15 giờ:16 phút Thứ hai, ngày 1 tháng 8 , 2016

Đại úy, phi công Trần Thanh Luân và khát vọng chinh phục bầu trời

28 tuổi, 500 giờ bay (trong đó có 250 giờ trên máy bay Su-30MK2) đảm bảo an toàn tuyệt đối, Đại úy Trần Thanh Luân là một trong những phi công chiến đấu trẻ có số giờ bay cao nhất, điều mà rất ít phi công ở cùng độ tuổi ở Việt Nam đạt được. Chia sẻ về chuyện nghề, anh cho biết, chính niềm đam mê đã giúp anh thành công với khát vọng chinh phục bầu trời…

 Thượng úy, phi công Trần Thanh Luân và khát vọng chinh phục bầu trờiThượng úy, phi công Trần Thanh Luân và khát vọng chinh phục bầu trời

Đại úy, phi công Trần Thanh Luân.

Trò chuyện với chúng tôi sau đợt tham gia diễn tập bắn đạn thật của Quân chủng diễn ra tại Trường bắn TB-5 với thành tích xuất sắc, được Bộ Tư lệnh Quân chủng đánh giá rất cao, Trần Thanh Luân bảo, do tình cờ mà anh trở thành phi công.

Số là, khi đang học lớp 12, nghe tin có đoàn khám tuyển của Viện Y học Hàng không (nay là Viện Y học PK-KQ) về huyện tuyển phi công. Biết rằng tiêu chuẩn để trở thành phi công có nhiều yêu cầu khắt khe nên lúc đầu Luân cũng muốn thử sức cho biết. Khi chỉ còn một vài người là kết thúc đợt khám tuyển, anh lân la hỏi thử: “Cháu vào khám được không?”. Nhận được những cái gật đầu khích lệ, Luân mừng lắm, và thật bất ngờ trước sự chứng kiến của mọi người anh đã vượt qua tất cả các vòng khám nghiêm ngặt về sức khỏe và trở thành thanh niên duy nhất của huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) trúng tuyển đợt đó. Để rồi, với năng lực của một học sinh chuyên toán, Luân nhẹ nhàng vượt qua kỳ thi tuyển sinh đại học năm ấy, chính thức trở thành học viên của Trường Sĩ quan Không quân.

Thượng úy, phi công Trần Thanh Luân và khát vọng chinh phục bầu trời

Đồng nghiệp trao đội kinh nghiệm bay với Đại úy Trần Thanh Luân (bên phải).

Những bỡ ngỡ ban đầu rồi cũng qua nhanh, mọi nỗ lực đều được phát huy tối đa để đáp ứng được quá trình đào tạo và chọn lọc cực kỳ khắt khe ở Nhà trường với rất nhiều khoa mục và bài tập rất khó, đòi hỏi tối đa về thể lực, khả năng chịu đựng, bản lĩnh và tinh thần vững vàng.

Nhớ lại những ngày ấy, Luân tâm sự: “Có lẽ khoảnh khắc nhớ nhất và ấn tượng nhất trong cuộc đời tôi là lần đầu được ngồi trong buồng lái, tự mình điều khiển chiếc máy bay lao vút lên bầu trời xanh. Lúc đó tôi bỗng thấy tình yêu Tổ quốc trong mình dâng lên mãnh liệt hơn bao giờ hết và càng quyết tâm là phải thực hiện bằng được ước mơ trở thành phi công của mình”.

Tốt nghiệp thủ khoa, Trần Thanh Luân cùng 5 phi công khác được về Trung đoàn 935 (Sư đoàn 370). Đây cũng là khóa học đầu tiên tốt nghiệp được Bộ Quốc phòng chọn và tuyển thẳng đào tạo từ máy bay L-39 lên máy bay Su-30MK2.

“Vinh dự càng lớn, trách nhiệm càng cao” - tâm niệm như vậy nên Luân quyết tâm thực hiện đúng những gì mình suy nghĩ. 28 tuổi, 500 giờ bay (trong đó có 250 giờ trên máy bay Su-30MK2) đảm bảo an toàn tuyệt đối, Trần Thanh Luân là một trong những phi công chiến đấu trẻ có số giờ bay cao nhất, điều mà rất ít phi công ở cùng độ tuổi ở Việt Nam đạt được.

Nhận xét về học trò của mình, Đại tá Huỳnh Mạnh Thắng - Phó Trung đoàn trưởng Quân huấn Trung đoàn 935 khẳng định: "Trần Thanh Luân đã bộc lộ tố chất ngay từ khi là một trong số phi công trẻ mới về Trung đoàn. Vốn là lớp trưởng của Khóa 37, lại là học viên xuất sắc với số điểm cao nhất từ trước đến nay của Trường, Luân đã thể hiện khả năng của một người chỉ huy giỏi. Vượt qua 8 tháng huấn luyện tại Sân bay Sao vàng (Thanh Hóa), một địa bàn rất khắc nghiệt về thời tiết và khí hậu, đó là cơ hội rất tốt để Luân tích lũy thử thách và kinh nghiệm. Hơn nữa, trong nghề bay, để giỏi cả về lý thuyết lẫn thực hành thật khó, có những người học lý thuyết dưới mặt đất khá tốt nhưng khi lên không trung thì mức độ phản xạ lại chậm, lúng túng, không vận dụng được kiến thức lý thuyết, nên thậm chí nhiều người phải bỏ nghề, với Trần Thanh Luân thì toàn vẹn cả hai”.

Nói thêm về đặc điểm của máy bay Su-30MK2, Đại tá Huỳnh Mạnh Thắng cho biết, đây là chiến đấu cơ mang trên mình nhiều loại thiết bị vũ khí, khí tài chiến đấu hiện đại, khả năng sử dụng vũ khí cao hơn, có 2 phi công cùng bổ trợ cho những thiếu sót trong quá trình bay nhưng đồng thời nó cũng tạo ra sự bị động trong việc quyết đoán. Cái khó của Su-30MK2 là cả hai phi công là phải ăn ý hoàn toàn từ suy nghĩ cho đến động tác, giống như cùng trên một chiếc xe đạp đôi, chỉ cần xảy ra một sai sót nhỏ sẽ không bao giờ có cơ hội sửa sai.

Đồng chí Phó Trung đoàn trưởng khẳng định, dù là phi công trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng sự nhạy cảm, phản xạ nhanh, khả năng phán đoán và động tác thao tác chính xác đã giúp Trần Thanh Luân nhanh chóng làm chủ máy bay Su-30MK2.

Trong đợt diễn tập ném bom trên biển tại Trường bắn TB-5 mới đây, Luân là một trong những phi công trẻ của Trung đoàn lần đầu tiên được sử dụng vũ khí và đạt được thành tích xuất sắc. Thành tích đó càng đáng ghi nhận đối với một phi công lần đầu ra biển bắn bia đạn thật, đã vượt lên được trạng thái tâm lý rất khó khăn, bắn trong điều kiện mục tiêu nhỏ, nằm rất xa, khí tượng lại phức tạp. Những  động tác, thao tác kỹ thuật tỉ mỉ, cẩn thận và tuyệt đối chính xác đã giúp Luân hoàn thành rất tốt nhiệm vụ này.

 

 Đại úy, phi công Trần Thanh Luân là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2015; đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” các năm: 2011, 2014, 2015; đại biểu tham dự Đại hội Tài năng trẻ toàn quốc năm 2015; đạt danh hiệu "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” năm 2015.
Bài, ảnh: NGUYỄN TRUNG TRỰC
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website