14 giờ:8 phút Chủ nhật, ngày 6 tháng 11 , 2016

Bộ đội Phòng không - Không quân với sự nghiệp bảo vệ Bầu trời Tổ quốc

Vào những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương, trước sự thất bại nặng nề trên khắp chiến trường, thực dân Pháp với tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh, lại được sự chi viện, tiếp tế của đế quốc Mỹ, chúng đã tăng cường xây dựng và phát triển các lực lượng không quân với đầy đủ các loại máy bay hiện đại thời bấy giờ, bao gồm máy bay ném bom, cường kích, vận tải, trinh sát. Chúng ném bom tàn sát xóm làng, giết hại đồng bào vô tội, đánh phá các cơ quan đầu não, nhằm tiêu diệt các lực lượng kháng chiến của ta.

 Trước yêu cầu khách quan của cuộc kháng chiến chống Pháp, theo chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, ngày 9/3/1949 tại chiến khu Việt Bắc, Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Ban Nghiên cứu Không quân. Ban nghiên cứu không quân có nhiệm vụ xây dựng cơ sở nghiên cứu bước đầu về không quân, tìm hiểu hoạt động của không quân Pháp, tìm biện pháp chống lại chúng, chuẩn bị cơ sở vật chất, tài liệu và huấn luyện cán bộ… để đón thời cơ.

Tiếp đó, ngày 01/4/1953, Trung đoàn 367 - Trung đoàn Pháo cao xạ đầu tiên của quân đội ta ra đời và trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ ác liệt, Trung đoàn 367 đã chiến đấu dũng cảm kiên cường, bám sát yểm trợ cho các đơn vị bộ binh tiến công, dùng hoả lực phòng không bao vây không phận, tiến tới cắt đứt cầu hàng hàng không - con đường vận tải và tiếp tế duy nhất của địch ở Điện Biên Phủ, bắn rơi 52 máy bay, bắn bị thương 117 chiếc khác, làm cho quân địch ở Điện Biên phủ hoàn toàn bị cô lập, tạo điều kiện thuận lợi cho các đại đoàn bộ binh bao vây, áp sát, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ làm nên chiến công vang dội 5 châu, chấn động địa cầu.

 BỘ ĐỘI PHÒNG KHÔNG-KHÔNG QUÂN VỚI SỰ NGHIỆP BẢO VỆ BẦU TRỜI TỔ QUỐC

Cao xạ pháo lên đường đi chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Ảnh Tư liệu.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi, nhưng nước ta vẫn còn tạm chia làm 2 miền. Miền Bắc tiến lên xây dựng CNXH, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Nhận rõ dã tâm của kẻ thù xâm lược muốn chia cắt lâu dài đất nước ta, đặc biệt là mối quan hệ trực tiếp giữa hai nhiệm vụ chiến lược của hai miền, ngay sau khi hoà bình được lập lại trên miền Bắc, Đảng và Nhà nước ta đã chăm lo xây dựng và phát triển các lực lượng PK-KQ. Với sự quan tâm của Đảng, Bác Hồ và sự giúp đỡ tận tình của các nước XHCN, các lực lượng Phòng không - Không quân (PK-KQ) đã lần lượt được ra đời: Tháng 9 năm 1954 thành lập Đại đoàn Pháo cao xạ 367; tháng 3 năm1955 thành lập Ban nghiên cứu sân bay; tháng 3 năm 1958 thành lập Bộ Tư lệnh Phòng không và 2 Trung đoàn Ra đa 290 và 291; tháng 1 năm 1959 thành lập Cục không quân; tháng 8 năm 1959 thành lập Trung đoàn không quân vận tải 919 và Trường huấn luyện không quân mang phiên hiệu 910; tháng 5 năm 1963 thành lập Trung đoàn Không quân tiêm kích đầu tiên 921; tháng 7 năm 1963 thành lập Trung đoàn 228B chuẩn bị cho sự ra đời của lực lượng Tên lửa.

Như vậy, chỉ sau 9 năm từ khi hoà bình được lập lại, từ một trung đoàn pháo cao xạ làm nhiệm vụ chiến đấu ở Điện Biên Phủ, đến đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước bộ đội PK-KQ đã có hàng chục trung đoàn làm nhiệm vụ tác chiến phòng không, bao gồm cả pháo cao xạ, không quân, ra đa, tên lửa, từng bước hình thành nên một Quân chủng kỹ thuật hiện đại.

