Trung đoàn Pháo cao xạ 367 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Sáng 21-12-1953, tại cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Trung đoàn Pháo cao xạ 367 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chấp hành mệnh lệnh và nhiệm vụ được giao, cùng các đơn vị trong Đại đoàn 351, Trung đoàn 367 tổ chức hành quân đến vị trí tập kết bảo đảm an toàn, bí mật và tổ chức kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa, sẵn sàng chiến đấu.
Sau khi Bộ chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”; Trung đoàn 367 đã làm tốt tư tưởng cho bộ đội, kiên quyết khắc phục khó khăn, chấp hành mệnh lệnh kéo pháo ra với tinh thần “thà chết không rời pháo”. Trong đợt kéo pháo ra đã xuất hiện gương dũng cảm hi sinh cứu pháo của liệt sĩ Tô Vĩnh Diện.
Từ cuối tháng 1-1954, toàn mặt trận Điện Biên Phủ bước vào chuẩn bị thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc” với quyết tâm cao, bảo đảm chắc thắng cho Chiến dịch. Đối với Bộ đội Pháo cao xạ, công việc chuẩn bị trọng tâm, chủ yếu trước tiên là mở đường cơ động, tiếp tế đạn dược và làm công sự, hầm hào cho pháo và người. Trung đoàn 367 đã khẩn trương xây dựng hệ thống trận địa trên hướng Bắc và hướng Đông Bắc với nhiệm vụ đặc trách chiến đấu với không quân địch, yểm hộ bộ binh, bảo vệ trận địa pháo binh mặt đất. Ngày 11- 3-1954, toàn bộ lực lượng của Trung đoàn 367 đã sẵn sàng nổ súng đánh máy bay địch.
Pháo cao xạ lên đường tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu
17 giờ ngày 13-3-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn. Trong 2 ngày đầu, Trung đoàn 367 đã bắn rơi 7 máy bay Hen-đi-vơ và Hen-cát của địch, hầu hết rơi tại chỗ. Sự xuất hiện bất ngờ, có hiệu quả của Bộ đội Pháo cao xạ trong những ngày đầu của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm cho các tướng lĩnh Pháp ở Hà Nội và Tập đoàn cứ điểm địch hoang mang, lúng túng. Địch quyết định tăng cường máy bay đánh phá và ném bom khống chế lực lượng của ta.
Kết thúc đợt 1 Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 bắn rơi 14 máy bay địch các loại và bắn bị thương 25 chiếc khác. Chiến thắng lớn của Trung đoàn đã hạn chế hoạt động của không quân địch, tích cực chi viện, bảo vệ cho các đơn vị bạn hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu.
Để tăng cường lực lượng chiến đấu, bảo đảm “đánh chắc, tiến chắc” ở Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh điều 4 tiểu đoàn còn lại và cơ quan Trung đoàn 367 rời Tân Dương (Trung Quốc) về nước. Cuối tháng 3-1954, trước khi mở màn đợt hai Chiến dịch, toàn bộ lực lượng của Trung đoàn pháo cao xạ 367 bao gồm 6 tiểu đoàn hỏa lực đã có mặt ở chiến trường Điện Biên Phủ.
17 giờ 30 phút ngày 30-3-1954, quân ta mở màn đợt hai Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đợt này, Trung đoàn 367 được giao nhiệm vụ: Yểm hộ bộ binh chiến đấu cả ngày lẫn đêm, thu hẹp phạm vi hoạt động của máy bay địch, hạn chế tiến tới triệt hẳn đường tiếp tế hàng không của chúng. Trong 6 ngày đầu đợt 2, các lực lượng phòng không của ta đã bắn rơi 6 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác. Trung đoàn 367 cơ động một số trận địa xuống cánh đồng Mường Thanh, áp sát các cứ điểm địch để đón đánh các máy bay vận tải tiếp tế cho Điện Biên Phủ. Đến ngày 11-4- 1954, Bộ đội phòng không, pháo binh đã bắn rơi và phá hủy 49 máy bay các loại, bắn bị thương hàng chục chiếc khác.
Đêm 1-5-1954, quân ta bắt đầu mở đợt tiến công thứ ba. Từ ngày 5 đến ngày 7-5, cuộc chiến đấu giữa Bộ đội Pháo cao xạ với không quân địch diễn ra liên tục và vô cùng quyết liệt. 7 giờ 30 phút ngày 8-5-1954, Đại đội 831 Tiểu đoàn 396 ở trận địa Nà Can, cách thị xã Sơn La 10 km về phía Đông Nam bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay B-24. Đây là chiếc “Pháo đài bay” thứ ba của Pháp bị Trung đoàn bắn rơi và là chiếc máy bay thứ 62 bị quân ta bắn rơi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Qua 55 ngày đêm chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ, các lực lượng phòng không, pháo binh, bộ binh đã bắn rơi và phá hủy 62 máy bay các loại của địch, bắn bị thương hàng trăm chiếc khác, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái. Riêng Trung đoàn Pháo cao xạ 367, đơn vị nòng cốt của lực lượng phòng không Chiến dịch bắn rơi 52 máy bay, gồm 9 kiểu loại, bắn bị thương 117 chiếc khác. Những chiến công xuất sắc của Trung đoàn trong đội hình Chiến dịch binh chủng hợp thành và mặt trận bảo vệ hậu phương chiến dịch, bảo vệ giao thông vận chuyển đã góp phần tích cực vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Do lập được nhiều chiến công xuất sắc, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Nhì, 25 Huân chương Quân công hạng Ba, 27 Huân chương Chiến công hạng Nhất (cho các đơn vị), 200 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương Chiến công các loại. Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện dũng cảm hi sinh thân mình cứu pháo được truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Tô Vĩnh Diện là người anh hùng đầu tiên của Quân chủng PK-KQ.
QUÁCH THÀNH