Kết nghĩa, kết duyên
“Em chúc anh cùng đồng đội luôn mạnh khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chung tay cùng quân và dân cả nước sớm chiến thắng đại dịch Covid-19. Em và các con rất mong anh về. Nhớ và yêu anh nhiều!” - Đó là lời nhắn gửi của chị Lê Thị Hà - Nhân viên Điều dưỡng, Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Ninh với chồng của mình là Đại úy QNCN Trần Việt Bắc - Nhân viên Tiêu đồ 9x9, Đại đội 10, Trung đoàn 213, Sư đoàn 363.
Đã gần 2 tháng nay, Đại úy QNCN Trần Việt Bắc chưa được về thăm nhà. Một phần do thực hiện nhiệm vụ canh trực, SSCĐ tại đơn vị, phần nữa là bởi anh cùng đồng đội đang chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, chị Hà vừa phải hoàn thành công việc ở cơ quan, vừa phải thay anh giải quyết công việc gia đình, chăm sóc, nuôi dạy hai con ăn học; là hậu phương vững chắc để anh yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Năm 2000, sau khi tốt nghiệp Trường Trung học kỹ thuật Phòng Không (nay là Trường Trung cấp Kỹ thuật PK-KQ), Trần Việt Bắc được điều về công tác tại Đại đội 10, Trung đoàn 213. Vốn có năng khiếu về văn hóa, văn nghệ và công tác Đoàn nên anh được bầu làm Bí thư Chi đoàn. Năm 2008, anh cùng chỉ huy đơn vị đi dự kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) tại Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Ninh, đơn vị kết nghĩa với Đại đội 10. Hôm ấy, anh thực sự bị cuốn hút bởi một cô điều dưỡng trẻ có dáng thanh mảnh, nước da trắng, vẻ mặt hiền dịu, đặc biệt là lúc nào cũng thường trực nụ cười trên môi. Phút ban đầu ấy để lại cho anh chút bâng khuâng, lưu luyến. Sau buổi lễ kỷ niệm hôm ấy, Bắc xin số điện thoại và được Hà đồng ý.
Từ khi làm quen, sau mỗi ngày huấn luyện, công tác vất vả, Bắc lại gọi điện thoại cho Hà để tâm sự. Bắc kể cho Hà nghe những câu chuyện về người lính PK-KQ, nhất là những khó khăn, vất vả của người chiến sĩ trong môi trường quân ngũ… Bên kia đầu dây, Hà cũng kể cho Bắc nghe những câu chuyện về chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân ở Viện, niềm vui mỗi khi được chứng kiến người bệnh khỏe mạnh được trở về với gia đình, chia sẻ với anh những dự định tương lai. Qua những cuộc điện thoại và những dòng tin nhắn, hai người dần thấu hiểu, cảm thông và càng quý mến nhau hơn; tình cảm 2 người cứ như vậy lớn dần theo thời gian.
Năm 2009, trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), Bắc được giao nhiệm vụ phụ trách đội văn nghệ của đơn vị phối hợp với đơn vị kết nghĩa tham gia giao lưu văn nghệ chào mừng. Khi ấy, Hà cũng phụ trách đội văn nghệ của Bệnh viện tham gia giao lưu. Chương trình văn nghệ kết thúc, Hà bị các đồng nghiệp ở Bệnh viện “cố ý bỏ rơi” nhằm tạo điều kiện cho anh bộ đội phòng không có cơ hội thể hiện tình cảm. Một chút bối rối, nhưng Hà cũng đồng ý để Bắc đưa về nhà. Quãng đường 3km từ đơn vị về nhà Hà, đi qua những con phố dưới ánh đèn đêm thật lung linh, huyền ảo. Hôm đó, hai người đã chia sẻ, trao gửi cho nhau những lời yêu thương, hẹn thề non biển. Hà càng cảm phục và trân trọng Bắc hơn khi biết gia đình anh có hoàn cảnh khó khăn. Mẹ anh mất sớm, bố thường xuyên đau yếu, bệnh tật, các chị gái đi lấy chồng xa, mình anh là con trai phải cáng đáng việc gia đình, chăm sóc cho bố. Vậy nhưng, anh vẫn luôn cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện trở thành người đảng viên, quân nhân phục vụ lâu dài trong Quân đội.
Ngày 2-3-2010, hai người chính thức về chung một nhà trước sự chung vui của hai bên gia đình, đồng chí đồng đội và đơn vị kết nghĩa. Trái ngọt của tình yêu đó là cô con gái và cậu con trai khỏe mạnh, học giỏi. Dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng tổ ấm của họ luôn ngập tràn niềm vui hạnh phúc.
Bài, ảnh: CAO THANH ĐÔNG