13 giờ:50 phút Thứ hai, ngày 4 tháng 3 , 2019

Hướng tới kỷ niệm 60 năm Phát thanh Quân đội (16-3-1959 / 16-3-2019):

Nhạc sĩ, nhà báo - chiến sĩ Thanh Phúc: Tận tâm cho mỗi chương trình lên sóng

“Người Mèo ơn Đảng”, “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi”, “Hà Giang quê hương tôi”… là những ca khúc của nhạc sĩ Thanh Phúc, trong chúng ta, nhiều người đã biết. Nhưng nhạc sĩ Thanh Phúc nguyên là một nhà báo - chiến sĩ thì không phải ai cũng tỏ tường.

Nhạc sĩ, nhà báo - chiến sĩ Thanh Phúc: Tận tâm cho mỗi chương trình lên sóng
Nhạc sĩ Thanh Phúc.
Chúng tôi đến thăm nhạc sĩ, nhà báo - chiến sĩ Thanh Phúc vào một ngày đầu Xuân. Đã ở tuổi 87, lại đang bị bệnh tim nên ông rất yếu. Chúng tôi hỏi chuyện về thời gian công tác tại Phát thanh Quân đội, ông ra hiệu cho bà Đặng Thị Nguyên, vợ ông ngồi cùng. Trong câu chuyện về cái thời làm Biên tập viên Chuyên mục “Chiến sĩ ta ca hát”, ông đã khi nhớ, lúc quên, nhưng bà đã hỗ trợ trí nhớ của ông để câu chuyện thêm trọn vẹn, giống như đã từ nhiều năm nay, bà luôn là người đầu tiên ông chia sẻ mỗi khi có một sáng tác mới; luôn quán xuyến việc nhà, chăm lo con cái để ông dành thời gian và tâm huyết cho công việc và luôn bên ông, đỡ đần ông những việc nhỏ nhất trong sinh hoạt, trong cuộc sống khi ông đau ốm.

Nhạc sĩ Thanh Phúc đi bộ đội từ năm 13 tuổi. Ông có 43 năm tuổi quân và có hơn 20 năm gắn bó với Chuyên mục “Chiến sĩ ta ca hát” của Chương trình Phát thanh Quân đội, từ năm 1968 cho tới khi ông nghỉ hưu, năm 1989.

Ngày ấy, biên chế của Phòng Phát thanh Quân đội còn ít mà chiến sự rất sôi động, nên là biên tập viên văn nghệ nhưng ông vẫn tham gia đi làm tin phát trong các chương trình thời sự. Ông nhớ mãi những ngày trực bên Đài trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội tháng 12 năm 1972. Sau mỗi trận bom B-52 đánh vào Hà Nội, từ dưới hầm trú ẩn lên là các ông lại chia nhau đi làm tin, nhận tin từ các đơn vị gửi về. Làm báo cũng tạo điều kiện để ông hiểu thấu và cảm nhận sâu sắc hơn cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta trong những năm tháng gian khổ, hi sinh và hào hùng ấy.

Nhạc sĩ, nhà báo - chiến sĩ Thanh Phúc: Tận tâm cho mỗi chương trình lên sóng
Nhạc sĩ Thanh Phúc và vợ.

Với Chuyên mục “Chiến sĩ ta ca hát”; cẩn trọng, cầu kỳ trong công việc, nhạc sĩ Thanh Phúc đi đơn vị rất nhiều và luôn coi trọng việc bám sát cơ sở. Tất cả các hội diễn văn nghệ của các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng ông đều theo sát. Những đội văn nghệ xung kích, đội tuyên văn có chất lượng tốt của các đơn vị ông cũng nắm chắc để tạo nguồn cho chuyên mục. Đặc biệt, ông đã được Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam thời kỳ đó rất ghi nhận về nhiệt huyết và sự sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của một phóng viên.

Ông kể: “Lúc bấy giờ các phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đi thu thanh chương trình văn nghệ là phải có một xe ô tô và 3 kỹ thuật viên đi cùng để phục vụ. Ông thì không cần xe đưa xe đón. Ông tự đi. Chỉ mỗi cái máy ghi âm với 8 quả pin, ông đi toàn quân, tự thu rồi về tự chuyển, tự phát. Một mình với cái máy mà thu được cả chương trình của quân nhạc. Nhiều người cứ hỏi, không hiểu chỉ có mỗi cái micro, ông thu kiểu gì mà được cả dàn nhạc như thế. Có gì đâu, có mỗi một cái micro, muốn thu được âm thanh của các nhạc cụ thì để cái gì ở gần, cái gì ở xa là phải tính toán. Cái kèn trompet nó “to mồm” thì phải cho nó ra xa, cái đàn violon “bé mồm” hơn thì cho nó ở sát micro, phần hát là chính thì lại càng phải gần hơn nữa…”.

Nhạc sĩ, nhà báo - chiến sĩ Thanh Phúc: Tận tâm cho mỗi chương trình lên sóng
Nhạc sĩ Thanh Phúc và tác giả.

