15 giờ:32 phút Thứ ba, ngày 23 tháng 10 , 2018

An toàn thông tin thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0

Trong những năm qua hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trong Quân chủng PK-KQ được triển khai sâu rộng, hoạt động có nền nếp và đạt kết quả quan trọng. Kết cấu hạ tầng CNTT được tạo lập, bảo đảm kết nối dữ liệu đến các cơ quan, đơn vị. Các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ huy, điều hành và phục vụ cho các chuyên ngành từng bước được xây dựng, vận hành và phát huy hiệu quả. Công tác bảo mật, an toàn thông tin trên môi trường mạng CNTT đã được tập trung đầu tư, bước đầu đáp ứng yêu cầu bảo mật mạng máy tính diện rộng thông suốt.

An toàn thông tin thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0
Công nghệ thông tin được cho là cốt lõi của CMCN 4.0. Ảnh Internet

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại trong công tác bảo đảm an toàn thông tin trong Quân chủng hiện nay; đó là, hằng năm chúng ta vẫn phát hiện rất nhiều loại mã độc, nhiều phần mềm gián điệp, vẫn còn hiện tượng lộ lọt tài liệu, lộ lọt bí mật quân sự, bí mật Nhà nước. Qua kiểm tra an toàn thông tin của các cấp đã phát hiện nhiều lỗ hổng bảo mật, lỗi trong mã nguồn phần mềm; phát hiện nhiều loại mã độc, phần mềm gián điệp, dữ liệu quân sự bị thu gom. Hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng máy tính quân sự cũng phát hiện và kịp thời loại bỏ các loại mã độc lây nhiễm trong máy tính. Cơ sở hạ tầng CNTT còn nhiều bất cập; việc làm chủ các hệ thống vũ khí công nghệ cao, áp dụng CNTT vào việc chỉ huy, điều hành, điều khiển còn hạn chế. Ý thức của một số cán bộ, chiến sĩ đối với vấn đề bảo mật và an toàn thông tin còn chưa cao, trình độ nhận thức còn hạn chế; còn nhiều hiện tượng sử dụng Internet, mạng xã hội, các thiết bị lưu trữ ngoài không bảo đảm an toàn để trao đổi dữ liệu; không cài đặt các chương trình diệt vi-rút, đặc biệt là đối với các máy tính quân sự; sử dụng mạng Internet trong các khu vực trọng yếu, nhất là sử dụng wifi, D-com, 3G, 4G…

Trước những tác động của cuộc CMCN 4.0, việc xây dựng Quân chủng PK-KQ “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” đòi hỏi phải đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, trọng tâm là ứng dụng và phát triển CNTT trong chỉ huy tham mưu, chỉ đạo điều hành, quản lý, đào tạo, sản xuất quốc phòng, hiện đại hóa VKTBKT, trong đó phải gắn liền với việc bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin. Để thực hiện tốt các yêu cầu trên, các cấp cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ chủ trì các cấp về tầm quan trọng của công tác bảo mật và bảo đảm an toàn thông tin. Mặt khác, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến cho mọi quân nhân nắm vững những kiến thức cơ bản về bảo mật và bảo đảm an toàn thông tin, đưa các nội dung về bảo mật và bảo đảm an toàn thông tin vào nghị quyết lãnh đạo của tổ chức Đảng và trở thành kế hoạch, nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị; đồng thời gắn trách nhiệm của cấp ủy đảng và lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trong quản lý, thực hiện công tác an toàn thông tin.

Quân chủng PK-KQ tập trung kiện toàn tổ chức, biên chế, chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho lực lượng CNTT, an toàn thông tin. Việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề có ý nghĩa quyết định tới chất lượng, hiệu quả của việc phát triển ngành CNTT, đặc biệt cần chú ý xây dựng lực lượng chuyên sâu về an toàn thông tin, an ninh mạng. Đây là lực lượng đặc biệt, cần tuyển chọn kỹ cả về phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn, bảo đảm xử lý kịp thời các sự cố trong mọi tình huống. Cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác bảo mật và bảo đảm an toàn thông tin, gắn phát triển nguồn nhân lực với xây dựng tổ chức biên chế ngành thông tin phù hợp đặc điểm điều kiện thực tế tại các cơ quan, đơn vị. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, chỉ huy và cơ sở hạ tầng CNTT trong Quân chủng; chú trọng đầu tư, phát triển hạ tầng CNTT theo hướng tập trung, đồng bộ, hiện đại, vững chắc, đủ sức triển khai các ứng dụng tiến bộ KHCN nhằm phục vụ chỉ huy, điều hành trong mọi tình huống. Trước hết, cần đẩy mạnh việc nâng cấp và mở rộng hệ thống mạng truyền số liệu quân sự từ Quân chủng đến các cơ quan, đơn vị, nhất là các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và trên các hướng, địa bàn trọng điểm; chủ động tích hợp để hình thành mạng máy tính quân sự thống nhất, hiện đại, được kết nối vững chắc cả về bề rộng và chiều sâu theo phương châm “Làm đến đâu chắc đến đó, kết nối đến đâu bảo mật, bảo đảm an toàn đến đó”.

Cùng với đó, Quân chủng PK-KQ cần tập trung nghiên cứu, làm chủ các hệ thống CNTT điều khiển trong các tổ hợp VKTBKT công nghệ cao; phát triển CNTT nhất là các công nghệ mới và các lĩnh vực liên quan tiến tới tự sản xuất các trang bị CNTT, bảo đảm an toàn thông tin và tác chiến không gian mạng; nghiên cứu các phương pháp tác chiến mới có sử dụng CNTT; nghiên cứu giả lập, mô phỏng trong huấn luyện, diễn tập; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong công tác bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin. Thường xuyên trao đổi thông tin, kịp thời phát hiện các lỗ hổng bảo mật, các dấu hiệu tấn công, xâm nhập cơ sở hạ tầng hệ thống thông tin để phối hợp ngăn chặn, khắc phục, điều tra, xử lý. Chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, loại bỏ nguy cơ mất an toàn thông tin, bảo vệ bí mật quân sự, bí mật Nhà nước, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, góp phần tích cực bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại CMCN.

KIÊN CƯỜNG

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website