20 giờ:36 phút Chủ nhật, ngày 22 tháng 1 , 2017

Cúc Quỳ nở muộn

Phan Rang chiều cuối năm. Hoàng hôn sậm một màu đỏ quạch. Những ngọn gió rượt đuổi nhau lao xao trên vòm cây trứng cá. Mặc kệ “nắng như rang” và “gió như phang”, vạt cúc đại đóa trước cửa Tiểu đoàn bộ vẫn cháy rực một màu vàng nguyên thủy.

Cúc Quỳ nở muộn
Kết thúc buổi giao ban tuần, Nghị vội vàng trở về phòng nghỉ. Màn hình điện thoại bỗng sáng lên, biểu tượng hoa cúc quỳ nhấp nháy. Chẳng cần mở ra anh cũng biết là người yêu đang CHAT. Chưa kịp trả lời tin nhắn, anh đã bị Tiểu đoàn trưởng Lãm bắt quả tang:

- Tôi đang tự hỏi “ông” Tham mưu trưởng biến đi đâu mà nhoáng cái đã mất tăm. Thì ra vì cái “món” này. Thôi, nói vài câu cho “nàng” yên tâm. Phụ nữ mà, cứ phải ưu tiên trước.

Nghị cất điện thoại, quay qua Lãm ngạc nhiên:

- Chẳng phải trong giao ban ta đã bàn kỹ công việc rồi sao? 

Lãm ngồi xuống ân cần:

- Việc chung thì đúng là quá ổn. Vừa rồi đơn vị ta tham gia bắn đạn thật đã diệt mục tiêu, giành cờ bắn giỏi, tôi chẳng có gì phải vân vi. Mọi việc chuẩn bị vui Tết, đón Xuân cũng đã hòm hòm. Bàn là bàn cái việc “lớn lao, to tát” của riêng “ông” kìa. Chúng ta cứ thất hứa kiểu này, chẳng biết chị em có còn dám tin và yêu bộ đội nữa không đây?

Nghị đỏ mặt, gãi tai:

- Kể ra thì cũng gay go thật. Tôi trễ hẹn cả tháng chứ ít gì đâu. Tình hình này…

Lãm bật dậy hào hứng:

- Thế mời phải bàn. Tôi tính thế này “ông” xem có được không nhé? “Ông” về lo việc đại sự nhưng phải tranh thủ kiêm thêm việc thẩm tra lý lịch đồng chí Toàn. Thế mới kịp kết nạp Đảng vào đúng dịp 3-2. Từ đó qua Thạch Thất cũng không xa lắm phải không? Tôi và đồng chí Hiển - Chính trị viên sẽ ở lại trực và tổ chức ăn Tết cho bộ đội. Nếu nhất trí với phương án này, mai đi giao ban Sư đoàn tôi sẽ báo cáo và xin giấy phép cho “ông” luôn.

Nghị đã thấy nhẹ người, nhưng vẫn phân vân:

- Tôi biết các đồng chí muốn ưu tiên cho tôi, nhưng tình hình đơn vị mình anh biết rồi. Chính trị viên Hiển bệnh chưa khỏi hẳn, anh thì cũng đã vài năm nay chưa đưa gia đình về quê ăn Tết với bà cụ…

Lãm gạt đi:

- Việc cần ưu tiên phải ưu tiên chứ. “Ông” cứ kéo pháo về thể hiện cho ra trò vào. Muốn trực thì sang năm ở lại, chúng tôi nhường hết. Thôi, đèn điện thoại lại sáng kia kìa, trả lời cô ấy đi. Báo tin này cho cô ấy yên tâm. Thời buổi này, tìm được cô gái dám chờ “ông” tới 5 năm là hiếm lắm đấy. Liệu mà giữ cho chắc nhé!

Tiểu đoàn trưởng Lãm là thế. Dẫu hơn Nghị tới 3 tuổi nhưng ngoài giờ anh vẫn xưng hô ông ông, tôi tôi thân mật vậy đó. Được sống trong một tập thể mà cấp trên, cấp dưới thân tình, hòa đồng như thế này, Nghị thấy mình thật may mắn.

