Câu lạc bộ Lý luận trẻ - nơi định hướng tư tưởng cho thanh niên
Thực hiện hướng dẫn của Ban Thanh niên Quân đội về việc thành lập và tổ chức hoạt động Câu lạc bộ Lý luận trẻ trong thanh niên giai đoạn 2019-2022; Ban Thanh niên Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) đã có hướng dẫn về việc thành lập và tổ chức hoạt động Câu lạc bộ Lý luận trẻ với mục đích tập hợp, tạo diễn đàn, sân chơi cho thanh niên Quân chủng trong lĩnh vực lý luận, chính trị, tư tưởng; góp phần nâng cao nhận thức, trình độ, bản lĩnh chính trị, nhận diện và đấu tranh kịp thời, có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên mạng Internet, mạng xã hội, củng cố, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội.
Phút giải lao sau giờ huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra đa 59, Trung đoàn 291, Sư đoàn 365. Ảnh: ĐỨC LƯU
Để thành lập và đi vào hoạt động các đơn vị cần duy trì hoạt động Câu lạc bộ chặt chẽ, thiết thực, hiệu quả; có tính chính trị, tính chiến đấu và tính lý luận; bảo đảm phù hợp với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và đối tượng thanh niên nhằm phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị, tổ chức đoàn các cấp và cán bộ, đoàn viên, thanh niên.
Tên thống nhất của các câu lạc bộ là: “Câu lạc bộ Lý luận trẻ” được thành lập ở cấp đoàn cơ sở; cơ quan chính trị hoặc lãnh đạo, chỉ huy ra quyết định thành lập Câu lạc bộ và Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Các học viện, nhà trường, Báo PK-KQ là các đơn vị bắt buộc thành lập Câu lạc bộ, các đơn vị khác có thể nghiên cứu, vận dụng thành lập nếu thấy phù hợp, thiết thực và có tính khả thi.
Cơ cấu của Câu lạc bộ bao gồm: Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ, số lượng từ 3-7 đồng chí, có chủ nhiệm và các ủy viên là cán bộ Đoàn, cán bộ đảm nhiệm công tác thanh niên. Thành viên Câu lạc bộ là cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong đơn vị, không giới hạn số lượng, nếu đông có thể chia thành nhóm, tổ; vận động đoàn viên, thanh niên tham gia đông đảo trên tinh thần tự giác, tự nguyện, đáp ứng một số tiêu chí cơ bản (yêu thích, có khả năng nghiên cứu về lý luận chính trị; lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị kiên định; thái độ trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật tốt; có kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, khuyến khích đảng viên, cán bộ đoàn, báo cáo viên, tuyên truyền viên tham gia; ngoài ra, tùy điều kiện, có thể mời các đồng chí cựu chiến binh, cấp ủy viên, các chuyên gia).
Quy trình thành lập cần trải qua các bước: Khảo sát các điều kiện để thành lập Câu lạc bộ; dự kiến nhân sự Ban Chủ nhiệm và các thành viên; xây dựng quy chế và kế hoạch hoạt động; ra quyết định thành lập Câu lạc bộ, Ban Chủ nhiệm; tổ chức ra mắt và chính thức đi vào hoạt động. Nội dung và hình thức hoạt động xoay quanh việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc; thành lập các fanpage làm diễn đàn trung tâm để đấu tranh; chia sẻ các tin bài, hình ảnh; bình luận; viết và đăng tải các loạt bài chuyên sâu, sử dụng ngân hàng đấu tranh nhanh; ứng dụng tiện ích các phần mềm của các trang mạng xã hội như: Blog, facebook, zalo, youtube... Tương tác với các tài khoản, địa chỉ đấu tranh khác của đơn vị; bám sát các sự kiện chính trị nổi bật trong từng thời điểm để các chủ đề được sát, đúng, trúng; tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, đề xuất các sáng kiến.
Kết cấu buổi sinh hoạt lý luận chính trị, tư tưởng: Phần 1 thường điểm tin trong nước và quốc tế hoặc nghe báo cáo chuyên đề. Ban Chủ nhiệm phân công 1 đến 2 thành viên chuẩn bị và thực hiện, có thể kết hợp thi trắc nghiệm kiến thức về chính trị, kinh tế, xã hội hoặc các vấn đề đoàn viên, thanh niên quan tâm, nổi bật trong tuần, trong tháng... Phần 2 tổ chức thảo luận và phản biện về một chuyên đề học thuật cụ thể. Ban Chủ nhiệm có thể chọn nội dung có giá trị dài lâu, lịch sử, lý luận, vấn đề thực tiễn, vấn đề của thanh niên để thảo luận. Tạo điều kiện cho các thành viên đăng kí chủ đề sẽ thảo luận tại buổi sinh hoạt trước đó, có thể phân chia thành hai nhóm chính biện và phản biện. Nhóm chính biện đăng ký nội dung sẽ thảo luận tại buổi sinh hoạt chuyên đề, trình bày và bảo vệ luận điểm. Các thành viên còn lại của câu lạc bộ sẽ đóng vai trò phản biện.
Sau đó, chủ trì kết luận vấn đề và thông tin quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với các nội dung còn tranh luận. Thời gian sinh hoạt Câu lạc bộ thường vào các ngày nghỉ, giờ nghỉ, tối thiểu sinh hoạt 1 lần/1 tháng. Cơ quan chính trị, trực tiếp là Ban (trợ lý) Thanh niên chỉ đạo, hướng dẫn Ban Chấp hành đoàn các cấp thành lập, duy trì hoạt động Câu lạc bộ; nhân rộng các mô hình, cách làm hay, hiệu quả. Định kỳ hàng năm, các đơn vị chỉ đạo sơ kết, rút kinh nghiệm và tổng hợp, báo cáo kết quả hoạt động của các Câu lạc bộ về Cục Chính trị PK-KQ, việc tổng kết sẽ được tiến hành vào năm 2020.
BÍCH PHƯỢNG