16 giờ:23 phút Thứ hai, ngày 21 tháng 8 , 2017

Kí ức tự hào của lứa sinh viên đầu tiên “xếp bút nghiên ra trận”

Vừa qua, tại Bảo tàng PK-KQ đã diễn ra cuộc gặp mặt của các cựu chiến binh sinh viên nhập ngũ tháng 8-1970 và từng tham gia chiến đấu tại các đơn vị Bộ đội Phòng không trong những năm chiến tranh. Trong không khí bồi hồi xúc động, những chàng sinh viên năm xưa - nay hầu hết đã trên dưới tuổi 70, nhiều người mái đầu đã điểm bạc - đều nhớ về những ngày đầu khi bước vào quân ngũ, làm quen với cuộc sống đầy gian nan, vất vả trong những ngày huấn luyện tân binh và tập hành quân mang vác nặng của người lính bộ binh trước khi vào chiến đấu tại chiến trường miền Nam…

Kí ức tự hào của lứa sinh viên đầu tiên “xếp bút nghiên ra trận” 
Tác giả (áo sáng màu) và các đồng đội sinh viên chiến sĩ
trong những ngày chiến đấu với không quân Mỹ bảo vệ bầu trời Nghệ An năm 1972.

Cách đây 47 năm, vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 năm 1970, ngay trước thềm năm học mới, lần đầu tiên, một số lượng lớn sinh viên của các trường đại học ở Thủ đô được lệnh lên đường nhập ngũ vào ngày 24-8-1970, sau khi Nhà nước có lệnh Tổng động viên.

Nhớ lại lịch sử, trong giai đoạn từ năm 1970 đến năm 1972 - thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn khẩn trương, nhu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam trở nên cấp bách - hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội đã được gọi vào phục vụ quân đội, hình thành một thế hệ sinh viên Thủ đô “xếp bút nghiên ra trận”. Trong số đó, nhiều sinh viên đã nhập ngũ vào Quân chủng PK-KQ tham gia chiến đấu trong những năm chiến tranh khốc liệt ấy!

Nhân dịp này, tại Bảo tàng Quân chủng PK-KQ vừa diễn ra cuộc gặp mặt của các cựu chiến binh sinh viên nhập ngũ tháng 8-1970 đã từng tham gia chiến đấu tại các đơn vị Bộ đội Phòng không trong những năm chiến tranh.

Trong không khí bồi hồi xúc động, những chàng sinh viên năm xưa - nay hầu hết đã trên dưới tuổi 70, nhiều người mái đầu đã điểm bạc - đều nhớ về những ngày đầu khi bước vào quân ngũ, làm quen với cuộc sống đầy gian nan, vất vả trong những ngày huấn luyện tân binh và tập hành quân mang vác nặng của người lính bộ binh trước khi vào chiến đấu tại chiến trường miền Nam… Tuy nhiên, để có đủ lực lượng tinh nhuệ nhằm đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, một số chiến sĩ là sinh viên của các trường Đại học: Sư phạm Hà Nội, Thủy lợi, Ngoại giao, Bách khoa, Giao thông…, đã được tuyển chọn vào đội hình chiến đấu của các đơn vị Bộ đội Phòng không. Những chiến sĩ sinh viên này đã trực tiếp chiến đấu trên các trận địa tên lửa, pháo cao xạ, ra đa bảo vệ bầu trời, góp phần vào chiến công chung của quân và dân ta đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ trên miền Bắc và làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng Chạp năm 1972… Ngay sau đó, các chiến sĩ sinh viên thuộc Trung đoàn tên lửa 263 đã cùng tập thể đơn vị tức tốc hành quân vào bảo vệ vùng trời tỉnh Quảng Trị trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực, và tiếp đó tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đặc biệt, đầu năm 1972, một số chiến sỹ sinh viên thuộc Tiểu đoàn 42 của Trung đoàn Tên lửa 263 được điều động nhận nhiệm vụ tại Tiểu đoàn 172 mới thành lập, có nhiệm vụ huấn luyện và sử dụng ngay loại vũ khí bí mật và tối tân nhất lúc đó do Liên Xô viện trợ là Tên lửa vác vai A72 rồi vào chiến trường miền Nam, phối thuộc với các lực lượng chiến đấu tại mặt trận Trị Thiên - Huế và chiến trường miền Đông Nam bộ. Trong 3 năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng Tên lửa A72 đã lập công xuất sắc, bắn rơi 157 máy bay địch. Riêng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Tên lửa A72 đã bắn rơi 34 máy bay địch, trong đó 9 chiếc rơi ngay tại cửa ngõ Sài Gòn, hỗ trợ đắc lực cho các đơn vị bộ binh của ta tiến quân và giảm bớt thương vong. Nổi bật trong số các chiến sĩ sinh viên tên lửa A72 đó là đồng chí Trần Văn Xuân - cựu sinh viên khóa 8 trường Đại học Thủy lợi - trong 3 năm chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam bộ đã bắn rơi tại chỗ 8 máy bay địch, chỉ huy đơn vị bắn rơi 6 chiếc khác; 7 lần được tặng danh hiệu Dũng sỹ; được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba và hạng Nhất; được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” năm 1978.