Anh vào nhận công tác trong này cũng đã ngót 5 năm rồi. Trong suốt thời gian ấy, số lần về phép của Anh không nhiều. Dịp đó Sương lại mắc đi công tác nên họ chỉ có mấy ngày bên nhau. Cầu nối của họ chủ yếu là điện thoại, Facebook, Zalo… là những bức thư qua email viết vội sau giờ làm việc bận rộn hay sau những chuyến anh phải đi diễn tập, đi hành quân dã ngoại dài ngày. Không ít lần, trang nhật ký của Sương ướt nhòe nước mắt vì nhớ, vì thương. Biết cô phải hàng ngày đối diện với nỗi nhớ thương, phải chấp nhận những năm tháng chờ đợi dằng dặc, nhưng là một người lính, anh biết làm sao đây? Chỉ mong Sương đã yêu thì hãy hiểu và tin anh. Có một ấn tượng đẹp về cô mà anh luôn khắc ghi vào tận đáy lòng. Lần ấy mẹ anh không may bị tai nạn giao thông. Các chị gái anh đều lấy chồng xa, suốt 3 tháng trời mẹ nằm viện, một tay Sương sớm hôm chăm sóc. Được cấp trên cho nghỉ phép 1 tuần, anh mau mải trở về thăm mẹ. Đập vào mắt anh là cái dáng ngủ ngồi tồi tội của Sương. Em ngủ mà tay vẫn nắm chặt tay mẹ. Cô y tá ra hiệu cho anh im lặng rồi nói khẽ: “Cô ấy đã thức suốt mấy đếm rồi đấy. Hiếm có cô gái nào chăm mẹ tận tình đến thế. Bác nhà anh thật là người có phúc”. Sau lần ấy, tình yêu của anh đối với Sương ngoài sự rung cảm, thấu hiểu, chia sẻ, còn có cả sự hàm ơn nữa.

Sau khi trao đổi với Tiểu đoàn trưởng Lãm, đã năm lần mười lượt Nghị cứ viết tin rồi lại xóa. Trong thâm tâm, Nghị rất muốn báo với Sương cái tin anh sắp về, nhưng lại sợ cô thêm một lần mừng hụt. Nhiệm vụ của người lính, chưa thể nói trước được điều gì. Thôi thì để khi nào cầm giấy phép trong tay hãy hay. Nghĩ thế, anh liền mở điện thoại, nhẹ nhàng nhấn từng con chữ chan chứa yêu thương: “Em à, tình yêu trong xa cách giống như ngọn lửa trong gió, gió sẽ thổi tắt ngọn lửa nhỏ và thổi bùng ngọn lửa lớn. Câu nói này rất đúng với cuộc sống và tình yêu của những người lính như anh”.

… Đã bước sang những ngày tháng Chạp, tiết trời dường như đang lạnh thêm lên. Ngoảnh đi, ngoảnh lại, năm mới đã cận kề. Chiều muộn, Sương lững thững dạo gót bên những sườn đồi cháy rực màu cúc quỳ hoang dại. Cô đi mà như vô thức. Văng vẳng trong tâm trí Sương là lời hứa hẹn của anh, rằng đến mùa Thu sẽ xin nghỉ phép cùng cô tính cuộc “vuông tròn trăm năm”. Lần ấy, cũng ở khoảng đồi này, anh và cô đã nắm tay nhau đi giữa biển hoa vàng. Sắc nắng óng ả chiếu vạt theo những sườn đồi khiến màu vàng như nắng mật của loài hoa dại thêm nổi bật. Trước vẻ đẹp thiên nhiên thật kỳ vĩ, anh thủ thỉ: “Chúng mình sẽ cưới nhau vào giữa mùa hoa cúc quỳ nở rộ. Anh sẽ “mượn” sắc vàng cúc quỳ để kết thành hoa cưới cầm tay, kết trên nón cô dâu và làm thành nền vàng rực rỡ cho những bức ảnh của chúng mình thêm phần ấn tượng”.

Thế mà đã 2 mùa hoa cúc quỳ sắp qua rồi, Nghị vẫn chưa thấy trở về.

