Trận đánh đặc biệt của bộ đội Tên lửa
Đã qua tuổi 90, nhưng dường như thời gian vẫn không làm phai nhạt kí ức của Đại tá Nguyễn Bắc - nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không, nhất là những ký ức về trận đánh ngày 17-10-1965 khi ông là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 82, Trung đoàn 238. Từng mốc thời gian, từng sự kiện và chi tiết về trận đánh ông còn nhớ rất rõ.
Đại tá Nguyễn Bắc - nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không trao đổi với phóng viên
về trận đánh ngày 17-10-1965 của Tiểu đoàn 82, Trung đoàn 238Nhận lệnh của trên, tháng 10-1965, Tiểu đoàn 82 triển khai trận địa sẵn sàng chiến đấu tại Sân bay Chũ thuộc huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Đến ngày 15-10-1965, trận địa phục vụ chiến đấu tại Chũ đã sẵn sàng. Để bảo vệ Tiểu đoàn, trên đã bố trí 1 Tiểu đoàn pháo cao xạ, gồm 1 đại đội pháo 57mm, 2 đại đội 37mm và trung đội súng máy 14,5mm.
Được Trung đoàn phê chuẩn quyết tâm chiến đấu, Tiểu đoàn 82 đã họp bàn chuẩn bị thật tốt về tư tưởng và tổ chức, tăng cường củng cố công sự, ngụy trang trận địa. Chuyên gia bạn và ta tổ chức kiểm tra định kỳ khí tài, bảo đảm tốt các thông số kỹ thuật đạn tên lửa, tổ chức hiệp đồng luyện tập chiến đấu tên lửa - cao xạ, hiệp đồng chiến đấu với Đoàn 305 bộ binh và các lực lượng vũ trang địa phương.
Lúc 10 giờ 21 phút ngày 17-10-1965, nhiều tốp máy bay địch xuất hiện trên hướng Đông. Trung đoàn lệnh cho Tiểu đoàn chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu và cho tiêu diệt tốp 03 ở phương vị 140 (hướng Đông Nam), độ cao 7000m. Tiểu đoàn nhanh chóng mở máy và phát hiện trên màn hiện sóng tốp mục tiêu từ hướng Đông bay vào; địch áp dụng nhiều thủ đoạn chiến thuật như kết hợp 2 loại máy bay là F-4 và máy bay A-4 nghi binh từ nhiều hướng, hạ thấp độ cao từ 7000m xuống 2000m làm cho màn hiện sóng mất mục tiêu rồi bất ngờ tách ra thành nhiều hướng, từ Tây Bắc và hướng Nam vào đánh phá trận địa. 1 máy bay F- 4 từ hướng Tây Bắc chưa kịp bổ nhào cắt bom đã bị 2 loạt đạn 57mm của Đại đội 1 pháo cao xạ bắn hạ, 2 giặc lái Mỹ nhảy dù (1 bị chết, 1 bị ta bắt). Trước sự đánh trả mãnh liệt của các lực lượng pháo cao xạ, các máy bay đã vội ném bom bừa bãi xuống các cánh đồng rồi bay ra hướng biển. Đợt oanh tạc của địch cũng làm ta bị thương 7 chiến sĩ tên lửa, cao xạ và 1 chuyên gia Liên Xô. Lửa cháy tại các giàn ngụy trang mù mịt. Do có sự hiệp đồng tốt, quân và dân địa phương đã dũng cảm dập lửa, cứu đạn... nên chỉ sau hơn một giờ đồng hồ việc khôi phục trận địa, sửa chữa củng cố khí tài, cứu chữa thương binh đã hoàn tất.
Đến 11 giờ 59 phút, Tiểu đoàn lại báo động cấp 1, có nhiều máy bay địch xuất hiện từ hướng biển. Chúng tưởng những bệ phóng tên lửa ở Chũ đã bị tiêu diệt nên rất chủ quan, bay thẳng vào trận địa với đội hình mật tập.
Vào vùng phóng, Tiểu đoàn 82 bằng 2 quả đạn ở cự ly 25km, đã tiêu diệt được một tốp máy bay địch. Đến 14 giờ cùng ngày, Trung đoàn thông báo: “2 máy bay thuộc Hải quân Mỹ bị Tiểu đoàn 82 bắn rơi ở Lục Ngạn và Sơn Động. Giặc lái đều bị bắt sống”. Trận đánh này kết thúc sau 15 phút chuẩn bị và 1 phút phóng đạn, diệt mục tiêu.
Đại tá Nguyễn Bắc khẳng định: Nhìn lại trận đánh ngày 17-10-1965 của Tiểu đoàn 82 tại trận địa Chũ thì sẽ là một trận đánh bình thường như các trận đánh khác của Bộ đội Tên lửa, nếu như không có những sự kiện đặc biệt. Trước tiên phải nói tới quyết tâm rất cao của hai bên đối với trận địa Chũ. Tên lửa Việt Nam bất ngờ xuất hiện trong trận đánh đầu tiên vào ngày 24-7-1965 đã làm cho Không quân Mỹ hoàn toàn bị động, lúng túng. Sau trận đánh đó, chúng mở cuộc hành quân “bàn tay sắt” để trả đũa, hủy diệt các bệ phóng tên lửa của ta nhưng cơ bản là thất bại. Máy bay Mỹ vẫn bị bắn rơi. Giặc lái Mỹ thấy tên lửa ta bắn lên thường vội vàng cơ động máy bay trốn chạy hoặc nhảy dù và bị bắt sống. Sau 2 tháng từ trận đầu, chúng ngừng đánh phá và nghiên cứu xong một chiến thuật mới. Lầu Năm góc lại ra lệnh cho máy bay Không quân, Hải quân Mỹ tiếp tục mở chiến dịch “Tiến công chớp nhoáng, diệt các trận địa tên lửa phòng không”. Và trận đánh mở màn cho chiến dịch này chính là trận đánh ngày 17-10 vào trận địa Tiểu đoàn 82 ở Chũ. 8 giờ sáng hôm đó, Đô đốc
Grân-sáp, Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương hạ cánh xuống hạm tầu In-đê-pen-đơn ra lệnh cho tướng Mor mở ngay đợt tiến công “Dọn sạch những bệ phóng tên lửa ở Chũ, sau đó là những trọng điểm trên đường Kép- Lạng Sơn”. Âm mưu của chúng là phá đường sắt số 1, cắt đứt nguồn tiếp viện chiến lược, cô lập miền Bắc. Mà trở ngại chính của mục đích đó là những bệ phóng tên lửa ở Chũ.
Vậy là trận đánh ngày 17-10-1965 đã diễn ra, tuy lúc đầu ta gặp những tổn thất, nhưng kết quả cuối cùng ta đã bắn rơi máy bay địch, bắt sống và tiêu diệt nhiều giặc lái. Sau trận đánh này, Tiểu đoàn được lệnh cơ động chiến đấu trên trục đường này và đánh thắng liên tục. Ngay ngày hôm sau, ngày 18-10 tại trận địa Giỏ, Tiểu đoàn lại bắn rơi 1 máy bay không người lái tầng cao BQM34A. Bảo vệ thành công những mục tiêu quan trọng được giao.
Bích Phượng