Kí ức tự hào của lứa sinh viên đầu tiên “xếp bút nghiên ra trận”
Các cựu chiến binh sinh viên chụp ảnh lưu niệm trong buổi gặp mặt.

Gặp nhau hôm nay, dù gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng nhớ về những năm tháng “xếp bút nghiên ra trận”, những cựu chiến binh sinh viên vẫn không thể nào quên được những đồng đội “mãi mãi tuổi 20” đã hy sinh trên các chiến trường!

Sau ngày đất nước thống nhất, rời quân ngũ, nhiều người trong số lính sinh viên ấy còn mang thương tật chiến tranh hoặc di chứng của những trận sốt rét rừng và hầu hết trở về giảng đường, tiếp tục công việc học hành. Không ít người đã trở thành nhà khoa học, giáo sư, tiến sỹ, nhà thơ, nhà văn, nhà báo, cán bộ quản lý… nắm những vị trí chủ chốt, quan trọng trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước như: Nguyễn Hồng Phong (Cựu chiến binh sinh viên Đại học Ngoại giao); Nguyễn Ngọc Thanh, Vũ Khắc Sần, Nguyễn Đức Khiêm, Nguyễn Quang Trung, Nguyễn Bá Quỳ… (Đại học Thủy lợi); Nguyễn Hữu Hiếu, Nguyến Hữu Mão, Trương Đình Tưởng…(Đại học Sư phạm)…

Một số người tiếp tục con đường binh nghiệp đã trở thành tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp trong quân đội, như: Thiếu tướng Phạm Ngọc Trung (Đại học Ngoại giao), Thượng tá Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Xuân (Đại học Thủy lợi); các Đại tá: Bùi Đình Bôn, Lê Quang Tiến, Trịnh Đình Củ (Đại học Sư phạm)…

Nhiều người đã trở thành các cán bộ quản lý giáo dục, các nhà giáo trong và ngoài quân đội, các chuyên viên trung - cao cấp của các Bộ, ngành… hoặc đơn giản chỉ là người lính trở về. Song, dù ở vị trí nào thì điểm chung nhất của thế hệ những người lính - sinh viên một thời “xếp bút nghiên ra trận” bây giờ là gạch nối giữa quá khứ với hiện tại, là câu chuyện chưa bao giờ cũ để thế hệ hôm nay mãi mãi tự hào về lớp cha anh đi trước, về truyền thống hào hùng của dân tộc, đúng như cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết về lớp sinh viên ngày ấy: “Tổ quốc ghi công lớp lớp thầy giáo, sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và đóng góp xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc. Tinh thần yêu nước mãi mãi là ngọn lửa soi sáng các thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước trở thành quốc gia giàu mạnh, hòa bình và hạnh phúc”./.

HỮU MÃO (Cựu chiến binh sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội)

 

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website