Yêu anh, tin anh, Sương chẳng nghĩ gì nhiều đâu. Nhưng mẹ Sương và mẹ anh thì sốt ruột ra mặt. Hai bà mẹ cứ giục cô gọi điện hỏi xem có đúng là anh đang vào mùa diễn tập nên mới đành lỡ hẹn với cô và gia đình không? Để cho các mẹ yên tâm, cô đành nói “ứng” ra rằng chắc chắn anh sẽ trở về, chỉ muộn hơn dự định ít ngày thôi. Cũng như anh, Sương đặt niềm tin vào tình yêu nhiều lắm. Nghị của cô không cao to, không đẹp trai và cũng không giàu có. Anh cũng không săn đón, nhiệt tình, không chạy theo cô hết mình như những chàng trai khác. Anh chỉ là người lính bình thường, giản dị, nhưng cô lại lựa chọn anh, yêu anh bởi sự thẳng thắn và cương trực, bởi anh biết sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình. Cô yêu cả cái cách thể hiện tình cảm chẳng giống ai của anh nữa. Chỉ mới nghĩ đến anh thôi, cả một trời kỷ niệm bỗng ùa về.

… 5 năm trước, Nghị ngỏ lời yêu Sương khi anh chuẩn bị tốt nghiệp Học viện Phòng không - Không quân, còn Sương lúc ấy đang là sinh viên năm cuối của Trường Kinh tế Quốc dân. Họ vốn là đôi bạn thanh mai trúc mã suốt một thời niên thiếu. Không chỉ ở cạnh nhà nhau mà đôi bạn còn có chung hoàn cảnh là bố mất sớm. Theo lẽ tự nhiên, vừa đồng cảnh ngộ, lại vừa mến tính nết của nhau nên ngay từ hồi còn học cấp 2, rồi cấp 3, các bạn cùng lớp đã gán cho họ cái biệt danh “Sương như Tấm”, Nghị như vua”.

Năm đầu tiên chính thức là người yêu của nhau, họ đã có một kỳ nghỉ lãng mạn vào đúng mùa hoa cúc quỳ nở rộ. Chẳng phải ở Tây Nguyên xa xôi mới có cúc quỳ, mà Ba Vì quê hương của Nghị và Sương cũng có bạt ngàn loài hoa dân dã này. Cúc quỳ còn gọi là dã quỳ hay hướng dương dại. Đây là “loài hoa báo hiệu mùa Đông” bởi nó chỉ nở hoa vào khoảng tháng 10-11 âm lịch, khi miền Bắc sắp bước vào ngày Đông lạnh giá. Khi họ sinh ra, cúc quỳ đã có sẵn rồi. Cúc quỳ vừa giống như một người bạn thân thiết, lại vừa giống như một nhân chứng sống của mối tình Sương - Nghị. Ngay cả khi họ trao nhau nụ hôn đầu tiên, cũng có vị ngái nồng đăng đắng của hoa cúc quỳ.

Trong một lần nắm tay nhau chạy trên sườn đồi, chính Nghị đã kể cho cô nghe rằng loài hoa này đã theo chân người Pháp, cùng với cây trà và cà phê đến với mảnh đất cao nguyên của Việt Nam. Ban đầu, hoa cúc quỳ được phủ lên những ngọn đồi trọc, ít màu mỡ để làm phân bón, ươm cho cây trà và cà phê. Từ đó, chúng mọc ở khắp mọi nơi, nhất là những vùng ngoại ô Đà Lạt hay cao nguyên Pleiku. Cúc quỳ chỉ ra hoa vào cuối năm, vàng rực cả triền đồi. Kể đến đây, anh hóm hỉnh búng nhẹ vào mũi cô:

- Sau này, có một chàng trai, biết cô gái tên Sương yêu loài hoa này nên đã mang chúng về quê hương nhân giống. Và nó đã trở thành vẻ đẹp độc đáo của vùng Quốc gia Ba Vì yêu quý của chúng ta.

Biết anh chỉ bịa chuyện để trêu mình, Sương vẫn thấy xúc động xen lẫn tự hào. Nghị học giỏi đều ở cả 3 cấp, anh thi đậu vào Học viện Phòng không – Không quân với số điểm khá cao. Tốt nghiệp chuyên ngành Pháo Phòng không, anh đi một mạch vào phía Nam. Sương ở lại bắt đầu chuỗi ngày chờ đợi với nỗi nhớ đong đầy trong những lá thư, những tin nhắn để giữ cho anh một niềm tin trọn vẹn. Ngày anh được thăng chức Phó Tiểu đoàn trưởng, Sương cũng chỉ có thể chúc mừng qua điện thoại. Tốt nghiệp đại học, Sương chọn ngay chính quê hương mình làm nơi lập nghiệp. Ngoài giờ làm việc ở Ngân hàng, cô chỉ quanh quẩn bên hai bà mẹ. Để chuẩn bị cho ngày vui của các con, hai gia đình đã chuẩn bị khá chu đáo. Ngày cưới cũng đã định rồi, thế mà chờ mãi vẫn chưa thấy anh về. Trong cuộc trò chuyện gần đây nhất, anh vẫn bảo cô hãy kiên tâm chờ đợi. Thu xếp xong anh sẽ về ngay. Thì cô đã chờ anh ngót 5 năm rồi đấy thôi? Chờ anh thêm một thời gian nữa nào có thấm tháp gì. Nhưng… chỉ sợ lúc đó mùa cúc quỳ đã qua, anh sẽ chẳng còn hoa để kết thành hoa cưới tặng cô.

