9 giờ:29 phút Thứ hai, ngày 24 tháng 4 , 2023

Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Lữ đoàn Pháo Phòng không 234 (1-5-1963 / 1-5-2023)

Xứng danh “lá chắn thép” trên mảnh đất Tây Nguyên

Cách đây 60 năm, ngày 1-5-1963, Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 01/QPQĐ thành lập Trung đoàn cao xạ dã chiến 57mm, lấy phiên hiệu là Trung đoàn 234 thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không (nay là Lữ đoàn Pháo Phòng không 234 thuộc Quân đoàn 3). Ngày 1-5 hằng năm trở thành ngày truyền thống của Lữ đoàn Pháo Phòng không 234.

Xứng danh “lá chắn thép” trên mảnh đất Tây Nguyên
Huấn luyện bắt, bám mục tiêu ở Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Pháo Phòng Không 234. Ảnh: CTV

Ngày 16-6-1964, chấp hành chỉ thị của Bộ Quốc phòng và Quân chủng PK-KQ; Trung đoàn 234 được lệnh đi chiến đấu ở Lào, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Pha Thét Lào cơ động phục kích đánh máy bay Mỹ bảo vệ con đường số 7 - tuyến giao thông huyết mạch nối tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) với Tỉnh Nghệ An (Việt Nam). Đồng thời thông qua các trận chiến đấu này giúp Quân chủng PK-KQ rút ra phương pháp đánh máy bay của Mỹ để áp dụng vào Việt Nam. Tháng 9-1964, Trung đoàn được lệnh cơ động về nước.

Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ từng bước đưa lực lượng chiến đấu và chư hầu đổ vũ khí, phương tiện chiến tranh vào Miền Nam Việt Nam, đồng thời dùng không quân đánh phá đường giao thông nhằm cắt đứt đường tiếp viện từ Miền Bắc vào Miền Nam. Để đánh bại âm mưu thủ đoạn của địch, ngày 3-3-1965, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 234 cơ động chiến đấu ở Quân khu 4. Từ tháng 7-1965 đến năm 1972, Trung đoàn đã cơ động chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội và 18 tỉnh Miền Bắc.

Cũng trong giai đoạn lịch sử này, Trung đoàn 234 được vinh dự 2 lần đón Bác Hồ về thăm. Lần thứ nhất vào ngày 19-7-1965, khi đến thăm Đại đội 1 tại sân bay Bạch Mai (Hà Nội), Bác đã căn dặn: “Phải tin tưởng vững chắc là ta nhất định thắng, Mỹ nhất định thua… Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh là nhất định thắng”. Lần thứ hai, Bác Hồ đến thăm trận địa Đại đội 6 ở Quảng Bá, ven Hồ Tây (Hà Nội) vào ngày 25-9-1966. Không chỉ ân cần hỏi thăm sức khỏe, đi thăm nơi ăn ở, sinh hoạt của bộ đội, Bác còn tặng mỗi người một điếu thuốc làm quà. Lời căn dặn và sự quan tâm của Bác đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 234 vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hi sinh, lập nên nhiều chiến công mới.

Trước sự phá hoại nghiêm trọng Hiệp định Paris của địch, tháng 1-1973, Trung đoàn được lệnh vào chiến trường B3 có nhiệm vụ bảo vệ vùng giải phóng ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk. Trong Chiến dịch Tây Nguyên, Trung đoàn đã liên tục chiến đấu trong đội hình binh chủng hợp thành từ Đức Lập qua Buôn Mê Thuột dọc đường 21 đến Nha Trang, Cam Ranh. Ngày 12-4-1973, Trung đoàn cơ động từ Cam Ranh về miền Đông Nam Bộ chiến đấu trong đội hình Binh chủng hợp thành chi viện cho Sư đoàn 10 phá vỡ tuyến phòng thủ mạnh nhất của địch ở Củ Chi và liên tục đột phá quét sạch mọi ổ đề kháng của địch ở ngã tư Bảy Hiền, đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó phát triển đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Ngụy, góp phần cùng quân và dân ta giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Hòa bình lập lại, ngày 19-11-1975, theo Quyết định số 224/QĐQP của Bộ Quốc phòng, Trung đoàn pháo cao xạ 234 được tổ chức lại thành Lữ đoàn Pháo Phòng không 234 trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3. Lữ đoàn tham gia xây dựng cơ sở chính trị, hàn gắn vết thương chiến tranh truy quét Pulro ở Sông Bé, Lâm Đồng và được lệnh lên đường chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Suốt thời gian (1977-1979) với nhiều trận đánh, Lữ đoàn cùng với đơn vị bạn đã bảo vệ vững chắc địa bàn được giao. Sau khi làm nhiệm vụ truy quét tàn quân Pôn Pốt - Iêng Xa Ri và tham gia xây dựng chính quyền cách mạng cho bạn, theo yêu cầu nhiệm vụ của cấp trên, Lữ đoàn hành quân ra phía Bắc, làm nhiệm vụ SSCĐ bảo vệ biên giới với thời gian gần 10 năm đứng chân trên quê hương Việt Bắc.

Trước yêu cầu sự nghiệp đổi mới đất nước, năm 1987, Lữ đoàn vinh dự được trở lại Tây Nguyên, một địa bàn trọng yếu của Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, mà trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (sau này là Quân đoàn 3), Quân chủng PK-KQ, cùng sự đùm bọc giúp đỡ của Đảng bộ, chính quyền nhân dân các địa phương, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đã liên tiếp lập nên nhiều chiến công chói lọi ở khắp các chiến trường 3 nước Đông Dương. Từ năm 1963-1975, Lữ đoàn đã bắn rơi 158 máy bay của địch, trong đó có 79 chiếc rơi tại chỗ, góp phần cùng các đơn vị bạn tiêu diệt hàng nghìn tên địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn. Ngày 12-9-1975, Lữ đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Đơn vị Anh hùng LLVTND”, Đại đội 1 của Lữ đoàn là một trong những đơn vị phòng không đầu tiên được tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng LLVTND”. Lữ đoàn còn được tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại. Năm 2013, Lữ đoàn vinh dự được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; nhiều năm, được Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua. Đặc biệt, tháng 4-2023, Lữ đoàn Pháo Phòng không 234 vinh dự được Chủ tịch nước ký Quyết định tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì.

Phát huy truyền thống 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo Phòng không 234 hôm nay nguyện đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu học tập, noi gương các thế hệ cha anh đi trước, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động; thường xuyên xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần cảnh giác cao, thực hiện tốt “4 biết” trong quản lý vùng trời, “4 được” trong đánh địch đột nhập, “vạch mây tìm thù”, kiên cường trên mâm pháo, bảo vệ vững chắc vùng trời Tây Nguyên; huấn luyện giỏi, chấp hành pháp luật, kỷ luật nghiêm; bảo đảm tốt công tác kỹ thuật, hậu cần và đời sống vật chất tinh thần của bộ đội; xây dựng cho Lữ đoàn VMTD “mẫu mực, tiêu biểu”, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, lập nhiều chiến công và thành tích mới, viết tiếp trang sử vẻ vang “Có lệnh là đi, có địch là đánh, đã đánh là thắng”; góp phần tô thắm truyền thống “Quyết thắng - Sáng tạo - Đoàn kết - Thống nhất - Nghiêm túc - Tự lực” của Quân đoàn 3 và truyền thống của Quân chủng PK-KQ anh hung.

Thượng tá TRẦN DUY HẢI - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Pháo Phòng không 234
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website