Từ “Bác sĩ chuyên khoa”, “Bác sĩ đa khoa”…
Ở các trung đoàn không quân, những người thợ máy bảo đảm công tác kỹ thuật ngoại trường có thể ví như những “bác sĩ” khám, chữa bệnh ngoại trú. Các “bác sĩ” ở trung đoàn phản lực chiến đấu được ví như những “bác sĩ chuyên khoa” cần mẫn, tận tụy, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ kể cả thường xuyên cũng như khẩn cấp. Làm tốt công tác chuẩn bị kỹ thuật hàng không trước ngày bay, trước khi bay, giữa các chuyến bay và sau khi bay là yêu cầu bắt buộc, thường xuyên đối với thợ máy kỹ thuật ngoại trường. Trước ngày bay, cán bộ, nhân viên kỹ thuật phải làm công tác chuẩn bị, sửa chữa tất cả các hỏng hóc phát sinh của ban bay trước; tiến hành nạp dầu, mỡ, khí bổ sung cho chuyến bay nhiệm vụ, huấn luyện của ngày hôm sau. Trước chuyến bay, máy bay phải được kiểm tra kỹ một lần nữa để đảm bảo tuyệt đối không có sai sót.
Cán bộ, kỹ thuật viên Trung đoàn 923, Sư đoàn 371 kiểm tra máy bay Su-30MK2 trước ban bay. Ảnh: ĐỨC LƯU
Quá trình chuẩn bị bay không những đòi hỏi người thợ kỹ thuật phải tuân thủ các quy trình chuẩn bị bay, họ cần có cả kinh nghiệm nghề nghiệp với các giác quan nhạy bén. Sự phối hợp các giác quan đồng thời như mắt quan sát tham số đồng hồ, tay di chuyển tay ga, cần lái, tai nghe tiếng động cơ, mũi ngửi mùi khác lạ để “chuẩn đoán bệnh” của máy bay và động cơ. Cẩn thận kiểm tra từng thông số của máy bay, động cơ và thiết bị hàng không đều phải nằm trong giới hạn cho phép, hàng trăm nội dung được rà soát một cách tỉ mỉ, bảo đảm máy bay tốt, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Công tác bảo đảm kỹ thuật hàng không đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối, vì vậy, máy bay phải tốt, phải được chuẩn bị theo nhiệm vụ bay và có lí lịch sổ sách đăng ký đầy đủ trước khi phi công tiếp nhận thực hiện nhiệm vụ. Để tránh sai sót kỹ thuật do con người, công tác kiểm tra theo phân cấp được thực hiện rất nghiêm túc: Kỹ thuật viên làm, kỹ thuật trưởng kiểm tra giám sát, phó phi đội trưởng kỹ thuật là người kiểm tra cuối cùng và ký phê chuẩn cho bay. Khi tiếp thu máy bay về, trường hợp phi công phản ánh hỏng hóc thì cả đội tiến hành hội ý chuẩn đoán, khắc phục hỏng hóc, sửa chữa, thay thế kịp thời cho chuyến bay tiếp hoặc ngày bay tiếp theo.
Nếu như các kỹ sư, thợ máy ở các trung đoàn phản lực, trực thăng, vận tải huấn luyện được ví là “bác sĩ chuyên khoa” thì các kỹ sư, thợ máy của Lữ đoàn 918 được ví là các “bác sĩ đa khoa” bởi họ đã và đang khác thác, sử dụng nhiều loại máy bay mới, hiện đại. Từ năm 1980 đến nay, đơn vị khai thác chủ yếu các loại K-52, AH-2, AH-26 và M-28, C-212-400, C-295, gần đây nhất là NC-212i phục vụ cho huấn luyện, khai thác cho nhiệm vụ vận chuyển, bay thông báo bão... Với những máy bay mới như C-295 các “bác sĩ” nhiều khi phải bay cùng với phi công và thành viên tổ bay, cơ giới xếp tải trên không để làm nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật tại các sân bay quá cảnh như Đà Nẵng, Phù Cát, Phan Rang… không có “Bảo hiểm hành khách”. Nhiều khi do thời tiết xấu máy bay không ra được các anh phải lưu lại ở Tân Sơn Nhất cả tháng.
Nếu như các “bác sĩ” phải trực cấp cứu thì đối với những thợ máy không quân cũng luôn phải thực hiện nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu cấp 1,2,3, luôn đòi hỏi kỹ thuật hàng không tốt, sẵn sàng chiến đấu, các thợ máy có mặt 24/24 tại khu trực ban chiến đấu. Các ngày nghỉ lễ, Tết, các ngày trực tăng cường cho các hội nghị cấp cao, các kỳ đại hội với các anh lại là những ngày trực căng thẳng nhất.
... Đến những “Bác sĩ nội trú”
Xưởng bảo dưỡng kỹ thuật ở các đơn vị không quân được ví như “Khoa nội trú” ở bệnh viện, đây là nơi các máy bay đến hạn “khám tổng quát” định kỳ (bảo dưỡng) và sửa chữa các hỏng hóc bất thường xảy ra trong huấn luyện. Hầu hết các hỏng hóc phát sinh đều được sửa chữa, khắc phục ngay tại xưởng. Việc bảo dưỡng định kỳ có thể ví như một dạng sửa chữa dự phòng, ngăn chặn các hỏng hóc mang tính chu kỳ. Việc tháo rời, lắp ráp các chi tiết, bộ phận, căn chỉnh hệ thống theo quy trình công nghệ và phiếu bảo dưỡng được tiến hành tại đây. Do vậy, thợ máy ở đây có trình độ chuyên môn và tay nghề rất cao, có những “đôi bàn tay vàng” của Không quân nhân dân Việt Nam.
Xưởng cũng là nơi có nhiều sáng kiến, cải tiến của những kỹ sư, kỹ thuật viên hàng không. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật liên quan đến thiết kế chế tạo các bàn kiểm tra, các thiết bị mặt đất như tăng áp, thay lốp, nạp dầu mỡ; thiết bị kiểm tra khối nguồn của hệ thống ra đa ngắm bắn quang điện tử, chế tạo thiết bị kiểm tra tín hiệu cất hạ cánh trên máy bay, lưới ngăn chim bay vào động cơ… Tất cả đều là thành quả lao động sáng tạo không mệt mỏi của những kỹ sư, kỹ thuật viên hàng không hàng đầu của Bộ đội Không quân, góp phần tiết kiệm thời gian, công sức, ngân sách Nhà nước.
“Mọi thắng lợi trên không đều bắt nguồn từ mặt đất”; “Đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể” sẽ mãi là truyền thống quý báu được những người thợ máy không quân gìn giữ và phát huy. Họ đã, đang và sẽ ngày đêm chăm sóc, duy trì độ tin cậy của kỹ thuật hàng không, bảo đảm cho máy bay, động cơ tốt và luôn luôn đáp ứng cho nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.
THANH TÙNG