Hiệu quả thiết thực từ chính sách bảo hiểm y tế
Những năm qua, việc tham gia chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) theo Nghị định số 70/2015/NĐ-CP của Chính phủ (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu) đã và đang đem lại những hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách hậu phương Quân đội.
Cấp phát thẻ BHYT cho cán bộ, giảng viên Học viện PK-KQ.
Gần 2 năm nay, Đại tá Lê Văn Lộc - Giảng viên Bộ môn Lịch sử Đảng, Khoa CTĐ, CTCT, Học viện PK-KQ đang phải chống chọi với bệnh tật sau hậu quả của lần đột quỵ xảy ra vào tháng 2-2019. Nhớ lại khoảng thời gian đó, anh Lộc cho biết, khi đang nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi - 2019 thì anh bị đột quỵ, được gia đình nhanh chóng đưa đi cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tại đây, bác sĩ kết luận anh bị tai biến chảy máu não phải phẫu thuật. Sau khi tiến hành phẫu thuật và qua cơn nguy kịch, anh được chuyển về Bệnh viện Quân y 109 (Quân khu 2) điều trị. Đến nay, mặc dù sức khỏe đã có nhiều chuyển biến tốt nhưng hằng tháng anh Lộc vẫn phải thường xuyên thăm khám tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và uống thuốc hằng ngày theo đơn của bác sĩ. Anh Lộc tâm sự: “Rất may mắn cho tôi và gia đình là được phẫu thuật và điều trị theo chính sách BHYT trong Quân đội. Được BHYT chi trả phần lớn chi phí nên đã vơi bớt đi phần nào khó khăn cho gia đình. Chính sách BHYT trong Quân đội thực sự có ý nghĩa thiết thực không chỉ với riêng tôi mà còn với rất nhiều bệnh nhân khác trong và ngoài Quân đội”.
Với Binh nhất Lưu Văn Bảo - Chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn Vệ binh (Phòng Hành chính - Hậu cần, Bộ Tham mưu Quân chủng), thì tấm thẻ BHYT thực sự là “phao cứu sinh” giúp gia đình vượt qua cơn hoạn nạn. Cuối năm 2019, bố Bảo là bác Lưu Văn Bẩy phát hiện bị ung thư dạ dày. Sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh (địa chỉ khám, chữa bệnh ban đầu theo thẻ BHYT của thân nhân), bác được gia đình làm thủ tục chuyển tuyến lên điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn, TP Hà Nội. Sau nhiều lần truyền hóa chất, đến nay, bệnh tình của bác đã có nhiều dấu hiệu tích cực. Binh nhất Lưu Văn Bảo tâm sự: “Khi biết tin bố bị ung thư dạ dày, cả gia đình vô cùng lo lắng, phần vì bệnh tình của bố, phần vì sợ chi phí điều trị quá lớn, gia đình không thể bảo đảm. Nay nhờ chính sách BHYT cho thân nhân là quân nhân đã hỗ trợ, chi trả phần lớn viện phí nên phần nào vơi bớt gánh nặng về kinh tế cho gia đình”.
Đây chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp là quân nhân và thân nhân gia đình trong Quân chủng được hưởng lợi từ hiệu quả thiết thực của chính sách BHYT trong Quân đội. Không chỉ hỗ trợ về chi phí thăm khám, điều trị, việc sử dụng thẻ BHYT khi đi khám bệnh, chuyển tuyến thì thủ tục cũng nhanh chóng, thuận lợi hơn, quân nhân được hưởng nhiều tiêu chuẩn ưu tiên hơn, do đó, việc điều trị bệnh cũng tốt hơn. Tìm hiểu chúng tôi được biết, những năm qua, nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của chính sách BHYT, các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng đã quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản, hướng dẫn về chế độ chính sách BHYT đối với quân nhân và thân nhân gia đình; từ năm 2018, 100% quân nhân tại ngũ trong Quân chủng tham gia sử dụng thẻ BHYT. Qua nắm bắt tại các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng đều vui mừng, phấn khởi khi được tham gia chính sách BHYT, từ đó yên tâm công tác, xác định và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Có thể thấy, chính sách BHYT đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần ổn định đời sống của cán bộ, chiến sĩ và hậu phương gia đình; giúp bộ đội yên tâm công tác, xác định và thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Bài, ảnh: ĐỨC LƯU, TIẾN TƯỜNG