Cẩn trọng khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin về dịch Covid-19 trên mạng xã hội
Những thông tin giả, thông tin sai lệch về dịch Covid-19 trên các trang mạng xã hội đã và đang làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng; gây tâm lý hoang mang cho người dân. Vì vậy, mỗi người dân, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng cần phải cẩn trọng khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin về tình hình dịch; từ đó, tích cực chung tay cùng với cả nước đẩy lùi dịch bệnh.
Sư đoàn 375 tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid 19. Ảnh: HỮU LỆNhững cá nhân đưa ra những thông tin giả, sai lệch về dịch bệnh gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho nhân dân, đi đâu, làm gì cũng sợ dịch bệnh; tạo hiệu ứng bỏ khỏi nơi hoang báo có dịch để tránh dịch, đua nhau đi mua đồ tích chữ, dẫn đến tình trạng tụ tập đông người, đẩy giá hàng hóa lên cao, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân, nảy sinh nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, khó khăn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của cơ quan chức năng. Những người đưa ra thông tin giả, sai lệch xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Do muốn thể hiện mình là người của thời cuộc, có người vì muốn câu like, câu view trên mạng xã hội, cùng với đó là sự cổ súy mù quáng của một số bạn bè trên mạng xã hội thông qua việc like và chia sẻ; việc xử lý, xử phạt hành vi tung tin giả, bịa đặt, của cơ quan chức năng chưa đủ sức răn đe…
Việc đưa ra thông tin giả, bịa đặt là vi phạm pháp luật. Cụ thể, vi phạm Điểm d, Khoản 1, Điều 8, Luật An ninh mạng, cấm hành vi: "Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác"; vi phạm Điểm g, Khoản 3, Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin là “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự nhân phẩm, uy tín của người khác”; vi phạm Điểm a, Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ban hành ngày 3-2-2020, có hiệu lực từ 15-4-2020, hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, sai sự thật trên mạng xã hội” mức xử phạt hành chính là từ 10 đến 20 triệu đồng.
Để ngăn chặn những thông tin giả, thông tin chưa được kiểm chứng do một số người thiếu ý thức vì cộng đồng đưa ra về tình hình dịch bệnh; mỗi người hãy thể hiện là công dân có trách nhiệm với cộng đồng, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải cẩn trọng khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin về dịch Covid-19, phân biệt rõ tin thật, tin giả. Các cơ quan, đơn vị cần làm tốt công tác giáo dục, quán triệt thực hiện nghiêm chỉ thị của Ban Bí thư, chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo Quốc gia, hướng dẫn của Bộ Y tế; các văn bản chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Quân chủng PK-KQ để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về thông tin; kịp thời nắm chắc tình hình, diễn biến của dịch Covid-19 để tuyên truyền trong đơn vị; nghiêm cấm các hành vi chia sẻ các thông tin không rõ nguồn gốc, không được kiểm chứng; xây dựng tinh thần cảnh giác cho bộ đội với các trang web giả mạo, mượn danh các đồng chí lãnh đạo, người có uy tín để đăng tải nội dung sai lệch; khi cần nắm tình hình dịch bệnh thì truy cập vào các cơ quan báo chí, cổng thông tin điện tử chính thống, như: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, VnExpress, VOV, VTV, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế… Đồng thời, phát huy lực lượng 47 ở đơn vị trong việc làm nòng cốt viết bài đấu tranh trên không gian mạng, lên án hành vi đưa tin giả, bịa đặt; kịp thời phát hiện, thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 để xử lý.
Để chung tay chống lại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, mỗi người cần thực hiện đúng quy định, khuyến cáo của ngành y tế, đồng thời cần cảnh giác với những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội.
ĐÌNH KÝ