7 giờ:31 phút Thứ năm, ngày 18 tháng 5 , 2023

Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 / 19-5-2023)

Kỷ niệm về bức ảnh Bác Hồ thăm Đoàn Không quân Sao Đỏ

Bức ảnh “Bác Hồ thăm Trung đoàn không quân tiêm kích Trung đoàn 921” (Đoàn Không quân Sao Đỏ) ngày 9-11-1964 được treo trang trọng ở Bảo tàng Phòng không-Không quân (PK-KQ) và phòng truyền thống của các đơn vị không quân trong Quân chủng PK-KQ, đồng thời được in ở nhiều sách báo, tài liệu lịch sử của Quân đội và Quân chủng PK-KQ. Bức ảnh này do ông Trần Duy Hợi chụp, khi đó ông là biên tập viên của Báo PK-KQ.

Ông Trần Duy Hợi sinh năm 1930 tại xã Mỹ Xá, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Năm 1951, ông được cử đi học quân sự tại Trung Quốc, 6 tháng sau về nước được điều về Quảng Yên, Quảng Ninh làm phái viên tác chiến của tỉnh. Đầu Năm 1955, ông chuyển sang làm công tác tham mưu tại Cục Không quân. Năm 1961 ông tiếp tục đi học tại Học viện Không quân Bắc Kinh, Trung Quốc. Vì rất thích chụp ảnh nên lúc đó ông đã dành dụm và mua được chiếc máy ảnh “Exa” của Liên Xô cũ. Tháng 10 năm 1964, ông chuyển sang công tác tại Tập san Phòng Không - Không quân” (nay là Báo PK-KQ), phụ trách mảng Không quân. Giai đoạn 1985 - 1988, ông được cử làm Trưởng đoàn chuyên gia Phòng không - Không quân - Hàng không tại Campuchia, sau đó giữ chức Phó Cục trưởng Cục Vận chuyển và nghỉ hưu vào năm 1991.

Đại tá Trần Duy Hợi, hiện sống tại Chung cư Gia Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội. Ông kể: Tôi có hai lần được gặp Bác Hồ. Lần đầu là khi tôi làm Trạm trưởng Sân bay Mai Pha, Lạng Sơn. Nói là sân bay nhưng không có máy bay, chỉ phát tín hiệu dẫn đường và quản lý không phận. Tháng 4 năm 1960, Bác Hồ lên thăm đồng bào Lạng Sơn, buổi chiều cùng ngày Bác đến Sân bay Mai Pha để trở về Hà Nội. Tôi tập hợp anh em và báo cáo với Bác tình hình công tác của Trạm. Bác hỏi thăm tình hình bộ đội và công tác tăng gia sản xuất. Tôi báo cáo xong mời Bác lên máy bay. Máy bay chở Bác đã bay xa, tôi vẫn bồi hồi không ngờ mình có được vinh dự ấy. Kể về lần thứ hai được gặp Bác, ông xúc động chia sẻ: “Lần gặp Bác, chụp ảnh Bác mãi là kỷ niệm đẹp, khoảng khắc đẹp nhất đời mà tôi không bao giờ quên”.

Kỷ niệm một lần chụp ảnh Bác Hồ
Bác Hồ thăm Trung đoàn không quân tiêm kích 921 (ngày 9-11-1964).
Cùng đi với Bác có đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Trường Chinh.
Ảnh: TRẦN DUY HỢI

Đó là vào sáng 9-11-1964, đang biên tập bài của một cộng tác viên thì đồng chí Đặng Tính - Chính ủy Quân chủng PK-KQ đến gọi tôi “Có công tác đột xuất, đồng chí mang máy ảnh ra xe đi với tôi ngay”. Tôi lên xe, Chính ủy siết chặt tay tôi và nói: “Lên Sân bay Nội Bài viết bài và chụp ảnh Bác Hồ”. Tôi lo nhiều, vì tôi không phải là phóng viên nhiếp ảnh chuyên nghiệp, chiếc máy ảnh Exa cũ kỹ, hay hỏng hóc, làm sao chụp được tấm ảnh đẹp trong sự kiện lịch sử hiếm có này.

Đây là lần Bác Hồ đến thăm Đoàn không quân Sao Đỏ mới ở Trung Quốc về nước sau ngày 5-8-1964 - ngày đế quốc Mỹ mở đầu chiến tranh phá hoại Miền Bắc nước ta. Làm sao hoàn thành trách nhiệm mà Chính ủy Quân chủng giao cho. Tôi cố bình tĩnh, mở máy ra, lắp phim, thử đi thử lại, xem có tuột không. Vặn phim thấy nặng tay, hai trục quay đều, máy chạy tốt, song lòng tôi vẫn nôn nao lo lắng, xen lẫn niềm vui.

Tại phòng giao ban của đoàn bay, tất cả cán bộ đã có mặt đông đủ. Đồng chí Đặng Tính nói: “Hôm nay, một vinh dự rất to lớn đối với chúng ta, được Bác Hồ, đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Trường Chinh thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ lên thăm đoàn không quân tiêm kích đầu tiên của quân đội ta...”. Mọi người im lặng lắng nghe như nuốt lấy từng lời. Nét mặt các cán bộ rạng rỡ, sung sướng, một không khí náo nức lạ thường.

