Hiểu được cái giá của chiến tranh để yêu nước có trách nhiệm
Hàng năm, cứ vào Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7), trên khắp đất nước ta lại phảng phất một gam màu trầm mặc của hương khói và dư âm đau thương, mất mát không gì có thể bù đắp được do chiến tranh trong quá khứ để lại. Trong nỗi đau ấy, hòa bình là mạch nguồn khát vọng hun đúc lý tưởng sống chung của con người Việt Nam.
Tuy nhiên, thời gian qua, dựa vào sự kiện Trung Quốc thực hiện xây dựng quy mô lớn trên các đảo chiếm đóng trái phép của Việt Nam; Bộ Quốc phòng Trung Quốc thiết lập “Vùng nhận dạng phòng không mới ” (ADIZ) trên Biển Hoa Đông… Đặc biệt, sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hage, Hà Lan tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò” trên Biển Đông, trên các trang mạng xã hội, các Blog cá nhân và cả những kênh thông tin khác như Đài BBC tiếng Việt, Đài Á Châu Tự Do RFA… các thế lực thù địch, phản động lại “cấp tốc” đăng tải những bài viết bình luận với giọng điệu đầy hiềm khích.
Mặt khác, lợi dụng các sự việc đó, chúng không ngừng la ó, kích động nhân dân thiếu thông tin để lôi kéo tụ tập, biểu tình, đổ lỗi cho Đảng ta, Nhà nước ta nhu nhược, Chính phủ ta hèn nhát, Quân đội ta yếu kém trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nguy hiểm hơn, chúng còn kêu gọi phát động chiến tranh. Chúng cho rằng, chỉ có chiến tranh mới giải quyết được vấn đề nói trên và rêu rao rằng, chiến tranh là cách thể hiện lòng yêu nước mãnh liệt thiết tha nhất…
Tròn 41 năm non sông thu về một mối, Tổ quốc ta liền một dải. Cùng với thời gian, đất nước ta đã có những bước tiến vượt bậc về mọi mặt, đang trên đà phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng. Tuy thế, những dấu tích lịch sử sau từng ấy năm và nỗi đau do chiến tranh gây ra vẫn còn đeo đẳng nhân dân ta mãi mãi. Không có mảnh đất nào, gia đình nào trên đất nước Việt Nam không phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh. Nhưng vì chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, nên khi “kẻ thù buộc ta ôm cây súng”, trên khắp đất nước ta từ già đến trẻ đều xung phong ra mặt trận, không quản gian khó, sẵn sàng hi sinh để giành, giữ Tổ quốc. Hành trang trong chiến đấu luôn có trong trái tim là khát vọng hòa bình. Đó luôn là lý tưởng cao đẹp để phấn đấu và hướng tới.
Chúng ta đang được hưởng những gì tốt đẹp của một đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển. Đất nước chúng ta đang thay đổi từng ngày trên con đường hội nhập và phát triển. Dù cho trong quá trình phát triển ấy cũng còn tồn tại một số mặt hạn chế nhất định, nhưng chúng ta đã và đang được thụ hưởng bầu không khí hòa bình trên đất nước Việt Nam. Chúng ta yêu hòa bình, chúng ta phải làm tất cả vì hòa bình. Đó là kết tinh lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta, của nhân dân ta.
Lịch sử dân tộc ta thật hào hùng, ghi nhận biết bao sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ cha anh vì sự toàn vẹn lãnh thổ. Do vậy, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chủ quyền đất nước, duy trì hòa bình, ổn định là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Cụ thể là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ sự ổn định chính trị - an ninh xã hội và con đường đi lên CNXH, bảo vệ hòa bình, bảo vệ môi trường thuận lợi để phát triển đất nước là điều mà mỗi người trong chúng ta cần nhận thức một cách đầy đủ để có hành động đúng đắn, sáng suốt.
Chiến tranh không phải là một trò đùa, hay là cuộc “tỷ thí” để khẳng định mạnh yếu, mà nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người, của quốc gia dân tộc và của nhân loại. Dã tâm gieo rắc chiến tranh đồng nghĩa với việc cổ súy con người hủy hoại cuộc sống của chính đồng loại mình… đó là tội ác cần phải lên án, dù chỉ trong tư tưởng. Thế nên, hiểu được cái giá của chiến tranh để yêu nước, sống có trách nhiệm với đất nước bằng những việc làm cụ thể gắn liền với nghĩa vụ, trách nhiệm công dân là thành trì vững chắc, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động tìm mọi cách chống phá cách mạng nước ta.
NGÔ TIẾN MẠNH