9 giờ:32 phút Thứ hai, ngày 4 tháng 7 , 2016

Xây “lũy thép trên biển” ở “Hai đầu nỗi nhớ”:

Kỳ 2: Trang sách "mặn tình biển"

Không có bố đón đưa, dìu dắt trong học tập như bao bạn bè cùng trang lứa, nhưng hình ảnh người bố chắc súng nơi địa đầu Tổ quốc ở Trường Sa giữ yên trời, biển thiêng liêng làm trang sách của bao đứa con bộ đội Trường Sa luôn rực sáng niềm tin yêu, kiêu hãnh. Dẫu đôi khi, vẫn có những giọt nước mắt nhẹ rơi trên trang giấy mặn chát như nước biển gầm gào giữa khơi xa.

>>> Kỳ 1: Những hi sinh thầm lặng

 Tôi đến gia đình chị Trần Thị Thảo, sinh năm 1971, vợ của Thượng úy CN Trần Hậu Dũng - Nhân viện Trạm nguồn điện thuộc Trạm Ra đa 11, Trung đoàn 292 (Sư đoàn 377) khi hoàng hôn đỏ au phả xuống Cam Ranh. Trong căn nhà nhỏ ở phường Cam Phúc Bắc, chị Thảo không ngơi nói về người chồng đang công tác trên đảo Trường Sa Lớn bằng lòng kính trọng, đầy ắp yêu thương.

…Sớm mai này nắng ấm ở Trường Sa/ Tiếng gà gáy bình yên trên ngực đảo/ Tiếng trẻ nhỏ đến trường nơi sóng bão/ Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra…

Nghe những vần thơ trong bài thơ Tổ quốc ở Trường Sa của tác giả Nguyễn Việt Chiến lảnh lót vọng ra từ căn phòng trong, tôi ghé nhìn thì bé Trần Thùy Linh, 5 tuổi gượng gạo chạy ùa vào lòng mẹ.

 Kỳ 2: Trang sách

Nhớ bố nên hàng ngày cháu Trần thùy Linh vẫn thường mang ảnh gia đình ra xem để vẽ hình bố.

Ôm con vào lòng, chị Thảo cho biết, từ khi bắt đầu tập viết chữ, chị của Thùy Linh là Trần Thảo Vi, 12 tuổi hay đọc những bài thơ về biển cho Thùy Linh nghe nên thuộc làu. Mỗi lần anh Dũng gọi điện về, cháu đều đọc những câu thơ về biển để tặng bố. Những lúc như thế, chị càng thêm tự hào về anh, dù cuộc sống gia đình ngày qua ngày vẫn gằn lên vai chị nặng trĩu chung, riêng bởi thiếu vắng anh.

Chị Thảo kể: “Có hôm đón Thảo Vi ở trường, thấy cháu khóc nấc lên khi mẹ đến, hỏi ra mới biết, các bạn trong lớp đa số được bố đưa đón. Mỗi khi được điểm cao được bố khen và còn được thơm vào má. Còn Thảo Vi nhìn thấy vậy thì tủi thân nên khóc. Tuy nhiên, khoảnh khắc ấy cũng qua thật nhanh khi chị hỏi, thế con có tự hào về bố không thì cháu gật đầu và vui trở lại. Cháu hứa sẽ học giỏi, ngoan ngoãn để bố yên tâm làm nhiệm vụ.

Nghe chị Thảo kể, tôi lại nhớ đến tâm tình của Nguyễn Trọng Tấn, sinh năm 1995, Học viên Trường Sĩ quan Tăng Thiết Giáp, con trai của Trung tá CN Nguyễn Văn Thoan - Kỹ thuật viên Trạm Ra đa 21, Trung đoàn 292 (Sư đoàn 377) khi tôi đến thăm gia đình ở phường Cam Thành Bắc, TP Cam Ranh.

Theo như Tấn, ngày 23/3 sau khi đọc báo xong thì Tấn òa khóc. Bạn bè trong lớp Tấn lo lắng, gặng hỏi mãi Tấn mới chìa tờ báo ra. Khi Tấn ôm mặt nức nở gọi bố thì bạn bè hiểu ra được, bố Tấn mắc bệnh đột xuất, chẩn đoán ban đầu tai biến mạch máu não (Kết luận sau cùng tại Bệnh viện Quân y 175 là thiếu máu não cấp), Quân chủng PK-KQ mà trực tiếp là Trung đoàn 917, Sư đoàn 370 phải điều động máy bay trực thăng, bay ra Đảo Song Tử Tây để đưa về đất liền tiếp tục cứu chữa. Tấn không trách mẹ vì chưa báo tin ngay cho Tấn, bởi Tấn biết, mẹ sợ Tấn lo mà ảnh hưởng đến học tập.

“Bây giờ, bố em đã đỡ nhiều rồi. Qua gian nan của gia đình, em thấy thương bố và đồng đội của bố đang công tác ở Trường Sa. Từ thương yêu, em sẽ cố gắng rèn luyện, học tập, phấn đấu thật tốt để bố mẹ yên tâm. Em mong muốn sau này ra trường, sẽ được ra công tác ở Trường Sa. Trước là để được rèn luyện, sau đó cũng là để cảm ơn những nghĩa tình mà đồng đội của bố dành cho riêng bố trong lúc hoạn nạn và gia đình của em…”. Tấn nói cùng ánh mắt rực khát vọng, niềm tin của tuổi trẻ.

Niềm tin của Tấn khiến tôi rưng rưng cảm động khi nghe mẹ Tấn là chị Võ Thị Hồng tâm sự. Chị Hồng bảo rằng, dù không có bố bên cạnh bảo ban thường xuyên, nhưng các con của chị luôn chăm ngoan và tự hào vì là con của bộ đội. Tuy thế, dù luôn tự động viên, an ủi bản thân nhưng có những giây phút chị cũng cảm thấy yếu lòng, tủi thân, nhất là khi chồng đổ bệnh. Song, những giây phút yếu lòng đó trôi qua nhanh vì chị cảm nhận được sâu trong tâm khảm người chồng, ấy là bên cạnh tình yêu gia đình, là tình yêu Tổ quốc, và chị biết anh không của riêng mình. Chẳng thế, giờ đang nằm trên giường bệnh, nhưng anh vẫn muốn mau khỏi bệnh để quay lại đảo, dẫu điều ấy là không thể.

Trở về với thực tại trong căn nhà chị Trần Thị Thảo, khi tôi đưa tay vuốt lên những phiếu bé ngoan thì cháu Thùy Linh khóc òa mà bảo rằng, chú đừng lấy của cháu, đấy là quà cháu dành tặng bố khi bố trở về đấy. Khi tôi bảo rằng, chú vuốt để chụp ảnh gửi ra cho bố cháu thì Thùy Linh nhảy chân sáo vào phòng lấy giấy, bút và viết chữ “Con yêu bố Dũng nhiều lắm”.

Nhìn Thùy Linh vừa nắn nót từng nét chữ vừa khóc, khiến hình ảnh và câu nói của đứa trẻ 5 tuổi làm lòng tôi xốn xang khó tả. Tôi nghiệm ra rằng, sức mạnh của người lính giữ trời nơi địa đầu sóng nước của Tổ quốc thiêng liêng ngày qua ngày được được nhân lên khi gia đình, hậu phương luôn là điểm tựa vững chắc để các anh ngày đêm can trường vượt qua mọi thử thách, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng trời, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

NGÔ TIẾN MẠNH

>>> Kỳ 3: Những người vợ “2 trong 1”

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website