6 giờ:19 phút Thứ hai, ngày 1 tháng 5 , 2017

Đại đội 816 (Tiểu đoàn 383) áp sát cứ điểm Hồng Cúm

Cuối tháng 4-1954, cùng với hệ thống giao thông hào vây quanh của bộ binh, hệ thống trận địa chiến đấu của bộ đội Cao xạ cũng hình thành thế bao quanh Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hỏa lực súng máy cao xạ đã áp sát các căn cứ buộc máy bay phải bay cao thả dù. Nhiều vũ khí, đạn dược, lương thực từ Hà Nội gửi lên chi viện cho quân Pháp nhưng lại thành tiếp tế cho quân ta. Không quân Pháp không chỉ tập trung lực lượng tối đa mà còn có sự hỗ trợ trực tiếp của máy bay Mỹ. Song, từ chỗ chiếm ưu thế trên không thì đến thời điểm này, chúng trở nên bất lực với lực lượng phòng không của ta.

Đại đội 816 (Tiểu đoàn 383) áp sát cứ điểm Hồng Cúm
Lực lượng cao xạ pháo tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ảnh tư liệu

Với máy bay thả dù tiếp tế, lúc này địch chỉ còn có thể lợi dụng trục đường từ Hồng Cúm lên Mường Thanh. Đường bay theo hướng Nam hoặc Đông Nam, bọn phi công thả dù còn đến được địch là bởi ở hướng Hồng Cúm chỉ có súng máy chưa có hỏa lực pháo cao xạ. Đối với chúng ta, đó chính là điểm sơ hở. Trước tình hình đó, Đại đội 816 (Tiểu đoàn 383) nhận lệnh phải áp sát cứ điểm Hồng Cúm tại phía Nam, phát huy hỏa lực nhằm cắt đứt hoàn toàn đường tiếp tế trên không. Nhận thức được tính chất quan trọng của nhiệm vụ, vinh dự trách nhiệm cũng nhiều mà thử thách cũng lắm; cấp trên yêu cầu đêm 26-4, toàn Đại đội phải chiếm lĩnh được trận địa an toàn.

Để đến được vị trí đã xác định là tại hướng Đông Nam bản Long Nhai, cách cụm cứ điểm Hồng Cúm 700m, Đại đội phải di chuyển đoạn đường dài khoảng 6.000m. Tuy nhiên, nó trở thành chặng đường đầy gian nan, đội hình xe pháo phải men theo chân dãy núi phía Đông Mường Thanh rồi lượn theo chân đồi 75 nhô ra đối diện sát gần đồi A1. Ta và địch đang giành nhau từng thước đất trên căn cứ then chốt này. Cuộc chiến đấu quyết liệt chưa lúc nào ngừng tiếng súng. Nơi đây, pháo Hồng Cúm, Mường Thanh đã tập trung hàng trăm trái đạn thành tuyến lửa ngăn chặn quân ta cơ động từ khu Đông xuống phía Nam Chiến dịch. Đêm đêm hễ có tiếng động là súng các cỡ từ trên cao điểm lập tức bắn xuống.

Đội hình xe pháo từ Him Lam đến Hồng Cúm phải qua “khe Chít” (“khe Chít” được mệnh danh là “cửa tử”).Yêu cầu đặt ra là xe chạy trên đường gập ghềnh nhiều hố bom không được lộ tiếng động cơ. Chỉ cần một tiếng vù ga có thể vang vọng tới Mường Thanh, Hồng Cúm thì biết bao đạn súng trường, đại liên từ A1 bắn tới. Những loạt đạn đại bác súng cối sẽ chụp xuống đội hình xe pháo, khi ấy thiệt hại chẳng riêng cho đơn vị mà ảnh hưởng không nhỏ tới thành quả của cả Chiến dịch. Xe đi không đèn mò trong đêm không được tắc nghẽn. Chỉ một xe bị hỏng hoặc trục trặc phải dừng lại thì đội hình 7 xe, 4 pháo sẽ nằm trong “túi đạn”.

Đây là bài toàn khá hóc búa. Đơn vị xác định phải đảm bảo khâu kỹ thuật xe pháo và dự đoán những tình huống có thể sẽ xảy ra cũng như cách giải quyết. Không để một sai sót nhỏ xảy ra trên đường hành quân. Nhiều lần, nhiều người kiểm tra từng chi tiết xe, từng ốc vít xe mình, và lại tổ chức kiểm tra lẫn nhau trong việc xe pháo hiệp đồng. Các khẩu đội trưởng đều là những cán bộ vững vàng có kinh nghiệm, họ đã đóng góp những ý kiến sắc sảo lập thành phương án hành quân của toàn Đại đội. Các ý kiến thảo luận tập trung nhiều vào việc, khi qua “khe Chít’ thì các pháo thủ ngồi trên xe hay đi bộ hộ tống xe? Cuối cùng thống nhất ý kiến pháo thủ ngồi trên xe, khi gặp trở ngại, có khó khăn phải có lệnh mới xuống đi bộ theo xe. Cả Đại đội có quyết tâm cao và công tác chuẩn bị rất cụ thể, tỉ mỉ. Chuẩn bị cho hành quân và sẵn sàng chiến đấu cao, vừa chiến đấu, vừa chuẩn bị. Các trinh sát đã thu lượm dù trắng cắt thành từng dải nhỏ, buộc thành vệt trắng làm cọc tiêu cho lái xe nhìn làm chuẩn bám trục đường. Cán bộ, chiến sĩ thông tin bám đường, vạch rừng luồn giây chuẩn bị cho trận địa mới, đồng thời vẫn giữ được liên lạc chỉ huy tại chỗ khi chưa chuyển trận địa…

Lệnh xuất phát lúc 19 giờ 30 phút. Pháo thủ ngồi trên xe nghiêm chỉnh, Đại đội trưởng Nguyễn Cần ngồi cạnh lái xe đi đầu chỉ huy hành quân. Đoàn xe không đèn lầm lũi tiến theo con đường đã được trải dù trắng làm cọc tiêu. Khi địch bắn pháo sáng, xe lại đi nhanh hơn. Từng đoạn khó, cán bộ chỉ huy khoác dù trắng xuống xe chạy trước hướng dẫn theo tín hiệu đã thống nhất trước. Xe lăn bánh được chừng hơn 3km đã nghe loạt súng cối nổ rền trời A1. Đơn vị trợ chiến Đại đoàn 316 đã theo đúng kế hoạch hiệp đồng thực hiện nghi binh thu hút địch. Cả đoàn xe 816 thừa cơ nổ máy tăng tốc. Sau bao vất vả, hiểm nguy, đơn vị đã chiếm lĩnh xong trận địa lúc 2 giờ ngày 27-4-1954. Ngay lập tức, đơn vị đã triển khai và sẵn sàng nổ súng chặn máy bay địch theo đường bay hướng Đông Nam qua Hồng Cúm vào Mường Thanh. Và cũng ngay sáng đó, vào lúc 10 giờ ngày 27-4,  chỉ với 3 loạt điểm xạ của pháo 37mm từ trận địa Hồng Cúm đã chụp trúng một máy bay C-119 của Mỹ, một viên trúng cánh, một chùm đạn trúng khoang dù. Chiếc máy bay cố ngóc đầu lên trốn chạy trút xuống chùm dù tỏa trắng cả trận địa…

Rồi những ngày sau đó, Đại đội 816 đã chiến đấu với hiệu suất cao, góp phần không nhỏ vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954).

                   BÍCH PHƯỢNG

(Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Cần - nguyên Đại đội trưởng Đại đội 816)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website