Sư đoàn "Cận vệ đỏ" trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội tháng 12-1972
Cuối tháng 5-1972, tôi được lệnh của Quân chủng rời chiến trường Quảng Bình cấp tốc ra Hà Nội nhận nhiệm vụ Phó Tư lệnh Sư đoàn 361. Tháng 7-1972, khi đế quốc Mỹ dùng B-52 đánh phá ác liệt ở chiến trường Quảng Trị và các tỉnh Khu 4, theo chỉ thị của Quân chủng, Sư đoàn phòng không Hà Nội tiến hành làm phương án đánh B-52 lần thứ hai.
Xác chiếc B-52 đầu tiên bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261 bắn rơi trên cánh đồng
thuộc xã Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội, lúc 20 giờ 13 phút, ngày 18-12-1972. Ảnh tư liệuĐến tháng 9-1972, khi Quân chủng có phương án đánh B-52 mới, Sư đoàn lại tiếp tục hoàn chỉnh phương án đánh B-52 lần thứ ba. Theo phương án này, hỏa lực của Sư đoàn được bố trí như sau: Trung đoàn 261 án ngữ phía tả ngạn sông Hồng; Trung đoàn 257 án ngự phía hữu ngạn sông Hồng; bốn trung đoàn pháo cao xạ chủ yếu dùng để đánh cường kích bảo vệ trực tiếp các mục tiêu quan trọng. Đội hình các tiểu đoàn tên lửa được điều chỉnh với nguyên tắc mỗi trung đoàn đều có những trận địa chốt, trận địa cơ động để có thể chi viện cho nhau, sao cho trên mỗi đường bay dự kiến có B-52 vào phải có 3 đến 4 tiểu đoàn đánh vào một tốp.
Tháng 11-1972, sau khi tài liệu “Cách đánh B-52” được phổ biến xuống từng đơn vị và đoàn cán bộ của Sư đoàn đi tập huấn đánh B-52 ở Quân chủng về đều tập trung xuống các đơn vị, khẩn trương rà soát lại một lần nữa phương án đánh B-52; đi sâu về các tình huống chiến thuật, kỹ thuật, cách xác định phần tử, cách phát sóng kiểm tra, thời cơ phóng thử, phóng thật, chế độ bám sát...
Từ chiều ngày 18-12-1972, tại Sở Chỉ huy Sư đoàn không khí đã trở nên khác thường. Trước sự hồi hộp, căng thẳng... bỗng tiếng điện thoại đổ những hồi chuông dài. Tham mưu trưởng Sư đoàn Nguyễn Đình Sơn vội cầm ống nghe. Một lát anh quay ra thông báo: “Phó Tư lệnh Quân chủng Nguyễn Quang Bích lệnh cho Sư đoàn vào cấp 1 sẵn sàng chiến đấu. Đêm nay có khả năng B-52 tập kích vào Hà Nội”.
Đêm 18-12-1972, trời rét như cắt. 19 giờ 40 phút, những chiếc B-52 đầu tiên đánh phá Sân bay Hòa Lạc, Sân bay Nội Bài. Các đơn vị tên lửa Hà Nội lần đầu tiên đối mặt với B-52 đã thấy rõ ngay mình đang đứng trước một tình huống phức tạp, đầy hi sinh gian khổ đang đến gần. Nhưng lúc này, họ đều không nghĩ đến mọi sự hi sinh ấy mà chỉ nghĩ đến việc hoàn thành nhiệm vụ nặng nề mà Tổ quốc giao phó.
Khi tất cả các đơn vị tên lửa phát sóng lên bầu trời để tìm mục tiêu thì B-52 cũng không hiện ra rõ hơn mà ẩn náu trong màn nhiễu dày đặc. Nhưng làm sao có thể che mắt được các chiến sĩ tên lửa của Sư đoàn Phòng không 361. Tiểu đoàn 78 đã phân biệt được nhiễu B-52 với các dạng nhiễu khác. Ngay lập tức, họ đã quyết định phóng tiên lửa, quả tên lửa đầu tiên của Bộ đội Phòng không Hà Nội lao về phía máy bay B-52 của kẻ thù, lúc đó là 19 giờ 44 phút ngày 18-12-1972. Sau trận đánh của Tiểu đoàn 78, liên tiếp các trận đánh của các Tiểu đoàn 57, 59 , 93, 94 tạo thành một lưới lửa dày đặc như một lũy thép bảo vệ Hà Nội từ phía Bắc và Đông Bắc.
20 giờ 30 phút, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261 đã làm nên chiến công: Bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay B-52 của giặc Mỹ. Đây cũng là chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi tại chỗ đầu tiên trên khu vực Thủ đô.
Liên tiếp trong suốt 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, Sư đoàn phòng không 361 đã cùng quân và dân Thủ đô chiến đấu kiên cường dũng cảm lập nên chiến công hiển hách góp phần làm rạng rỡ thêm trang sử của dân tộc. Càng đánh, Bộ đội Tên lửa Đoàn Phòng không Hà Nội càng trưởng thành, càng lập nên những chiến công xuất sắc. Có những chiến công kỳ diệu như trận đánh đêm 21 rạng sáng 22-12-1972 của Tiểu đoàn 57, chỉ trong vòng 10 phút tiểu đoàn đã đánh liên tiếp hai trận, bắn rơi tại chỗ 2 máy bay B-52 bằng 2 quả đạn...
Trên con đường chiến đấu nhiều gian nan, thử thách nhưng cũng lắm vinh quang của tôi, 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, là những ngày tháng tươi đẹp nhất, sôi nổi nhất, để lại trong tôi những kỷ niệm sâu sắc không thể nào phai. Giờ đây, khi tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng trong sâu thẳm tâm can, tôi vẫn luôn nhớ về những chiến công oanh liệt, những đồng chí, đồng đội đã sát cánh với tôi trong những tháng năm rực lửa cách mạng; nhớ về Đoàn phòng không Hà Nội anh hùng.
CÔNG GIANG
(Ghi theo lời kể của Trung tướng Trần Nhẫn, nguyên Phó tư lệnh Đoàn Phòng không Hà Nội, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không).