14 giờ:57 phút Thứ năm, ngày 22 tháng 3 , 2018

Hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống Bộ đội Pháo cao xạ (1-4-1953 / 1-4-2018):

Bộ đội Pháo Cao xạ Việt Nam phát triển từ không đến có

Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân cứu nước…” Quân và dân cả nước với đủ loại vũ khí trong tay đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ đến ngày thắng lợi.

Bộ đội Pháo Cao xạ Việt nam phát triển từ không đến có
Pháo Cao xạ 37mm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu

Ngày 16-8-1946 bằng súng trường, đồng chí Nguyễn Cao Thương thuộc bộ đội địa phương tỉnh Vĩnh Trà đã bắn rơi 1 máy bay của thực dân Pháp. Tiếp đó, ngày 21-12- 1946 các chiến sĩ Pháo đài Láng do Trung đội trưởng Nguyễn Ưng Gia chỉ huy đã bắn rơi 1 máy bay trinh sát Pô-tê. Ngay ngày hôm sau 22-12-1946 các chiến sĩ của đội tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu của Liên Khu 1 (nay là phố Hoàn Kiếm, Hà Nội) do đồng chí Bạch Ngọc Liễn chỉ huy đã bắn rơi 1 máy bay khu trực Xpit-phai bằng súng trường. Đây là 2 chiếc máy bay đầu tiên của quân xâm lược bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội.

Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ngày càng cao và cùng với những chiến công đầu tiên đã hình thành một mặt trận đối không của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu chống lại không quân của thực dân Pháp. Những năm đầu kháng chiến, tuy đã có một số địa phương, đơn vị bắn rơi được máy bay địch bằng súng bộ binh, nhưng do điều kiện trang bị vũ khí của ta còn ít nên kết quả bắn rơi máy bay địch còn rất hạn chế. Trong quân đội lúc đó chưa tổ chức được lực lượng phòng không, nên để giảm bớt tổn thất do máy bay địch gây ra; tổ chức đảng, chính quyền các địa phương đã vận động và hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng tránh là chủ yếu.

Trong lúc đó, thực dân Pháp dựa vào tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh tranh thủ lợi dụng những khó khăn của ta; chúng đã tự do dùng máy bay ném bom tàn phá các xóm làng, giết hại đồng bào ta, phá hoại sản xuất. Bằng không quân, thực dân Pháp đã gây cho bộ đội và nhân dân ta rất nhiều khó khăn và tổn thất.

Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, các địa phương đã nhanh chóng tổ chức những đội cảm tử quân đột nhập vào sân bay phá hủy các máy bay của địch, tổ chức các đội súng máy phòng không để bảo vệ nhân dân, bảo vệ bộ đội trong chiến đấu và hành quân cơ động… đây chính là những đơn vị phòng không đầu tiên của chúng ta.

Đặc biệt, trong chiến dịch Việt Bắc Thu đông năm 1947, các khẩu đội súng máy phòng không của ta đã dũng cảm chiến đấu ngoan cường, kiên quyết chống lại những cuộc tiến công có quy mô lớn của địch, đã bắn rơi 16 máy bay của thực dân Pháp, trong đó có chiếc máy bay JU- 52 chở tên Đại tá Lăm Be, Phó Tổng tham mưu trưởng quân Pháp ở miền Bắc Việt Nam, cùng nhiều sĩ quan tham mưu khác phải đền tội.

Chỉ trong 4 năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bằng vũ khí thô sơ, chủ yếu là súng bộ binh, quân và dân ta đã bắn rơi và phá hủy 149 máy bay các loại của địch.

Trước những thất bại của các chiến dịch lớn, thực dân Pháp ngày càng điên cuồng, chúng dùng máy bay oanh tạc vào các đơn vị bộ đội, ném bom tàn sát đồng bào ta ở nhiều địa phương. Những ngày đầu năm 1951, thực dân Pháp đã dùng máy bay ném bom vào nhiều đoàn biểu tình của nhân dân Đồng Tháp Mười, giết hại hơn 300 người dân; vào chợ Kiều (Thanh Hóa) giết chết hơn 600 người, đánh phá các đập nước Bái Thượng (Thanh Hóa), Nam Đàn (Nghệ An), Trung Lương (Hà Tĩnh)…

Càng ngày không quân Pháp càng trở thành đối tượng tác chiến nguy hiểm của nhân dân và Quân đội ta. Trước tình hình đó, yêu cầu đặt ra là phải có lực lượng phòng không mạnh để đánh máy bay địch bảo vệ đội hình chiến đấu, bảo vệ các tuyến giao thông và bảo vệ nhân dân, đó là yêu cầu khách quan và bức thiết của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Từ năm 1951, khi quân đội ta xây dựng các Đại đoàn bộ binh chủ lực, trong biên chế đều có 1 đại đội phòng không tác chiến, trang bị súng máy 12,7 ly. Tiếp đó, do yêu cầu của chiến đấu chúng ta đã nâng lên thành những tiểu đoàn phòng không trợ chiến. Tháng 5 năm 1951, Đại đội 612 đơn vị phòng không đầu tiên được biên chế 4 khẩu 37ly ra đời, làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Tà Lùng (Cao Bằng), một vị trí quan trọng trên tuyến đường giao thông nối liền nước ta với Trung Quốc. Thực hiện chủ trương của Bộ Tổng tư lệnh, Quân đội ta tiếp tục xây dựng và phát triển các binh chủng như: Pháo binh, Công binh và Phòng không.

Đến đầu 1953, Quân đội ta đã có 8 tiểu đoàn phòng không, trong đó có 6 tiểu đoàn trong biên chế của 6 đại đoàn Bộ binh chủ lực: 1 tiểu đoàn thuộc Liên khu 5 và 1 tiểu đoàn thuộc Bộ Tổng Tư lệnh, bên cạnh đó còn có một số đại đội phòng không trực thuộc Bộ và các liên khu, tỉnh… Về trang bị có 500 khẩu súng máy phòng không 12,7ly và 4 khẩu pháo cao xạ 37mm.

Như vậy, cùng với sự phát triển của lực lượng vũ trang, bộ đội Pháo cao xạ đã phát triển từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ thô sơ đến hiện đại. Trong điều kiện trang bị vũ khí có hạn, các lực lượng phòng không của ta đã thực hiện tốt nhiệm vụ “Yểm trợ bộ binh và dần dần tiến lên khống chế quyền làm chủ trên không của địch”, thực hiện phương châm “Lấy chiến trường làm thao trường, lấy thực tế chiến đấu để luyện tập”. Vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng, các phân đội phòng không thường xuyên bám sát đội hình chiến đấu của bộ binh, thường xuyên có mặt trên khắp các chiến trường gây cho không quân Pháp nhiều tổn thất.

BÍCH PHƯỢNG (Theo tài liệu lịch sử)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website