, hạn chế tiến tới triệt hẳn đường tiếp tế hàng không của chúng.
Thực hiện nhiệm vụ trên, các Đại đội súng máy cao xạ 818, 830, 384... xuống cánh đồng Mường Thanh, áp sát các cứ điểm địch để đón đánh các máy bay vận tải buộc chúng phải bay lên cao, thả dù không chính xác, tạo điều kiện cho quân ta đoạt dù tiếp tế của chúng.
Được Mỹ tăng cường tiếp viện, không quân Pháp mở nhiều đợt tiến công, mỗi đợt từ 16 đến 20 chiếc, đánh phá vào các trận địa của quân ta. Cùng với bộ binh, pháo binh, bộ đội phòng không đã chủ động, linh hoạt tiêu diệt nhiều máy bay, yểm trợ đắc lực cho các lực lượng hợp thành vây lấn, tiêu diệt địch.
Trải qua 55 ngày đêm chiến đấu, Trung đoàn 367 đã bắn rơi 52 máy bay, gồm 9 kiểu loại, bắn bị thương 117 chiếc khác. Những chiến công xuất sắc của trung đoàn đã góp phần to lớn vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Ngày 16 tháng 12 năm 2014, Chủ tịch Nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Trung đoàn Pháo cao xạ 367 vì đã có thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược.
CÔNG GIANG (Theo Lịch sử Sư đoàn 367)