 BỘ ĐỘI PHÒNG KHÔNG-KHÔNG QUÂN VỚI SỰ NGHIỆP BẢO VỆ BẦU TRỜI TỔ QUỐC

Hồ Chủ tịch thăm Đoàn cao xạ Tam Đảo (25/9/1966). Ảnh Tư liệu.

Đầu những năm sáu mươi của thế kỷ XX, đồng thời với đẩy mạnh chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam, đế quốc Mỹ bắt đầu một chiến dịch bí mật, quấy rối và phá hoại miền Bắc và ráo riết chuẩn bị cho cuộc chiến tranh bằng không quân đối với miền Bắc nước ta.  

Để đáp ứng yêu cầu chiến đấu hiệp đồng, chỉ huy thống nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh và ngày 22 tháng 10 năm 1963, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra quyết định thành lập Quân chủng PK-KQ trên cơ sở hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân. Đây là sự kiện lịch sử, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta và của các lực lượng PK-KQ. 

Bị thua đau trên khắp các chiến trường miền Nam, chiến lược "chiến tranh đặc biệt" có nguy cơ bị phá sản hoàn toàn, đế quốc Mỹ đã dựng lên "Sự kiện vịnh Bắc Bộ", lấy cớ mở rộng chiến tranh đánh phá ra miền Bắc, nhằm phá hoại sự nghiệp xây dựng CNXH của nhân dân ta, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với cách mạng miền Nam. Ngày 5 tháng 8 năm 1964, chúng đã dùng 64 lần/chiếc máy bay ồ ạt đánh phá vào các mục tiêu trên miền Bắc, gây đòn bất ngờ, uy hiếp tinh thần của quân và dân ta. Với tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cao, Trung đoàn ra đa 290, 291 đã kịp thời phát hiện, thông báo, báo động cho các lực lượng PK-KQ, bộ đội pháo cao xạ trên bộ và trên tàu hải quân đã đánh trả kịp thời, quyết liệt, chiến thắng giòn giã, bắn rơi 8 máy bay, bắt sống giặc lái.

 BỘ ĐỘI PHÒNG KHÔNG-KHÔNG QUÂN VỚI SỰ NGHIỆP BẢO VỆ BẦU TRỜI TỔ QUỐC

Tiểu đoàn 217 bắn rơi máy bay Mỹ ngày 5/8/1964 tại Hòn Gai (Quảng Ninh). Ảnh Tư liệu.

Phát huy truyền thống ra quân đánh thắng trận đầu của bộ đội pháo cao xạ, trong hai ngày 3 và 4 tháng 4 năm 1965, lần đầu tiên trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta, các biên đội Mic-17 gồm: Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương và biên đội Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm đã xuất kích, mở mặt trận trên không thắng lợi, bắn rơi 4 máy bay Mỹ trong đó có 2 chiếc F-8U và 2 chiếc F-105. Chiến công của bộ đội không quân tiêm kích đánh dấu sự trưởng thành, phát triển của bộ đội Không quân trẻ tuổi. Bộ đội Không quân vinh dự và tự hào đã thực hiện được lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: "Mở mặt trận trên không thắng lợi".

 BỘ ĐỘI PHÒNG KHÔNG-KHÔNG QUÂN VỚI SỰ NGHIỆP BẢO VỆ BẦU TRỜI TỔ QUỐC

Biên đội đánh thắng trận đầu của Không quân nhân dân Việt Nam (ngày 3/4/1965):
Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương.
Ảnh Tư liệu.

Thi đua với các lực lượng trong Quân chủng, bộ đội tên lửa chỉ trong một thời gian rất ngắn sau khi được thành lập, ngày 24 tháng 7 năm 1965 đã ra quân đánh thắng trận đầu tại trận địa Suối Hai đã diệt gọn cả tốp máy bay Mỹ, trong đó có 1 chiếc rơi tại chỗ là chiếc máy bay thứ 400 của đế quốc Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc.

