15 giờ:46 phút Thứ ba, ngày 21 tháng 7 , 2020

Kỷ niệm 40 năm chuyến bay vũ trụ phối hợp Việt- Xô

Ngày 21-7-2020 tại Hà Nội, Chi hội Hữu nghị Việt-Nga Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm chuyến bay vũ trụ phối hợp Việt-Xô (23-7-1980/23-7-2020).

Dự buổi lễ có Thiếu tướng Vũ Văn Kha - Quyền Tư lệnh Quân chủng PK-KQ; ngài Vadim Bublikov- Tham tán công sứ Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam; Đồng chí Trần Bình Minh – Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Liên Bang Nga; Trung tướng Phạm Tuân - Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động, Anh hùng Liên Xô, Nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam và Châu Á; các tướng lĩnh, Anh hùng LLVTND, thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ qua các thời kỳ và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng.

Kỷ niệm 40 năm chuyến bay vũ trụ phối hợp Việt- Xô
Thiếu tướng Vũ Văn Kha – Quyền Tư lệnh Quân chủng PK-KQ phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Kỷ niệm 40 năm chuyến bay vũ trụ phối hợp Việt- Xô
Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ tặng hoa chúc mừng Trung tướng Phạm Tuân.

Tại Lễ Kỷ niệm, các đại biểu đã ôn lại sự kiện lịch sử quan trọng đáng nhớ của chuyến bay vũ trụ phối hợp Việt - Xô cách đây 40 năm.

Vào cuối những năm 50, đầu những năm 60 của Thế kỷ XX, Liên Xô là nước dẫn đầu và đạt nhiều thành tích trong lĩnh vực nghiên cứu, chinh phục vũ trụ. Bằng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với Liên Xô, cùng với khả năng tiên lượng và tầm nhìn xa, trông rộng về vai trò khoa học và công nghệ đối với nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán: “Trong tương lai chắc chắn sẽ có đại diện của thanh niên Việt Nam bay vào vũ trụ”. Tháng 4-1979, phi công Phạm Tuân đã cùng phi công Bùi Thanh Liêm sang Liên Xô để tham gia chương trình huấn luyện kéo dài 3 năm, chuẩn bị cho chuyến bay vào vũ trụ. Với sự cố gắng rèn luyện không ngừng và sự giúp đỡ nhiệt tình của các chuyên gia nước bạn, 2 phi công Việt Nam đã xuất sắc vượt qua tất cả các bài kiểm tra huấn luyện thể lực và các kiến thức về Hàng không Vũ trụ và rút ngắn chương trình huấn luyện chỉ còn 1 năm 4 tháng.

Và lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thực. 21 giờ 33 phút ngày 23-7-1980, phi công Phạm Tuân cùng nhà du hành vũ trụ Liên Xô Go-rơ-bát-cô đã được phóng vào vũ trụ. Trong 8 ngày, ông cùng chuyên gia nước bạn đã thực hiện 30 thí nghiệm. Hành trang của phi công Phạm Tuân mang theo trên chuyến bay là nắm đất Ba Đình, cờ Tổ quốc, Bản Tuyên ngôn Độc lập, di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ảnh Bác, ảnh đồng chí Lê Duẩn... Lần đầu tiên trong lịch sử, lá cờ đỏ sao vàng đã in trên bản đồ vũ trụ thế giới, khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Chuyến bay lịch sử đó đã đặt cơ sở và tạo dựng nền tảng cho công cuộc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vũ trụ ở Việt Nam. Kể từ đó, ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá.

Tự hào với những chiến công hiển hách của các thế hệ cha anh đi trước, phát huy truyền thống vẻ vang của Bộ đội PK-KQ Việt Nam anh hùng, các cán bộ, chiến sĩ Quân chủng hôm nay nguyện không ngừng phấn đấu, rèn luyện, học tập, nghiên cứu, tiến quân vào khoa học kỹ thuật, tiếp thu những thành tựu của CMCN 4.0, nhanh chóng vận dụng và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật được trang bị, xứng đáng với vai trò là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc bầu trời, vùng biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Tin, ảnh: BÍCH PHƯỢNG
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website