8 giờ:45 phút Thứ hai, ngày 9 tháng 9 , 2024

Nâng cao năng lực làm chủ công nghệ sản xuất, sửa chữa khí tài

Những năm qua, được sự đầu tư chiều sâu công nghệ và triển khai sâu rộng Phong trào thi đua “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, Nhà máy A31 đã khai thác, làm chủ và có nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng sản xuất, sửa chữa sản phẩm, bảo đảm tốt vũ khí, khí tài tên lửa phòng không (TLPK) cho các nhiệm vụ của Quân chủng. Phóng viên Báo PK-KQ đã có cuộc trao đổi với Đại tá Phạm Đức Giang - Giám đốc Nhà máy A31 về những vấn đề này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Nâng cao năng lực làm chủ công nghệ sản xuất, sửa chữa khí tài
Đại tá Phạm Đức Giang - Giám đốc Nhà máy A31 kiểm tra công tác sản xuất vật tư kỹ thuật tại Trung tâm Công nghệ cao

Phóng viên (PV): Xin đồng chí Giám đốc cho biết những kết quả nổi bật Nhà máy đã đạt được trong công tác sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí, khí tài TLPK thời gian qua?

Đại tá PHẠM ĐỨC GIANG: Được sự quan tâm của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng, Nhà máy A31 đã được đầu tư một số dây chuyền, trang thiết bị công nghệ hiện đại như: Dây chuyền sửa chữa, sản xuất mô đun; thiết bị kiểm tra, chẩn đoán hỏng hóc khối, mạch điện tử; thiết bị hỗ trợ thiết kế sơ đồ nguyên lý mạch và nhiều thiết bị chuyên dụng khác. Qua đó, kịp thời đáp ứng nhu cầu và phục vụ sửa chữa hiệu quả trang bị kỹ thuật, các mô đun chức năng khí tài cải tiến, thế hệ mới. Từ năm 2016, Nhà máy tổ chức sửa chữa thực trạng, sửa chữa vừa sơ bộ được 12 bộ khí tài cải tiến S-125-2TM với độ sâu tăng dần và hiện nay đang nghiên cứu tiến tới sửa chữa vừa. Đặc biệt, từ năm 2019, đội ngũ kỹ thuật Nhà máy đã làm chủ, tham gia bảo đảm kỹ thuật diễn tập bắn đạn thật mà không cần sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài như trước kia.

Trong điều kiện hạn chế về tài liệu, không có sơ đồ, bản vẽ kỹ thuật, nhưng với sự hỗ trợ của trang thiết bị công nghệ được đầu tư, đội ngũ kỹ thuật của Nhà máy đã tự nghiên cứu, xây dựng lại sơ đồ và thiết kế, chế tạo được hơn 60% chủng loại mô đun khí tài cải tiến S-125-2TM, 15% chủng loại mô đun khí tài mới S-300 PMU1, Spyder, kịp thời đáp ứng nhu cầu về vật tư kỹ thuật. Từ những kết quả đó, những năm gần đây, Nhà máy đã được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia sản xuất vật tư kỹ thuật, đảm bảo kỹ thuật cho khí tài thế hệ mới theo các chương trình của Quân chủng, Bộ Quốc phòng.

PV: Để làm chủ, khai thác hệ thống cơ sở kỹ thuật, dây chuyền sửa chữa vũ khí, khí tài TLPK hiện đại, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy đã có chủ trương, giải pháp gì thưa đồng chí?

Đại tá PHẠM ĐỨC GIANG: Để làm chủ và khai thác hệ thống cơ sở kỹ thuật, dây chuyền công nghệ vào sửa chữa có hiệu quả các tổ hợp TLPK hiện đại, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy đã chú trọng vào yếu tố con người. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy Nhà máy đã lựa chọn đội ngũ kỹ thuật có đủ trình độ, năng lực, phù hợp với định hướng xây dựng lực lượng của Nhà máy để tham gia các lớp huấn luyện chuyển giao công nghệ theo các chương trình, dự án, các lớp tập huấn do cấp trên tổ chức… Đồng thời đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tự huấn luyện trong Nhà máy; tập trung huấn luyện vào nhu cầu thực tế, các điểm nóng, điểm yếu, không huấn luyện dàn trải, đẩy mạnh huấn luyện thực hành. Bên cạnh đó, Nhà máy phối hợp với Học viện Kỹ thuật Quân sự để huấn luyện chuyên sâu công nghệ mới; mời các chuyên gia đầu ngành trong Quân chủng huấn luyện chuyên môn kỹ thuật; tham gia thực tế tại các đơn vị; tự huấn luyện trong quá trình làm việc trên các dây chuyền công nghệ…

PV: Công tác NCKH, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của Nhà máy những năm qua đã đạt được kết quả như thế nào thưa đồng chí?

Đại tá PHẠM ĐỨC GIANG: Để đưa phong trào NCKH, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phát triển sâu rộng, Nhà máy đã kịp thời có những cơ chế, chính sách phù hợp để động viên, khuyến khích cán bộ, QNCN, CN&VCQP, người lao động trong toàn Nhà máy tham gia. Từ năm 2021, Nhà máy đã thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, ban hành quy chế hoạt động và hoạt động có hiệu quả, kịp thời hỗ trợ kinh phí cho các công trình thực hiện. Trung bình mỗi năm, Nhà máy có hơn 100 đề tài, sáng kiến các cấp được triển khai thực hiện, gắn liền với nhu cầu thực tiễn trong lao động sản xuất. Tiêu biểu như Đề tài NCKH cấp Bộ Quốc phòng “Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị kiểm tra, đánh giá tham số máy thu đài điều khiển TLPK S-125-2TM”; Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế Trung tâm Chỉ huy điều hành sản xuất”... sản phẩm các đề tài đã được ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao. Trong tham gia Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” trong Quân đội và “Sáng tạo trẻ” cấp Quân chủng; Nhà máy thường xuyên là một trong những đơn vị đạt thành tích cao, được Quân chủng, Bộ Quốc phòng khen thưởng.

PV: Để nâng cao năng lực sản xuất, sửa chữa, phục hồi vật tư khí tài, thời gian tới, Nhà máy sẽ triển khai những chủ trương, giải pháp gì thưa đồng chí?

Đại tá PHẠM ĐỨC GIANG: Trong bối cảnh tình hình chính trị khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, công tác bảo đảm vật tư ngày càng khó khăn; Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy xác định việc nâng cao năng lực sản xuất, sửa chữa, phục hồi vật tư khí tài là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Trước tiên, Nhà máy tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua huấn luyện lực lượng hiện có và tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao bên ngoài. Hai là, khai thác, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị hiện đại đã được đầu tư; nghiên cứu đầu tư bổ sung các trang thiết bị mới để nâng cao năng lực sản xuất, sửa chữa vật tư, khí tài. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động NCKH, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong Nhà máy; chủ động trong nghiên cứu sản phẩm, xây dựng quy trình công nghệ, hồ sơ thiết kế và các tài liệu liên quan, bảo đảm đủ điều kiện sẵn sàng sản xuất, sửa chữa khi được giao nhiệm vụ.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

ÁNH TUYẾT (Thực hiện)
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website