Không phải riêng lần đó, tất cả mọi chương trình lên sóng, nhạc sĩ, nhà báo, chiến sĩ Thanh Phúc đều tận tâm. Được nghe kể lại cách thu âm chương trình văn nghệ độc đáo đó của ông, phóng viên chúng tôi càng trân quý hơn sự nỗ lực và sáng tạo của thế hệ cha anh trong thời kỳ gian khó.  Chiếc máy thu dùng 8 pin ấy đã gắn bó với nhạc sĩ Thanh Phúc suốt quãng đời ông phụ trách chuyên mục “Chiến sĩ ta ca hát”, cho đến khi ông về nghỉ mới bàn giao cho người khác. Trong câu chuyện với chúng tôi, đã đôi ba lần ông hỏi mà như tự hỏi chính mình: “Không biết cái máy ấy, các anh trên Phòng Phát thanh Quân đội còn giữ nó không?”.

Qua các chuyến đi cơ sở để làm chương trình, nhạc sĩ Thanh Phúc còn phát hiện rất nhiều giọng ca tốt cho Quân đội, cho Đài Tiếng nói Việt Nam và khán giả. Từ hạt nhân văn nghệ của đơn vị, những giọng hát hay được ông bồi dưỡng, động viên rồi giới thiệu trên sóng của chuyên mục đã phát triển thành danh, như: Nghệ sĩ ưu tú Dương Minh Đức (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), các ca sĩ Hồng Liên (Đài Tiếng nói Việt Nam), Thành Vinh (Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc), rồi Quỳnh Hợp, Bích Ngọ… cũng nằm trong số những người được nhạc sĩ phát hiện và giới thiệu từ những đơn vị trong toàn quân.

Lại còn chuyện tự đọc bài của mình để phát sóng cũng là một kỷ niệm. Nhạc sĩ Thanh Phúc nhớ lại: Hồi đó, tất cả tin, bài, lời giới thiệu phát trên sóng đều được viết ra văn bản để đưa phát thanh viên đọc. Ông thấy mình làm chương trình cho chuyên mục nên là người hiểu và cảm sâu nhất tác phẩm nên tự mình đọc lời cho mỗi chương trình của chuyên mục là tốt nhất. Ông đã mạnh dạn đề nghị với Trưởng phòng Hồng Lân báo cáo lên Tổng Giám đốc Trần Lâm cho tự đọc trong Chuyên mục “Chiến sĩ ta ca hát”, do mình phụ trách. Tổng Giám đốc đồng ý ngay, bởi không chỉ quý trọng nhạc sĩ Thanh Phúc, thỉnh thoảng ông Trần Lâm vẫn qua phòng trực của nhạc sĩ chơi nên hiểu rõ khả năng, sự cẩn trọng trong công việc của Thanh Phúc. Và quả thực, sau vài lần thử rồi đến đọc thật, nhạc sĩ Thanh Phúc đã làm tốt việc đọc lời cho chuyên mục của mình. Sau đó các chương trình văn nghệ khác cũng dần để biên tập viên đọc trên sóng.

Bằng trách nhiệm và nhiệt huyết của mình, nhạc sĩ Thanh Phúc đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của một nhà báo chiến sĩ. Còn về phần sáng tác, thời kỳ công tác ở Phòng Phát thanh Quân đội nhân dân, ông cũng thu được những thành công rực rỡ. Hàng trăm ca khúc được ông sáng tác trong quãng thời gian này, trong đó có nhiều tác phẩm để đời. Trong 5 tác phẩm của ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1 năm 2001 thì có 4 bài ông sáng tác trong thời kỳ này, đó là các ca khúc: “Nhớ giọng hát Bác Hồ”, “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi”,  “Hà Giang quê tôi” và Bài hát “Hồ Chí Minh giữa Thành phố tên vàng”; chỉ có bài “Người Mèo ơn Đảng” được sáng tác trước đó (năm 1956).

Kết thúc câu chuyện, tôi hỏi nhạc sĩ, nhà báo Thanh Phúc: “Thưa nhạc sĩ, nghỉ hưu lâu rồi, ông có nhớ Phát thanh Quân đội không?”. Ông trả lời tiếng được, tiếng mất, nhưng nỗi lòng của ông với Chuyên mục “Chiến sĩ ta ca hát” của Chương trình Phát thanh Quân đội thì tôi lắng sâu trong từng lời: “Nhớ chứ. Hàng ngày mình làm việc đó, không được làm nữa mình nhớ chứ. Nhớ nhất là công việc thu thanh của mình, tiếp xúc với chiến sĩ, họ rất tình cảm. Họ rất bình thường nhưng làm văn nghệ rất giỏi, không phải chuyên nghiệp nhưng đàn hát rất hay…”. Nhạc sĩ, cựu chiến binh Thanh Phúc bảo, cái thời làm Phát thanh Quân đội, với những chương trình trong Chuyên mục “Chiến sĩ ta ca hát”, đó là máu thịt, là tâm hồn, là cuộc sống của ông. Đó là cái thời ông gửi gắm niềm tin, lẽ sống và tâm huyết vào những ca khúc để đời, những ca khúc cho chiến sĩ và cả những ca khúc cho đồng bào, nhân dân trên mọi miền đất nước. 

VŨ LINH

(Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website