18 giờ:45 phút Thứ năm, ngày 6 tháng 6 , 2019

Chuyện những người "viết sử bằng hiện vật":

Kỳ cuối: Để hiện vật sống mãi

“Sức sống của một bảo tàng là những hiện vật gắn liền với nhân vật, nhân chứng lịch sử có thật. Do vậy, “thiên chức” của người làm công tác bảo tàng là phải làm sao để hiện vật đi cùng với sự kiện sống mãi. Tuy nhiên, cũng không thể không nói đến trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý và cả cộng đồng” - Giáo sư Sử học Lê Văn Lan bắt đầu câu chuyện với tôi như thế khi tôi đặt vấn đề tìm hiểu về sức sống của bảo tàng.

Kỳ cuối: Để hiện vật sống mãi
 Học sinh trên địa bàn Hà Nội tham quan Bảo tàng PK-KQ.

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan chưa từng tới Bảo tàng PK-KQ mà chỉ đi bên ngoài nhìn vào. Tuy nhiên, theo ông, nhìn từ bên ngoài, Bảo tàng PK-KQ được xây dựng và bài trí rất bắt mắt, gắn liền với những hiện vật khiến công chúng tò mò như: Pháo cao xạ, máy bay, tên lửa, ra đa... Đó cũng là những thành công bước đầu của một bảo tàng. Chưa kể, Bảo tàng PK-KQ lại nằm ở vị trí đắc địa giữa lòng Thủ đô Hà Nội.

Khi tôi đưa ra những số liệu như, hiện tại, Bảo tàng PK-KQ đang lưu giữ trên 56.000 tư liệu, hiện vật gốc quý hiếm về lịch sử oanh liệt của Bộ đội PK-KQ Việt Nam và mỗi năm, đón trên 120 nghìn lượt khách tới thăm, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế, đặc các tướng lĩnh của Quân đội các nước, trong đó có các cựu phi công Mỹ đã tham gia chiến tranh ở Việt Nam... thì ông rất thích thú. Ông hẹn tôi ngày gần nhất trong năm 2019 này sẽ tới thăm, nghiên cứu Bảo tàng PK-KQ.

“Tôi nghiên cứu về lịch sử. Với lịch sử Quân chủng PK-KQ, và những điều được chứng kiến trong chiến tranh chống phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, đặc biệt Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, tháng 12 -1972 mà Bộ đội PK-KQ là nòng cốt, khiến tôi hiểu cơ bản về truyền thống chiến đấu và chiến thắng của Bộ đội PK-KQ Việt Nam. Đây là lực lượng quan trọng, nòng cốt trong tác chiến phòng không trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay” - Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cho biết.

Tôi hỏi ông, với công tác bảo tồn, bảo tàng thì vấn đề gì quan trọng nhất, ông cho rằng, đó là hiện vật lịch sử. “Cái quan trọng, mang tính cốt lõi của một bảo tàng là những hiện vật gắn liền với nhân vật, nhân chứng lịch sử có thật. Do vậy, “thiên chức” của người làm công tác bảo tàng là phải làm sao để cho hiện vật đi cùng với sự kiện sống mãi. Tuy nhiên, cũng không thể không nói đến trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý và cả cộng đồng” - Giáo sư Sử học Lê Văn Lan chia sẻ.

Mang câu chuyện với Giáo sư Sử học Lê Văn Lan trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Bảo tàng PK-KQ, và đặt lại câu hỏi, rằng làm sao để các hiện vật quý hiếm của Bảo tàng PK-KQ sống mãi cùng thời gian trước tác động và nhiều nguy cơ bị mai một, khó còn nguyên với hiện vật gốc? Đại tá Nguyễn Văn Minh cho biết, đó không còn là câu hỏi của riêng những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng mà của cả các cấp các ngành. Bởi lẽ, để thực hiện có hiệu quả các mặt công tác bảo tồn, bảo tàng đã là rất nặng nề, trong khi đó, việc bảo tồn nhân chứng là việc không thể do quy luật của vòng đời không ai không phải trải qua. Trong khi, việc bảo tồn hiện vật cũng đang đặt ra những yêu cầu cao hơn về trang thiết bị trước tác động tiêu cực của thời gian, thời tiết... mà ngân sách thì lại rất có hạn.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Minh, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng và cấp ủy, chỉ huy các cấp, đặc biệt là Đảng ủy, thủ trưởng Cục Chính trị và các cơ quan phối hợp rất quan tâm về mọi mặt cho công tác bảo tồn, bảo tàng của Quân chủng PK-KQ như, bổ sung kinh phí, tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn... Điều đó tạo thêm nhiều động lực để các thế hệ cán bộ, nhân viên Bảo tàng PK-KQ vượt qua khó khăn, thách thức, chuyên tâm, yêu nghề, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, vẫn cần lắm sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp, các ngành, sự chung tay góp sức của mọi cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng và toàn quân, toàn dân thì hiệu quả mới cao hơn, vững chắc hơn. Đó là cùng nhau tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của công tác bảo tồn, bảo tàng; quan tâm sưu tầm, giới thiệu, phát hiện, những hiện vật lịch sử về Bộ đội PK-KQ mà Bảo tàng PK-KQ chưa có...

Đi trong không gian Bảo tàng PK-KQ vào ngày ngập nắng tháng 5 lịch sử, nơi lưu giữ những hình ảnh, tư liệu, hiện vật minh chứng cho quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng của Bộ đội PK-KQ Việt Nam, tôi lại nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Cán bộ, nhân viên Bảo tàng cần phát huy “Cuốn sử sống” để tuyên truyền giữ vững truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta” nhân lần Người tới thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ngày 12-12-1959. Lời dạy của Bác cứ thăm thẳm trong tôi những tâm huyết của các thế hệ làm công tác bảo tồn, bảo tàng của Quân chủng; những mong muốn của vị lão thành cách mạng đã hơn 75 tuổi Đảng như Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu và cả những vấn đề Giáo sư Sử học Lê Văn Lan đặt ra.

Để mọi hiện vật lịch sử với những giá trị của nó luôn sống mãi cùng thời gian là vấn đề thoạt nhìn thì đơn giản, nhưng đi sâu mới thấy đầy ắp những khó khăn, thách thức. Song, phải thấy và nhận thức đúng đắn rằng, đó là trách nhiệm không của riêng ai để cùng nhau xây dựng, vun đắp mới xứng đáng với lịch sử, nguồn cội. Và điều đó phần nào đã được các thế hệ những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng trong Quân chủng PK-KQ thể hiện sinh động bằng việc làm thực tế suốt hơn 60 năm qua.

NGÔ TIẾN MẠNH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website