Bị thua đau trên khắp các chiến trường, đế quốc Mỹ ngày càng mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc, với quy mô và tính chất ngày càng ác liệt. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ mà trực tiếp là Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ đội PK-KQ đã cùng với quân và dân miền Bắc dũng cảm kiên cường, mưu trí, sáng tạo, đánh thắng từng bước leo thang phá hoại của đế quốc Mỹ với ý chí: "Vạch nhiễu tìm thù", "nhằm thẳng  quân thù mà bắn", "thà hy sinh chứ nhất định không chịu rời trận địa", "đã xuất kích là mang chiến thắng trở về". Với sự thông minh sáng tạo và ý chí quyết tâm đánh thắng không quân đế quốc Mỹ, Bộ đội PK-KQ đã không ngừng trưởng thành, đã vận dụng và sáng tạo ra nhiều cách đánh hay độc đáo, đánh thắng các chiến dịch đánh phá, các thủ đoạn chiến thuật kỹ thuật nhà nghề của không quân địch. Có nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch đạt hiệu suất chiến đấu cao, vũ khí nào, lực lượng nào cũng đánh giỏi và lập nhiều chiến công xuất sắc.

Không những chiến đấu bảo vệ hậu phương lớn miền Bắc, bảo vệ giao thông vận chuyển chiến lược, Bộ đội PK-KQ còn tham gia nhiều chiến dịch lớn và đều lập công xuất sắc như chiến dịch Khe Sanh (1968), chiến dịch đường 9 - Nam Lào (1971), chiến dịch giải phóng Quảng Trị (1972) và suốt tuyến đường Trường Sơn lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại. Có thể nói từ Bắc đến Nam, trên các mục tiêu trọng điểm, các địa danh địch đánh phá ác liệt nhất bằng không quân đều ghi dấu chân người chiến sĩ Phòng không-Không quân cùng những chiến công lẫy lừng. Những cái tên như Hàm Rồng, Truông Bồn, Linh Cảm, Đồng Lộc, Xuân Sơn, Khe Tang, Khe Ve, Tà Lê, Phu La Nhích, các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Vinh, Thái Nguyên, Việt Trì... đều gắn bó với những đơn vị và những chiến công chói lọi của Bộ đội PK-KQ.   

Năm 1972, sau thất bại nặng nề trên khắp các chiến trường, để cứu vãn nguy cơ bị thất bại hoàn toàn của chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh", đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc với quy mô và tính chất ác liệt chưa từng có, mà đỉnh cao là cuộc tập kích chiến lược đường không, chủ yếu bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác cuối tháng 12 năm 1972, nhằm buộc Việt Nam phải chấp nhận những điều kiện do Mỹ đưa ra ở Hội nghị Pa-ri. Đây là trận quyết chiến chiến lược của quân và dân ta với đế quốc Mỹ xâm lược, là trận thử thách chưa từng có trong lịch sử. Nhưng với tinh thần cách mạng tiến công, chủ động sáng tạo và ý thức cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, với sức mạnh tổng hợp của cả miền Bắc XHCN, sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không, Bộ đội PK-KQ đã cùng với quân và dân miền Bắc bắn rơi 81 máy bay Mỹ trong đó có 34 chiếc B.52, 5 chiếc F.111, diệt và bắt sống nhiều giặc lái, riêng Quân chủng PK-KQ bắn rơi 53 máy bay các loại, có 32 máy bay B.52, đánh bại cuộc tập kích chiến lược tàn bạo chưa từng có của đế quốc Mỹ, làm nên chiến thắng lịch sử "Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không", góp phần quan trọng "đánh cho Mỹ cút", tạo ra thời cơ thuận lợi cho cách mạng miền Nam “đánh cho ngụy nhào”, tiến lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

BỘ ĐỘI PHÒNG KHÔNG-KHÔNG QUÂN VỚI SỰ NGHIỆP BẢO VỆ BẦU TRỜI TỔ QUỐC 

Bộ đội Tên lửa tham gia chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội
tháng 12 năm 1972.
Ảnh Tư liệu.

Trong cuộc tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, các đơn vị pháo cao xạ, tên lửa, ra đa đã hành quân thần tốc, có mặt trong các đội hình chiến dịch, vừa đánh địch trên không, vừa đánh địch mặt đất, bắn rơi nhiều máy bay, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Các đơn vị không quân đã dùng các loại máy bay hiện có kể cả máy bay mới thu được của địch để phục vụ chỉ huy, tiếp tế, vận tải, cơ động lực lượng, đánh vào trung tâm đầu não của địch, điển hình là trận đánh của Phi đội Quyết thắng, chiều ngày 28/4/1975, sau 6 ngày luyện tập khẩn trương, "Phi đội Quyết thắng" của Trung đoàn 923 đã sử dụng máy bay A.37 vừa thu được của địch, cất cánh từ sân bay Phan Rang, hình thành mũi tiến công thứ 6 từ trên không bất ngờ tập kích sân bay Tân Sơn Nhất, phá huỷ 25 máy bay, loại khỏi vòng chiến đấu gần 300 tên Mỹ - Ngụy, làm cho tinh thần của Mỹ - Ngụy đang cơn hoang mang, càng thêm hoảng loạn, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc, đẩy nhanh tốc độ tiến công trên các chiến trường, ở đất liền cũng như ngoài hải đảo, cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào".

