6 giờ:0 phút Thứ sáu, ngày 11 tháng 11 , 2016

Nhiên liệu cho máy bay quân sự có gì đặc biệt?

Khác với những phương tiện khác làm nhiệm vụ trên đường bộ hoặc đường thủy, hoạt động trong một môi trường đặc biệt và khắc nghiệt, máy bay quân sự cần hệ thống nhiên liệu với những chỉ tiêu chất lượng nghiêm ngặt theo yêu cầu của nhà sản xuất máy bay.

Nhiên liệu cho máy bay quân sự có gì đặc biệt?
Cán bộ, nhân viên Hóa nghiệm Xăng dầu Quân chủng PK-KQ
thực hiện hóa nghiệm xăng dầu.

26 chỉ tiêu lí hóa là yêu cầu đối với nhiên liệu bay. Không có phương tiện nào mà việc bảo đảm nhiên liệu để vận hành lại phải đạt nhiều chỉ tiêu lí hóa như vậy. Theo Đại tá Hoàng Văn Quân - Trưởng Phòng Xăng dầu (Cục Hậu cần), máy bay quân sự hoạt động trong một môi trường khắc nghiệt; nhiên liệu lại là yếu tố quan trọng quyết định trực tiếp chất lượng và độ an toàn cho những chuyến bay nên những đòi hỏi khắt khe về xăng và dầu bay cũng là điều tất yếu. Không chỉ đảm bảo đủ số lượng, nhiên liệu bay đặc biệt cần những yêu cầu về chất lượng. Ví như, chỉ cần độ a xít và trị số a xít lớn hơn quy định là nhiên liệu sẽ có khả năng ăn mòn kim loại. Hoặc nếu độ nhớt không đáp ứng được yêu cầu, máy bay lên trên không sẽ không lưu thông được. Cũng như vậy, trong quá trình chưng cất, nếu nhiệt độ sôi đầu và nhiệt độ sôi 10% mà cao quá, sẽ ảnh hưởng đến quá trình khởi động động cơ. Nhiên liệu cho máy bay phải đạt chuẩn theo đúng các chỉ tiêu của nhà sản xuất yêu cầu ở tất cả mọi chỉ tiêu.

Hiện nay, đa số các máy bay trong Quân chủng đang sử dụng dầu TC1. Một số máy bay nhập từ các nước tư bản sử dụng dầu ZA1. Chỉ có IaK-52 và An-26 sử dụng xăng bay.

Để bảo đảm xăng dầu cho hoạt động bay, cán bộ, nhân viên ngành Xăng dầu phải đảm nhiệm từ việc tiếp nhận, bảo quản đến cấp phát xăng dầu. Kiểm tra chất lượng xăng dầu là việc làm thường xuyên, được thực hiện ở các phòng hóa nghiệm. Theo phân cấp, trong Quân chủng có các phòng hóa nghiệm cấp 1, cấp 2 và cấp 3, trực thuộc từ Quân chủng đến các sư (lữ) đoàn và trung đoàn bay. Dù kiểm tra bao nhiêu chỉ số thì trong quá trình hóa nghiệm, từ việc lấy mẫu, bảo quản, kiểm tra thiết bị hóa nghiệm đến thực hiện thí nghiệm, mỗi công đoạn đều phải được làm đúng quy định và đảm bảo độ chính xác cao. Thượng tá Nguyễn Văn Toản - Trợ lí Phòng Xăng dầu cho biết, ví như, khi kiểm tra nhiệt trị của nhiên liệu phản lực. Công việc đòi hỏi nhân viên hóa nghiệm phải lấy chính xác lượng mẫu sao cho tương ứng với sức chịu đựng của phom chứa nhiên liệu thì mới đảm bảo an toàn. Hoặc khi chưng cất nhiên liệu, nhân viên hóa nghiệm cũng phải biết được tốc độ chảy để xác định điều chỉnh nhiệt đun cho phù hợp. Phương tiện hóa nghiệm hầu hết là các thiết bị thủy tinh dễ vỡ, cộng với hóa chất độc hại, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả hóa nghiệm và sức khỏe con người. Cùng với các thiết bị kiểm tra, nhân viên hóa nghiệm cũng phải có con mắt ngoại quan tốt, nghĩa là phải kịp thời phát hiện ra những điểm bất thường ở nhiên liệu bằng mắt thường, như khi xăng dầu lẫn tạp chất hay nước, để có biện pháp xử lí kịp thời.

Quá trình bảo quản nhiên liệu bay cũng thật công phu. Trước đó, các bể chứa phải được xây theo quy chuẩn về trọng tải, có hệ thống hô hấp, hệ thống làm mát, hệ thống phòng cháy, chống sét, hệ thống lọc… Theo đó, sắt thép bên trong phải được phun êbôxi bảo vệ bề mặt, trên nóc các bể phải có các van hô hấp với chức năng đẩy hơi ra khi nhiệt độ cao, thu hơi vào khi nhiệt độ thấp; hệ thống máy bơm bơm nước lên nóc bể làm dịu nhiệt; hệ thống cứu hỏa cố định phun bọt trực tiếp lên bể. Trong quá trình bảo quản, theo định kỳ 3 tháng, nhiên liệu bay được phân tích kiểm tra một lần, từ 7 đến 9 chỉ số. Với các bể nhiên liệu để cấp phát cho máy bay, nhiên liệu được hóa nghiệm mỗi tháng một lần vì mặc dù được bảo quản nghiêm ngặt song nhiên liệu trong bể chứa không tránh khỏi sự tác động của môi trường.

Đơn vị vừa thực hiện ban bay mẫu do Quân chủng tổ chức, Trung tá Vũ Kim Long - Chủ nhiệm Hậu cần, Trung đoàn 925 (Sư đoàn 372) cho biết, qua quá trình tập huấn công tác bảo đảm kỹ thuật hậu cần sân bay, không chỉ Trung đoàn 925 mà các trung, lữ đoàn Không quân khác đều được thống nhất và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xăng dầu phục vụ huấn luyện bảo đảm an toàn bay và đấu tranh phòng ngừa tai nạn bay, uy hiếp an toàn bay. Anh giải thích thêm, trình tự nội dung công tác bảo đảm xăng dầu cho một ban bay huấn luyện được chia làm ba giai đoạn: chuẩn bị bay, thực hành bay và sau khi bay. Mỗi giai đoạn có nội dung công việc song tất cả đều phải được thực hiện cụ thể, khoa học và cẩn trọng. Nhiên liệu khi cung cấp lên máy bay phải đảm bảo “3 lắng, 5 lọc”.

Với những chuyến bay chuyên cơ, các yêu cầu đó còn nghiêm ngặt hơn. Nhiên liệu sẽ được phân tích chất lượng thêm một số chỉ tiêu. Cơ quan Bảo vệ sẽ niêm phong mẫu lưu xăng dầu, phương tiện xe tra, sau khi thực hiện chuyến bay an toàn mới được hủy mẫu lưu.

Với tính chất công việc khá phức tạp, đòi hỏi tính khoa học và độ chính xác cao, mặc dù còn những khó khăn như thiếu nhân viên hóa nghiệm được đào tạo chuyên sâu, các loại hóa chất phục vụ hóa nghiệm thiếu, số hệ thống kho, bể được xây đồng bộ chưa nhiều song trong nhiều năm qua, cán bộ, nhân viên ngành Xăng dầu Quân chủng đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm xăng dầu phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện, vì những chuyến bay an toàn, thắng lợi.

    Bài, ảnh: HỒNG LINH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website