Ngổn ngang trong những suy tư, Sương trở về nhà khi thành phố đã lên đèn. Đêm ấy trong giấc mơ, cô cảm nhận được vòng tay anh ôm chặt. Thậm chí, cô còn cảm nhận được cả mùi mồ hôi vừa quen, vừa lạ của anh. Khéo léo kết những bông cúc quỳ vàng tươi sắc nắng thành chiếc vương miện, anh vừa tinh nghịch trêu cô:

 - Nhìn ở bất kỳ phương diện nào, anh cũng thấy cúc quỳ rất giống em.

Cô lườm yêu anh:

- Giống sao?

- Này nhé, cúc quỳ dân dã, thân thiện, mang đời sống nội tâm phong phú chả là tính cách của em là gì? Cúc quỳ không chỉ kiêu hãnh mà còn tượng trưng cho tình yêu mãnh liệt và chung thủy, giống như em đã chờ đợi và tin anh.

Trong nụ hôn kéo dài, đắng nồng mùi hoa dại, cô vẫn thầm nghĩ: “Em lại thấy cúc quỳ giống anh. Dù mọc nơi khô cằn sỏi đá, vẫn có thể sinh tồn và vươn lên mạnh mẽ”. Tỉnh dậy, cô thấy má mình hoen nước mắt, chiếc điện thoại chớp sáng liên tục. Thì ra Sương đã bỏ lỡ khá nhiều cuộc điện thoại của anh mà không biết.

Chiều 23 Tết, khi Sương đang giúp mẹ sửa soạn ban thờ chuẩn bị cúng ông Công, ông Táo thì Nghị đột ngột bước vào. Mặc kệ sự có mặt của người lớn, Sương chạy ào vào vòng tay của anh bật khóc tức tưởi. Bao nhớ thương, hờn giận chất chứa trong lòng giờ đây tan biến hết. Nghị kéo cô về thực tại bằng một câu hỏi:

- Anh chỉ có 12 ngày phép, có đủ thời gian cho chúng ta tổ chức lễ cưới không em?

Mẹ Sương lúc này mới nhỏ nhẹ xen vào:

 - Thế cũng tốt rồi. Ngày xưa bố con Sương từ chiến trường về, chúng ta chỉ có 3 ngày vừa dạm vừa cưới thôi đấy. Con không xin nghỉ thêm được sao? 

- Con đã nghỉ trước và trong Tết rồi, cũng phải vào trực để các anh em khác còn về vui Xuân với gia đình chứ ạ. Nhưng lần này con sẽ không vào trong đó một mình đâu. Mẹ cho phép con đưa cô ấy vào đơn vị hưởng tuần trăng mật mẹ nhé.

Nghị ngồi trò chuyện với mẹ Sương ít phút, chủ yếu bàn và thống nhất chuyện cưới hỏi của 2 đứa. Nhoáng một cái, Sương đã kéo anh ra khoảng đồi sau nhà. Cả biển hoa vàng hôm trước đẹp là thế, nay chỉ còn lác đác vài bông nở muộn. Mặc dù nở muộn, sắc hoa cúc quỳ cũng chẳng chịu bớt vàng.

Nghị nắm nhẹ bàn tay người yêu, giọng anh nồng nàn tha thiết:

- Dù nở muộn, số hoa này cũng vẫn đủ để anh kết thành hoa cưới. Em có bằng lòng làm vợ anh không?

Phải mất đến vài giây trấn tĩnh, Sương mới nghẹn ngào trả lời anh:

- Mặc kệ cúc quỳ có còn hoa hay không, chỉ cần anh về với em, thế đã là quá đủ.

Truyện ngắn của QUỲNH VÂN

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website