 BỘ ĐỘI PHÒNG KHÔNG-KHÔNG QUÂN VỚI SỰ NGHIỆP BẢO VỆ BẦU TRỜI TỔ QUỐC

Phi đội Quyết thắng. Ảnh Tư liệu

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng Lào, Cam-pu-chia, với tinh thần quốc tế cao cả “giúp bạn là tự giúp mình”, Bộ đội PK-KQ đã đồng cam cộng khổ, khắc phục khó khăn, không tiếc máu xương, sẵn sàng cơ động chiến đấu cùng các lực lượng vũ trang của bạn, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của nhân dân ba nước Đông Dương trong cuộc chiến tranh chống kẻ thù chung.

Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các lực lượng của Quân chủng PK-KQ đã bắn rơi 2.635 máy bay trong tổng số 4.181 máy bay Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi trên miền Bắc, bao gồm đủ các kiểu loại hiện đại nhất của không quân Mỹ, trong đó có 64 chiến B-52, 13 chiếc F-111, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái.

Sau thắng lợi mùa Xuân năm 1975, Tổ quốc ta đã thống nhất, non sông Việt Nam đã thu về một mối, cách mạng nước ta chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong khi chúng ta đang tập trung khôi phục đất nước sau những năm chiến tranh tàn khốc thì bọn phản động quốc tế đã gây ra hai cuộc chiến tranh biên giới ở hai đầu đất nước, kích động và tập hợp lực lượng phản động trong người Thượng ở Tây Nguyên gây rối và chống phá phong trào cách mạng. Một lần nữa, Bộ đội PK-KQ lại hướng về phía trước, cơ động lên biên giới cùng với các lực lượng làm nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Tại mặt trận Tây Nam và Tây Nguyên, các đơn vị của Quân chủng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, chi viện đắc lực cho bộ binh truy quét tàn quân Fun-rô và tấn công tiêu diệt các lực lượng Khơ-me đỏ phản động; góp phần cùng với lực lượng vũ trang của cả hai nước cứu nhân dân Cămpuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của chế độ Khơ me đỏ.

Sau khi đất nước thống nhất, tình hình nhiệm vụ có nhiều thay đổi, năm 1977 Đảng và Nhà nước ta đã quyết định tách Quân chủng PK-KQ thành hai Quân chủng, đó là Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân. Hai mươi hai năm (1977-1999) tuy là hai Quân chủng độc lập, nhưng cả hai Quân chủng đều có chung một nhiệm vụ chính trị là quản lý và bảo vệ bầu trời Tổ quốc, cùng hiệp đồng chiến đấu và hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ.

 Bộ đội Phòng không - Không quân với sự nghiệp bảo vệ Bầu trời Tổ quốc

Bộ đội Ra đa tích cực huấn luyện, SSCĐ, quản lý vững chắc Bầu trời Tổ quốc. Ảnh: CTV.

Từ khi chuyển đổi cơ chế của nền kinh tế đất nước, đặc biệt là từ sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, là Quân chủng kỹ thuật phải chịu sự tác động rất lớn, nguồn viện trợ không còn, vũ khí khí tài nhiều loại đã xuống cấp; cán bộ, chiến sĩ của Quân chủng đã khắc phục khó khăn, tự lực tự cường vươn lên làm chủ các loại vũ khí trang bị. Đã triển khai nghiên cứu nhiều đề tài khoa học có giá trị thiết thực nhằm cải tiến, nâng cấp, khai thác sử dụng, nâng cao độ tin cậy và kéo dài thời hạn sử dụng của các loại vũ khí trang bị, chủ động niêm cất được một khối lượng lớn vũ khí khí tài quý hiếm phục vụ cho nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài, từng bước nghiên cứu và đã chế tạo thành công nhiều phụ tùng, linh kiện thay thế, đã tự lực đào tạo cán bộ, phi công và các thành phần chuyên môn kỹ thuật. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, quân chủng đã tích cực tham gia lao động sản xuất kinh tế, các doanh nghiệp của Quân chủng sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, bảo toàn và phát triển được vốn, hàng năm đều nộp ngân sách vượt chỉ tiêu. Kết quả hoạt động của Quân chủng đã góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng và tiềm lực quốc phòng của đất nước.

Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc , ngày 3 tháng 3 năm 1999, Chủ tịch nước đã ký Sắc lệnh số 03/L-CT về việc hợp nhất Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân thành Quân chủng PK-KQ. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới trong sự nghiệp xây dựng quân đội và củng cố quốc phòng; là sự kế tiếp lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của bộ đội Phòng không và bộ đội Không quân.

Là lực lượng chủ lực, nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam, được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ Bầu trời Tổ quốc trong thế trận phòng không nhân dân, trong những năm qua các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, CNV của Quân chủng đã nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Thường xuyên sẵn sàng chiến đấu, quản lý và bảo vệ vững chắc Bầu trời Tổ quốc, không để bị bất ngờ, lỡ thời cơ. Đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước từng bước mua sắm một số loại vũ khí, khí tài hiện đại, tổ chức huấn luyện chuyển loại, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ chỉ huy tham mưu, phi công và các chuyên ngành kỹ thuật, từng bước làm chủ các trang thiết bị mới, cải tiến. Tích cực tổ chức huấn luyện, nâng cao trình độ và khả năng SSCĐ.

 BỘ ĐỘI PHÒNG KHÔNG-KHÔNG QUÂN VỚI SỰ NGHIỆP BẢO VỆ BẦU TRỜI TỔ QUỐC

Trung đoàn 64 (Sư đoàn 361) tích cực huấn luyện, làm chủ VKTBKT hiện đại. Ảnh: ĐỨC LÚY.

Hàng năm, Quân chủng đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, có một số nhiệm vụ hoàn thành tốt, như nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, cơ động lực lượng, tổ chức bay nhiệm vụ, bay trinh sát biển, bay ứng cứu phòng chống bão lụt, tìm kiếm cấp cứu, bay chuyển sân, bay bắn, ném và thực hành các cuộc diễn tập, hội thi, hội thao. Quản lý vùng trời và quản lý điều hành bay chặt chẽ. Công tác huấn luyện bay biển, bay chuyển loại, bay đêm, bay đào tạo phi công có nhiều cố gắng, xử lý các tình huống bất trắc của chỉ huy và phi công có nhiều tiến bộ. Huấn luyện phòng không, huấn luyện chiến sỹ mới, tổ chức hội thao, hội thi, diễn tập, bắn đạn thật các lực lượng phòng không, không quân, đạt kết quả tốt, an toàn. Công tác kỹ thuật, công tác hậu cần, công tác phòng không lục quân, phòng không nhân dân và các mặt công tác khác đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đời sống bộ đội ổn định. Tích cực giúp đỡ nhân dân khắc phục lũ lụt, thiên tai, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh. Thực hiện tốt Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị đã góp phần giữ vững ổn định về chính trị tư tưởng, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ của Quân chủng.

 BỘ ĐỘI PHÒNG KHÔNG-KHÔNG QUÂN VỚI SỰ NGHIỆP BẢO VỆ BẦU TRỜI TỔ QUỐC

Máy bay Su-30 của Trung đoàn 935 (Sư đoàn 370) thực hành bay huấn luyện. Ảnh: HẢI HẠ.

Phát huy truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh, cán bộ, chiến sĩ toàn Quân chủng đang ra sức học tập, nghiên cứu làm chủ vũ khí trang bị, không ngừng rèn luyện nâng cao bản lĩnh, ý chí chiến đấu, sẵn sàng đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc bầu trời, biển đảo, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

 QUÂN CHỦNG PHÒNG KHÔNG-KHÔNG QUÂN
ĐÃ ĐƯỢC ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TẶNG THƯỞNG
NHIỀU PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ

Có 137 lượt đơn vị, 129 lượt cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 2 đơn vị, 1 cán bộ được tuyên dương Anh hùng Lao động. Trong đó:

-Quân chủng Phòng không được tuyên dương ngày 31/12/1982.

-Binh chủng Tên lửa được tuyên dương ngày 11/01/1973.

-Binh chủng Không quân được tuyên dương ngày 03/6/1976.

-Binh chủng Pháo Phòng không được tuyên dương ngày 20/10/1976.

-Binh chủng Ra đa được tuyên dương ngày 20/10/1976.                                              

BAN BIÊN TẬP
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website