12 giờ 30 phút đồng chí Vinh - Chủ nhiệm chính trị đưa tôi ra tuyến trực chiến mà bộ đội đang chấn chỉnh hàng ngũ. 13 giờ một đoàn xe từ cuối đường băng chạy lại, dừng bánh trước hàng quân. Bác Hồ ung dung bước xuống. Cả đoàn người lay động. Tiếng hô “Bác Hồ muôn năm!” vang lên. Đồng chí Đặng Tính mời Bác và các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh vào căn nhà rộng nhưng đơn sơ bằng cót tre nứa lá được gọi là xưởng bảo dưỡng định kỳ, nơi sửa chữa máy bay MiG-17 ở Sân bay Nội Bài lúc bấy giờ. Tôi đứng ngắm, tìm góc độ, nhưng không được, vì trong nhà thiếu ánh sáng, máy lại không có đèn.

Kỷ niệm một lần chụp ảnh Bác Hồ
Đại tá Trần Duy Hợi.

Với giọng nói ấm áp, Bác thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ thăm hỏi và khen ngợi đơn vị trong công tác huấn luyện và xây dựng. Bác kể: “Vừa qua, quân dân Miền Nam đã mưu trí dũng cảm phá hủy 29 máy bay ở Sân bay Biên Hòa và tiêu diệt 40 tên xâm lược Mỹ và 72 tên khác bị thương”. Bác nhấn mạnh: “Các chú phải học tập quân giải phóng Miền Nam, phát huy lối đánh gần, bám thắt lưng địch mà đánh”. Sau đó Bác vui vẻ nói: “Các chú phải làm thế nào chứ không anh em trong kia đánh hết máy bay địch thì không còn máy bay nữa mà đánh”. Cả khối bộ đội cười vang, đồng thanh hô: “Quyết tâm, quyết tâm”.

Sau khi đồng chí Lê Duẩn nói chuyện, đồng chí Đặng Tính đáp lễ: “Thưa Bác, bộ đội ở nước ngoài mới về mong được nhìn thấy Bác thật gần”. Bác gật đầu cười vui. Bác hồng hào, khỏe mạnh, nhanh nhẹn bước đến sát bộ đội. Bác giản dị trong bộ ka ki bạc màu, bên trong là áo sơ mi màu gụ với chiếc thắt lưng da bộ đội. Ai cũng muốn được gần Bác nhưng cả đơn vị vẫn giữ nghiêm hàng ngũ. Bác bước đến đâu, tiếng vỗ tay, tiếng hô “Bác Hồ muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm!” vang lên ở đó, có đồng chí còn sung sướng nhảy lên vỗ tay.

Tôi chạy lên phía trước. Bầu trời mùa thu trong veo nắng nhẹ. Có những áng mây trắng lơ lửng trôi. Phải chụp hất lên để lấy cả một khoảng trời xanh... Chưa đủ, Bác phải có quần chúng đông đảo vây quanh. Tôi chỉnh lại góc độ, đưa cả khối bộ đội vào ống kính, khoảng cách quá gần, bởi Bác bước nhanh, tay phải Bác cầm chiếc mũ bộ đội giơ cao vẫy vẫy đáp lại những tiếng hô vang của bộ đội. Tôi cứ để góc độ máy mà lùi từng bước. Một điều gay go là khi giật lùi rất dễ đổ khuôn hình. Bác vẫn nhanh nhẹn bước đi sau là đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Trường Chinh và đồng chí Đặng Tính, cự ly còn độ 2m, tôi vội bấm liền 2 kiểu.

Tối hôm đó, tôi vào buồng tối pha thuốc tráng phim, tính thời gian cẩn thận, song vẫn lo lắng. Tôi nín thở lấy cuốn phim ra. Không tin vào mắt mình, nỗi lo tan biến. Phim đẹp, vượt quá điều mong ước của người cầm máy ảnh chưa chắc như tôi. Đợi phim khô, tôi cặm cụi phóng một số ảnh, mà lòng tôi trào lên niềm sung sướng.

Sáng hôm sau, tôi mang mấy tấm ảnh lên báo cáo Chính ủy Đặng Tính. Đồng chí ngắm mãi tấm ảnh Bác đứng trước khối quần chúng nổi bật trên nền trời xanh, hai tay ôm chặt lấy tôi: “Hình ảnh Bác cao lồng lộng, nét mặt đồn hậu, vui tươi, gần gũi, Bác ung dung thư thái, tiến bước, phía sau có đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Trường Chinh đang bước theo... tấm ảnh này thật là vô giá”. Đồng chí Đặng Tính rút luôn chiếc bút máy Paker đang gài ở túi ra tặng tôi. Tôi sướng quá vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ và cảm động nhận món quà đầy ý nghĩa từ đồng chí Chính ủy Quân chủng. Bức ảnh sau đó đạt giải nhất Cuộc thi ảnh nghệ thuật Quân đội (1945 - 1970) và được nhiều báo, tạp chí đăng tải.

TRUNG THÀNH

(Theo lời kể của Đại tá Trần Duy Hợi)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website