14 giờ:1 phút Thứ sáu, ngày 4 tháng 6 , 2021

Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 / 5-6-2021)

Hành trình lịch sử của một vĩ nhân

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước. Ngay từ nhỏ, chứng kiến sự bóc lột, đày đọa của thực dân Pháp đối với nhân dân ta hết sức tàn bạo, Người luôn nung nấu để tìm ra con đường cứu nước.

Hành trình lịch sử của một vĩ nhân
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp)
tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương năm 1920.
Ảnh tư liệu

Đầu tháng 9-1910, trên đường từ Quy Nhơn vào Sài Gòn để tìm cách đi sang Pháp và các nước phương Tây, Bác dừng chân ở Phan Thiết. Người xin dạy học tại Trường Dục Thanh, một trường tư thục do các nhân sĩ yêu nước thành lập năm 1907. Đối với Bác, việc dạy học chỉ là tạm thời, song Người vẫn đem hết lòng nhiệt tình truyền thụ cho học sinh lòng yêu nước và những suy nghĩ về vận mệnh của đất nước. Những ngày ở Phan Thiết, Bác Hồ đã suy nghĩ về con đường Phan Châu Trinh vạch ra và đang được một số người có tâm huyết thực hiện, Người khâm phục lòng yêu nước của Phan Châu Trinh nhưng chưa hoàn toàn tán thành đường lối của ông. Bác quyết chí tìm cách ra nước ngoài, xem thế giới làm như thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào.

Đầu tháng 2-1911, Bác rời Phan Thiết vào Sài Gòn. Người ở tạm trụ sở các chi nhánh của Liên Thành công ty đặt tại Sài Gòn, như nhà số 3, đường Tổng đốc Phương (nay là số 5, đường Châu Văn Liêm); nhà số 128, Khánh Hội... Lần đầu tiên vào Sài Gòn, Người thấy thêm những điều mới lạ, nhất là những cảnh ăn chơi xa hoa dành riêng cho người Pháp, còn người Việt Nam đa số rách rưới, lam lũ, làm đủ các nghề nặng nhọc, kéo xe, bốc vác... sống chui rúc trong những túp nhà lụp xụp, tối tăm. Ở đó, Bác càng thấy rõ hơn sự đối lập giữa hai cảnh sống của bọn thực dân và những người lao động mất nước. Người đi vào xóm thợ, làm quen với những thanh niên cùng lứa tuổi đang làm thợ hay học nghề ở Trường kỹ nghệ thực hành, Trường đào tạo thợ máy Á Đông ở Sài Gòn; Người cũng làm quen với những hiệu giặt là ở gần cảng Nhà Rồng, chuyên giặt quần áo cho các thuỷ thủ trên tàu của Pháp để xin việc làm trên tàu và tìm cách thực hiện chuyến đi xa.

Ngày 3-6-1911, Bác Hồ, với tên mới là Văn Ba, được thuyền trưởng tàu Amiral Latouche Tréville của hãng Chargeurs Réunis nhận vào phụ bếp trên tàu. Ngày 5-6-1911, tàu Amiral Latouche Tréville rời bến cảng Sài Gòn đi Marseille, mang theo một người thanh niên Việt Nam đầy lòng yêu nước, thương dân, ôm ấp một hoài bão lớn lao: tìm hiểu nền văn minh của thế giới, ra sức học hỏi để trở về giúp nước. Ở nước ngoài, Bác làm nhiều nghề, tham gia cuộc vận động cách mạng của nhân dân nhiều nước, đồng thời không ngừng đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc mình. Sau gần 10 năm tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến nhiều châu lục, tiến hành khảo sát chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở các nước tư bản chủ yếu và nhiều nước thuộc địa của chúng. Sớm nhận thức được xu hướng phát triển của thời đại, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin, con đường giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa. Người nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của cách mạng nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta. Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng, soi đường cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam giành thắng lợi to lớn. Nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến, nghèo nàn, lạc hậu, đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển, vững bước đi lên con đường xã hội chủ nghĩa, vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, đang phát huy mọi tiềm năng, trí tuệ, vững bước dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu trong nước và thế giới đã và đang bàn đến văn hoá chính trị Hồ Chí Minh, văn hoá đạo đức Hồ Chí Minh, để đi đến kết luận: Thế giới có nhiều thay đổi và có nhiều đổi thay trong thế giới nhưng vẫn còn vẹn nguyên những giá trị trường tồn, trong đó có di sản tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc và cho nhân loại tiến bộ, năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ chí Minh, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất Việt Nam”. Và hành trình lịch sử của bậc vĩ nhân thế giới ấy đã bắt đầu từ khi con tàu Amiral Latouche Tréville rời Bến Nhà Rồng mang theo hoài bão lớn lao của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.

THU HÀ
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website