9 giờ:12 phút Thứ hai, ngày 29 tháng 7 , 2024

Bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho Chiến thắng trận đầu

Cách đây tròn 60 năm, với tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) cao, ý chí dũng cảm, kiên cường, Bộ đội PK-KQ cùng với Bộ đội Hải quân và quân, dân Miền Bắc đã kiên quyết đánh trả trong trận đầu đụng độ không quân và hải quân mỹ, lập nên chiến công xuất sắc, Bắn rơi 8 máy bay địch, bắt sống giặc lái. Góp phần vào thắng lợi đó có vai trò quan trọng của ngành Hậu cần Quân chủng.


Bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho Chiến thắng trận đầu
Đại đội 71, Trung đoàn 280 củng cố trận địa, công sự sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt địch, tháng 8-1964.
Ảnh tư liệu

Ngày 13-1-1964, Đảng ủy Quân chủng xác định nhiệm vụ trong tình hình mới là “Xây dựng Quân chủng PK-KQ cách mạng, tiến lên chính quy, hiện đại phù hợp với khả năng của ta, nâng cao khả năng cơ động và SSCĐ, tích cực khắc phục khó khăn, tiêu diệt máy bay địch, bảo vệ vùng trời Miền Bắc, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống”. Thực hiện nghị quyết và mệnh lệnh của Quân chủng, Đảng ủy, thủ trưởng Cục Hậu cần tập trung lãnh đạo, tổ chức cho toàn ngành chuyển trạng thái SSCĐ, đẩy mạnh chuẩn bị mọi mặt, nhất là lượng dự trữ vũ khí, đạn dược, xăng dầu, lương thực, thực phẩm… để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.

Ngày 26-3-1964, Bộ Tổng Tham mưu ra lệnh báo động SSCĐ cho các lực lượng phòng không toàn Miền Bắc. Chấp hành mệnh lệnh của trên, Bộ Tư lệnh Quân chủng ra lệnh cho các đơn vị SSCĐ cao, đồng thời chỉ đạo cho các cơ quan, đơn vị chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng đánh bại các cuộc tập kích đường không của địch vào Miền Bắc. Quán triệt nghị quyết, mệnh lệnh, chỉ thị của trên và nhiệm vụ của ngành, Đảng ủy, thủ trưởng Cục Hậu cần đã chỉ đạo, tổ chức cho các đơn vị tăng cường bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ SSCĐ, huấn luyện và xây dựng đơn vị. Đặc biệt, Cục Hậu cần tổ chức hội nghị chuyên đề về bảo đảm cho các đơn vị chiến đấu. Trên cơ sở quán triệt tình hình nhiệm vụ mới, hội nghị nhất trí đề ra các chủ trương, biện pháp bảo đảm kỹ thuật, hậu cần cho các đơn vị SSCĐ. Sau hội nghị, thủ trưởng Cục tổ chức các đoàn cán bộ kỹ thuật xuống chỉ đạo, giúp đỡ đơn vị kiểm tra, hiệu chỉnh sửa chữa vũ khí, khí tài, bảo đảm hệ số kỹ thuật tốt nhất cho các lực lượng pháo cao xạ, không quân và ra đa. Các đơn vị tập trung bảo đảm xăng dầu, đạn dược, sức kéo, lương thực thực phẩm, bông, băng, cáng, nẹp, thuốc men cho bộ đội SSCĐ và có lượng dự trữ theo quy định của Quân chủng.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ SSCĐ, thủ trưởng Cục chỉ đạo các cơ quan xây dựng và triển khai thực hiện huấn luyện, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên các ngành; xây dựng nền nếp chấp hành các chế độ quy định, công tác bảo đảm các chuyên ngành quân giới, quân nhu, doanh trại, quân y…

Ngày 12-6-1964, Cục Hậu cần ra Chỉ thị số 1938/Đ7 về công tác bảo đảm quân giới khi cơ động chiến đấu. Chỉ thị nêu rõ công tác kiểm tra, bảo quản, che đậy và sửa chữa súng pháo, ra đa, máy chỉ huy, đạn dược. Đây là lần đầu tiên Cục Hậu cần chỉ đạo tương đối toàn diện về công tác bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị, nhất là các đơn vị pháo cao xạ, ra đa phòng không và không quân vận tải; tạo điều kiện cho các đơn vị xây dựng nền nếp công tác và nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ SSCĐ.

Tháng 6-1964, Trung đoàn PPK 234 được lệnh làm nhiệm vụ cơ động chiến đấu. Chấp hành mệnh lệnh của Quân chủng, ngoài việc bảo đảm hậu cần cho Trung đoàn Pháo cao xạ 234, Cục Hậu cần cử các đồng chí Hoàng Khiển, Nguyễn Văn Đẩu, Nguyễn Văn Nghĩ thuộc Phòng Quân giới đi theo làm nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo và bảo đảm kỹ thuật cho đơn vị chiến đấu. Mặc dù thời gian ngắn, việc cơ động chiến đấu đường dài có nhiều khó khăn, nhưng cả ba đồng chí đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Qua thực tế chiến đấu, các đồng chí đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về bảo đảm sức kéo trong cơ động chiến đấu đường dài, bảo đảm kỹ thuật cho Trung đoàn pháo cao xạ cả trước, trong và sau chiến đấu.

Sau khi dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc “hành quân Mũi tên xuyên”, sử dụng 64 lần chiếc máy bay của hải quân đánh phá các khu vực Vinh, Bến Thủy, Lạch Trường (Thanh Hóa), Hòn Gai (Quảng Ninh) và cảng Gianh (Quảng Bình). Do chuẩn bị tốt và quyết tâm chiến đấu cao, lực lượng Phòng không của Quân chủng đã hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng phòng không của Hải quân và các địa phương, bắn rơi 8 máy bay địch, bắt sống tên giặc lái đầu tiên trên Miền Bắc.

Trên cơ sở rút kinh nghiệm các trận chiến đấu trong ngày 5-8-1964, Đảng ủy, thủ trưởng Cục Hậu cần đã tập trung tổ chức các ngành bổ sung kế hoạch bảo đảm về kỹ thuật, hậu cần cho tác chiến phòng không trên Miền Bắc, nhất là cho nhiệm vụ bảo vệ các yếu địa lớn Hà Nội, Hải Phòng. Nổi bật nhất thời kỳ này là Cục Hậu cần đã thống nhất xây dựng nội dung biện pháp và nền nếp bảo đảm hậu cần cho các đại đội pháo phòng không của Quân chủng.

Cũng trong thời gian này, thực hiện chỉ thị của Bộ Tư lệnh Quân chủng, Cục Hậu cần đã tập trung chỉ đạo, tổ chức nâng cấp bảo đảm hậu cần nhất là bảo đảm sân đường, xăng dầu và nơi ăn, ở cho các phi công… để chuẩn bị đón nhận lực lượng máy bay tiêm kích phản lực MIG-17 về nước làm nhiệm vụ chiến đấu. Việc tiếp nhận an toàn lực lượng MIG-17 của Trung đoàn Không quân 921 ngày 6-8-1964 từ Trung Quốc về Sân bay Nội Bài và triển khai SSCĐ có sự đóng góp xứng đáng của ngành Hậu cần Quân chủng.

TUYẾT ANH
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website